Tăng cường công tác hậu kiểm chất lượng nước đóng bình

06:10, 06/10/2017

Nước uống đóng bình đang ngày càng được nhiều người dân, cơ quan, doanh nghiệp sử dụng bởi sự tiện lợi, giá cả phải chăng, nhất là trong những ngày hè nắng nóng. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng một số cơ sở không duy trì tốt vệ sinh trong quy trình sản xuất.

Chúng tôi tìm đến một cơ sở sản xuất nước đóng bình nằm trên đường Giải Phóng (TP Nam Định). Qua quan sát thực tế, điều dễ dàng nhận thấy là điều kiện vệ sinh nhà xưởng ở cơ sở sản xuất này chưa đảm bảo; số bình nước đã qua sử dụng được thu gom chất đống, sau khi xúc rửa vệ sinh không có giá treo chờ đóng gói sản phẩm. Đây là vi phạm về điều kiện vệ sinh, trang thiết bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Chủ cơ sở cho biết, do chủ yếu sản xuất vào mùa hè, số bình quay đầu tái sử dụng nhiều nên chưa bố trí đủ giá treo. Tương tự, tại khu vực nhà xưởng của một cơ sở sản xuất nước uống đóng bình trên đường Vàng, huyện Nam Trực, dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình chưa đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại. Người trực tiếp đóng bình chưa sử dụng bảo hộ lao động, nhiều bình nước được thu gom về đổ đống không bảo đảm điều kiện vệ sinh. Được biết, ngoài khách hàng là người dân quanh khu vực, cơ sở này còn cung cấp cho một số cơ quan, đơn vị, trường học, nhà hàng ăn uống, các hội nghị, tiệc cưới… xung quanh vùng.

Xét nghiệm nước uống tinh khiết tại Phòng Xét nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Xét nghiệm nước uống tinh khiết tại Phòng Xét nghiệm,
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Theo đánh giá của ngành chức năng, chỉ một số ít Cty lớn và các cơ sở sản xuất có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, nhà xưởng, chất lượng nước mới tương đối đạt tiêu chuẩn, còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, sản xuất mang tính mùa vụ. Nhiều cơ sở nhà xưởng chật chội, chưa quy hoạch riêng biệt giữa khu sản xuất với khu xử lý vệ sinh vỏ bình, chiết rót sản phẩm; người lao động chưa được khám sức khỏe định kỳ. Thậm chí có cơ sở sản xuất chung trong khu nhà ở; hệ thống thoát nước ứ đọng; thiếu phòng vô trùng xử lý bằng tia cực tím; không đáp ứng yêu cầu quy trình sản xuất 1 chiều khép kín theo quy định. Một số cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, nhưng chưa thực hiện nghiêm quy trình sản xuất nên sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng vẫn “vô tư” sử dụng mà không biết chất lượng nước ra sao?

Trước thực trạng trên, định kỳ hằng năm, Chi cục ATVSTP tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai trên địa bàn. Cụ thể, năm 2016 đã kiểm tra 68 cơ sở, phát hiện 45 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 66,2%), 40 cơ sở vi phạm bị xử lý (88,9%), 1 cơ sở bị cảnh cáo, 39 cơ sở bị phạt tiền (86,7%) với tổng số tiền phạt 63 triệu đồng. Quá trình kiểm tra, đã lấy 59 mẫu để xét nghiệm, qua đó 39 mẫu đạt, 20 mẫu không đạt. Trong tháng 6 và tháng 7-2017, Chi cục ATVSTP tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra hơn 60 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra vẫn phát hiện những tồn tại: Một số cơ sở chưa tiến hành khám sức khỏe định kỳ, chưa thực hiện xác nhận kiến thức về ATTP cho chủ cơ sở và người lao động, nhãn mác sản phẩm chưa phù hợp quy định, chưa thực hiện kiểm nghiệm nước định kỳ. Một số cơ sở chưa đảm bảo về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ. Diện tích sản xuất chưa đủ, chưa theo nguyên tắc "1 chiều"; các khu vực sản xuất, khu vực kho chưa tách biệt, khu vực chiết rót chưa đảm bảo kín, một số cơ sở chưa trang bị đèn khử khuẩn trong khu vực chiết rót. Khu vực sản xuất, khu vực chứa thành phẩm sắp xếp, bố trí lộn xộn, chưa hợp lý. Vệ sinh cơ sở một số khâu trong sản xuất chưa đảm bảo… Nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là do hằng năm có nhiều cơ sở sản xuất nước mới ra đời, các cơ sở cạnh tranh về giá cả nên hạ giá thành sản phẩm, lãi suất thấp nên không có sự đầu tư trở lại trang thiết bị, dụng cụ dẫn đến chất lượng nước uống không đảm bảo. Nguồn nước sử dụng để sản xuất không được kiểm soát về chất lượng (nước giếng khoan, nước sông, hồ, ao…). Thậm chí một số cơ sở mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng không duy trì tốt vệ sinh trong quy trình sản xuất... Tại một số địa phương, nhà thờ công giáo được tài trợ dây chuyền sản xuất nước để phục vụ giáo dân và có kinh doanh. Hầu hết các cơ sở này đều không thực hiện công bố hợp quy, không làm xét nghiệm công bố, không đăng ký kinh doanh… nên khó khăn trong công tác quản lý về ATTP.

Từ thực tiễn trên, đòi hỏi ngành chức năng phải tăng cường công tác hậu kiểm để bảo đảm chất lượng nước đóng bình, đóng chai. Thời gian tới, ngành Y tế phối hợp với các huyện, thành phố thường xuyên tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các cơ sở vi phạm; kiểm soát chặt chẽ điều kiện vệ sinh; giám sát, kiểm tra mẫu nước đột xuất tại nơi sản xuất và mẫu nước lưu thông trên thị trường; yêu cầu các cơ sở sản xuất tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, nước uống nếu không được xử lý đúng quy trình dễ tồn tại các vi khuẩn gây tiêu chảy, viêm đường ruột, thậm chí tích tụ dẫn đến ngộ độc kim loại nặng… Hơn nữa, nước uống đóng bình trên thị trường có rất nhiều loại, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu, uy tín, sử dụng dây chuyền sản xuất hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn ATTP./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com