An toàn tại điểm vui chơi trong các siêu thị

09:08, 31/08/2018

Những năm trở lại đây, mô hình khu vui chơi giải trí đặt ngay trong các siêu thị, trung tâm thương mại nở rộ, đáp ứng nhu cầu vui chơi cho trẻ em trong lúc chờ đợi bố mẹ đi mua sắm, phương thức giải trí phù hợp với kỳ nghỉ cuối tuần trong phạm vi ngắn của tất cả các đối tượng khách hàng nên thu hút đông người sử dụng. Tuy nhiên thực tế quan sát tại các khu vui chơi giải trí kiểu này trên địa bàn tỉnh cho thấy lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy, nổ và tai nạn nguy hiểm, nhất là vào dịp cao điểm cuối tuần, ngày lễ, ngày tết... cần được quan tâm.

Tỉnh ta có 3 siêu thị tổng hợp lớn gồm BigC, Micom Plaza và Co.op Mart cùng hàng chục trung tâm, cửa hàng tự chọn ở cả 10 huyện, thành phố. Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại đều có dịch vụ vui chơi cho trẻ em, cơ cấu trò chơi hầu như giống nhau xe đụng, đu quay, xây lâu đài cát, game các loại, thú nhún, nhà bóng, nhà phao, ống trượt… Trong đó, ngoài Siêu thị Lan Chi (Giao Thủy) có khu vui chơi dưới nước ở ngoài trời, còn các Siêu thị BigC, Siêu thị Micom Plaza (TP Nam Định), Country Mart (Hải Hậu) đều sắp xếp khu vui chơi ngay trong khuôn viên sát khu vực bán hàng hoặc dành riêng một tầng cho dịch vụ vui chơi. Ở hầu hết các khu vui chơi này đều thấy chủ đầu tư khai thác tối đa diện tích để có thể tích hợp nhiều trò chơi nên khá chật chội, dễ gây va chạm trong quá trình vui chơi, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Không khí ngột ngạt, tiếng ồn lớn từ trò chơi, quạt gió, loa đài, nhạc quảng cáo… có công suất quá lớn không phù hợp với môi trường vui chơi của trẻ nhỏ, đặc biệt là khi tiếp xúc liên tục trong thời gian dài. Việc đầu tư khu vui chơi không đồng bộ, thiếu các công trình phụ trợ để đảm bảo an toàn cho khu vui chơi; chất lượng các thiết bị vui chơi ở một số điểm không đảm bảo yêu cầu, thậm chí có điểm đầu tư tận dụng đồ chơi đã “lỗi mốt” ở các thành phố lớn chuyển về. Một số điểm vui chơi chỉ bố trí nhân viên làm nhiệm vụ kiểm soát vé chứ không thực hiện nhiệm vụ giám sát, hướng dẫn trẻ vui chơi để phát hiện, ngăn chặn các hành vi không an toàn của người sử dụng đồ chơi và nhất là thực hiện cứu hộ khi có tình huống bất ngờ. Thực tế đã từng xảy ra tai nạn đối với trẻ nhỏ tại một số điểm vui chơi, trong đó có cả tai nạn nghiêm trọng. Cuối tháng 6-2018, tại khu vui chơi dưới nước của Siêu thị Lan Chi (Giao Thủy) đã xảy ra tai nạn đuối nước khi siêu thị này mới đi vào hoạt động được khoảng 1 tháng, nạn nhân là một em nhỏ. Trước đó tại một trong những khu vui chơi trên địa bàn Thành phố Nam Định có trò chơi xe điện đụng cũng đã xảy ra va chạm giữa 2 xe làm một trẻ tử vong. Các tai nạn nhỏ khác như sứt chân, sứt tay do bị kẹp vào các thiết bị của đồ chơi thú nhún hay do va quệt với các thiết bị phụ trợ quanh khu vực vui chơi thì xảy ra thường xuyên do không gian chật chội. Tại Siêu thị Micom Plaza ở khu vui chơi đặt trên tầng 3 của tòa nhà tình trạng dây điện kết nối các thiết bị đặt ngay trên mặt sàn vẫn còn khá nhiều, trẻ mải chạy chơi rất dễ vấp gây bung bật các điểm nối hết sức nguy hiểm… Chỉ bằng cảm quan cũng thấy, các khu vui chơi chưa đảm bảo an toàn theo đúng quy định của pháp luật cả về công tác quản lý của đơn vị tổ chức dịch vụ, người giám hộ trẻ, diện tích, các công trình phụ trợ, an toàn thiết bị vui chơi và phương án phòng chống cháy nổ, ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Theo quy định pháp luật về điều kiện an toàn môi trường, an toàn thiết bị vui chơi cho trẻ, các loại máy móc, thiết bị vui chơi của trẻ nhỏ có vận tốc chuyển động hơn 3m/giây, đưa người lên cao từ 2m trở lên với tốc độ di chuyển của người từ 3m/giây, những loại máy trò chơi sử dụng điện, ngoài việc chủ cơ sở phải kiểm định an toàn về điện trước khi đưa vào hoạt động còn phải kiểm định định kỳ 1 hoặc 2 năm/lần (thiết bị đã sử dụng hơn 6 năm trở lên) với gần 30 mục chiếu theo cơ chế, đặc tính riêng của từng thiết bị.

