Chấn chỉnh tình trạng đốt vàng mã tràn lan

08:03, 30/03/2018

Từ ý nghĩa ban đầu là thể hiện hiếu nghĩa với người đã khuất nhưng đến nay tục đốt vàng mã ngày càng trở nên biến tướng. Việc đốt vàng mã tràn lan trong các gia đình đến các nơi thờ tự kéo theo những hệ lụy như nguy cơ hỏa hoạn, gây lãng phí tiền của, tác động tiêu cực đến môi trường và làm lệch lạc suy nghĩ của nhiều người về văn hóa tâm linh truyền thống.

Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, đồ vàng mã để dâng cúng tổ tiên ngày nay không còn đơn thuần là những bộ quần áo, tiền vàng, mũ, ngựa như trước đây mà kèm theo nhiều đồ hàng mã hiện đại như: nhà tầng, ô tô, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, xe máy... Với niềm tin người thân đã khuất sẽ có cuộc sống đủ đầy ở thế giới bên kia nên nhiều gia đình sắm thật nhiều để hóa cho người đã mất. Nhiều người đi giải hạn và cầu may đầu năm ở các cơ sở văn hóa tâm linh dâng cúng đủ loại vàng mã cho thấy sự lệch chuẩn với suy nghĩ dâng cúng càng nhiều thì càng được thần linh phù hộ độ trì. Bên cạnh đó ý thức của một bộ phận khách thập phương tham gia các lễ hội còn hạn chế dẫn tới tình trạng đốt vàng mã không đúng nơi quy định. Ở các di tích đều có lầu hóa sớ, hóa vàng mã được chỉ dẫn rõ ràng nhưng nhiều du khách vẫn tiện đâu hóa đó, vừa gây mất sự tôn nghiêm, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Ngoài ra ở một số đền, phủ trong tỉnh, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đang có biểu hiện lệch lạc, gây phản cảm như: Tình trạng mua sắm lễ vật xa hoa, lãng phí, lạm dụng việc đốt nhiều vàng mã để cầu ước những điều không hợp đạo lý; một số thanh đồng lợi dụng việc “nhập thánh” phán truyền người xem phải “trả nợ tào quan”, “cắt duyên âm” bằng hình thức mua vàng mã, đốt hình nhân thế mạng. Thượng tọa Thích Giác Vũ, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cho biết: Phật giáo Việt Nam trong hàng chục năm trở lại đây các cao tăng đứng đầu Giáo hội đều kêu gọi, vận động các cơ sở tự viện giảm tối thiểu hình thức đốt vàng mã vì đó là mê tín, hao tốn tiền của, đồng thời có nguy cơ gây ra hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường. Đạo Phật chính thống không khuyên mọi người đốt vàng mã để cúng những người đã mất mà luôn khuyên con người coi trọng quy luật nhân - quả: Người làm điều thiện cho người khác, cho xã hội và cộng đồng thì sẽ gặp may mắn phúc đức và ngược lại. 

Hàng mã bày la liệt tại Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).
Hàng mã bày la liệt tại Đền Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc).

Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã của người dân, những năm gần đây, Bộ VH, TT và DL đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Ngày 12-2-2018, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Công văn số 31/CV-HĐTS yêu cầu các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn cho tăng ni, phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức... Đề nghị chư tôn đức tăng ni hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, phật tử... Ngay sau khi Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn số 31, Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã triển khai tinh thần của công văn đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các huyện, thành phố. Các vị trụ trì các chùa trên địa bàn tỉnh đều phổ biến các nội dung của công văn đến các phật tử thông qua các buổi thuyết pháp. Nhiều chùa trên địa bàn tỉnh là điểm sáng trong việc thực hiện không đốt vàng mã, tiêu biểu như Chùa Vọng Cung, Chùa Cả, chùa Ỏn (TP Nam Định), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Bảo Hoa (Giao Thủy), Chùa Phúc Sơn (Hải Hậu), Chùa Đống Trúc (Ý Yên)... Chùa Vọng Cung là một trong những ngôi chùa có truyền thống nhiều năm liền thực hiện tốt việc tuyên truyền cho phật tử về tác hại của việc đốt vàng mã. Từ nhiều năm qua các vị trụ trì Chùa Vọng Cung thường giảng giải, phổ biến cho các phật tử về việc không đốt vàng mã. Hiện nay, những phật tử được quy y ở Chùa Vọng Cung khi đến lễ chùa chỉ mang hương và dâng hoa thành tâm kính Phật. Chùa Phúc Sơn, xã Hải Trung (Hải Hậu) là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia, các phật tử khi đến làm lễ cho người thân đã mất vào các dịp 49, 100 ngày đều thực hiện theo nếp sống văn minh, trong đó không có tục hóa vàng mã. 

Thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh (NSVM) trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Sở VH, TT và DL đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định pháp luật về NSVM trong việc tang; tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt, rải vàng mã… Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo trong việc hạn chế việc đốt, rải vàng mã. Huyện ủy Giao Thủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/HU ngày 14-5-2013 về “Thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội trên địa bàn huyện”. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đã ban hành quy chế NSVM địa phương. UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thực hiện NSVM trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở cả 22 xã, thị trấn. Nhờ các giải pháp đồng bộ, đến nay việc đốt, rải vàng mã trong các đám tang và các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Ở huyện Trực Ninh, quy định về việc đốt, rải vàng mã được ghi trong hương ước các xóm, tổ dân phố và phổ biến rộng rãi để nhân dân thực hiện. Các Ban quản lý các di tích trong tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định thực hiện NSVM lễ hội. Thường xuyên rà soát hệ thống thiết bị phòng, chống cháy nổ ở di tích, hạn chế tình trạng đốt vàng mã và thắp hương trong khu vực nội tự di tích. 

Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng cần tích cực vận động, giải thích, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt vàng mã. Bên cạnh đó thay vì đốt vàng mã người dân nên thành tâm lễ bái, đơn giản hóa hình thức lễ vật để các cơ sở thờ tự thật sự là nơi linh thiêng giúp mỗi người đến tĩnh tâm và sống tích cực hơn, từ đó hướng con người tới những việc làm tốt đẹp trong cuộc sống hằng ngày./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com