Phòng chống bạo lực gia đình vì sự tiến bộ của phụ nữ

06:10, 27/10/2017

Bạo lực gia đình là một tệ nạn xã hội, với các biểu hiện như: bạo lực về thể chất, về tinh thần..., gây tổn thương cho nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; ảnh hưởng xấu đến xã hội. Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả phòng chống bạo lực gia đình; qua đó đã tăng cường sự chỉ đạo của các ban, ngành, đoàn thể; phát huy quyền làm chủ và bình đẳng giới của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 27-6-2016 về thực hiện chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, ban hành văn bản hướng dẫn về đào tạo cán bộ, quy hoạch cán bộ; dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ... Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và Gia đình; Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11); biểu dương những tập thể, cá nhân, gia đình có sáng kiến, đóng góp tích cực; các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng; lên án những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, những hành vi bạo lực trong gia đình, bất bình đẳng giới; những hành vi trái với phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Các địa phương cũng đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền như: treo băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép trong các chương trình văn hóa văn nghệ, tọa đàm, trao đổi về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình... Từ năm 2016 đến nay, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn cho trên 478 cán bộ làm công tác dân số - gia đình - trẻ em, cán bộ LĐ-TB và XH cấp xã, huyện; phát hành 12.500 tờ rơi; 278 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền. Hội LHPN tỉnh tổ chức tọa đàm về chủ đề “Chung tay phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” với sự tham gia của hơn 90 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Qua đó, góp phần giúp người dân nhận thức được ý nghĩa của việc giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh; từng bước xác lập mối quan hệ bình đẳng trong ứng xử vợ - chồng; xây dựng gia đình văn hóa, tiến bộ, hạnh phúc. Các ngành thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn, gắn với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Hoạt động vay vốn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống tiếp tục được triển khai thực hiện. Từ năm 2016 đến nay có trên 20 nghìn lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, giúp đỡ học nghề, tạo việc làm. Ngành Y tế tăng cường công tác quản lý, chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh... Sở VH, TT và DL lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới trong triển khai thực hiện các chương trình, đề án có liên quan như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam”; tuyên truyền, vận động và đưa các nội dung về bình đẳng giới vào việc xây dựng nội dung hương ước, quy ước thôn, xóm...; thực hiện thanh tra, kiểm tra và quản lý chặt chẽ các sản phẩm văn hoá, các hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật đảm bảo không mang định kiến giới. Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành tăng cường các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo phòng ngừa tội phạm mua bán người, đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm và các đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em. Sở Tư pháp phối hợp tuyên truyền các văn bản pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài; triển khai các biện pháp tuyên truyền chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, đặc biệt thông qua mô hình sinh hoạt CLB Phụ nữ với pháp luật…

Do thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, giải pháp, công tác phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức của nhân dân; thúc đẩy hành vi bình đẳng giới, từng bước thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao; xây dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Tuy nhiên quá trình thực hiện công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình ở các cấp hoạt động kiêm nhiệm nên việc triển khai hoạt động ở một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Một số địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí hoặc kinh phí còn hạn chế chưa đảm bảo triển khai các hoạt động về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, vì sự tiến bộ phụ nữ của ngành, địa phương. Nhận thức của một số phụ nữ về vấn đề phòng, chống bạo lực còn hạn chế, chưa thực sự nỗ lực cải thiện cuộc sống của chính bản thân và gia đình, còn mang tư tưởng cam chịu, tự ti, an phận... Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, vì sự tiến bộ của phụ nữ, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng căn cứ nhiệm vụ được phân công chủ trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 56/KH-UBND của tỉnh về thực hiện chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh sát thực tiễn. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống bạo lực gia đình với nội dung, hình thức phong phú, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ cao xảy ra bạo lực gia đình. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy, kiện toàn và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp. Cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình. Xây dựng và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Can thiệp, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, cộng đồng, gia đình, người dân tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Tạo thuận lợi cho phụ nữ vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, tích cực tham gia các lĩnh vực đời sống xã hội./.

Minh Tân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com