Nhiều phụ huynh cho con em tham gia những trò chơi không phù hợp với độ tuổi tại Siêu thị Micom Plaza (TP Nam Định).
Nhiều phụ huynh cho con em tham gia những trò chơi không phù hợp với độ tuổi tại Siêu thị Micom Plaza (TP Nam Định).

 Bên cạnh những thiếu sót từ phía đơn vị tổ chức dịch vụ thì trách nhiệm, kỹ năng của người lớn khi đưa trẻ đến các điểm vui chơi cũng rất đáng bàn, nhiều trường hợp cũng “góp phần” để xảy ra những tai nạn không đáng có. Tại khu vui chơi xúc cát có thể thấy khá phổ biến các trường hợp người lớn đang vô tư nô đùa cùng con nhỏ ngồi giữa đống hạt muồng (bằng nhựa) vừa bốc, vừa tung hạt lên cao. Việc làm này không chỉ có hại cho cháu nhỏ mà còn ảnh hưởng đến các trẻ xung quanh bởi các hạt nhỏ này khi tung lên cao rất dễ lọt vào mắt, vào tai người bên cạnh gây hậu quả khôn lường. Mặc dù đây là trò chơi chỉ dành cho trẻ từ 3 tuổi trở lên nhưng không ít phụ huynh vẫn cho con dưới 3 tuổi chơi, người quản lý, trông coi điểm vui chơi cũng không cảnh báo nhắc nhở. Tại các bệnh viện, phòng khám nhi trên địa bàn, nhân viên y tế cho biết từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị các bệnh đường hô hấp, viêm nhiễm tai mũi, đau mắt sau khi tham gia trò chơi xúc cát do hạt muồng, cát công nghiệp lọt vào miệng, tai, mắt, mũi. Hay trong trò chơi xe đụng có trường hợp phụ huynh thiếu hiểu biết nên thay vì thắt dây an toàn cho con ngồi trong xe theo đúng hướng dẫn lại để con ngồi trong lòng mình cùng chơi nên khi xe đụng vào xe khác với lực va chạm mạnh khiến em bé ngồi phía trước bị đập phần ngực vào vô lăng gây ra tai nạn thương tâm.

Thực trạng này đã cảnh báo sự mất an toàn tại các khu vui chơi giải trí cho trẻ trong các siêu thị, trung tâm thương mại, rất cần sự vào cuộc quan tâm tích cực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và của cả cộng đồng. Trong đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị cung ứng dịch vụ trò chơi trẻ em; tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm các điều kiện kinh doanh, trách nhiệm bảo dưỡng các thiết bị thường xuyên, không kinh doanh các trò chơi mạo hiểm gây nguy hiểm cho trẻ em. Bên cạnh đó các bậc phụ huynh cũng phải trang bị kiến thức về đảm bảo an toàn khi cho trẻ vui chơi tại các khu giải trí tập trung đông người, chủ động tìm hiểu những cảnh báo đối với từng trò chơi để lựa chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của trẻ nhỏ. Tăng cường quan sát trẻ tham gia các trò chơi, không giao phó con cho đơn vị tổ chức dịch vụ  để hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com