Nhân rộng các mô hình điểm về an toàn thực phẩm

08:06, 10/06/2017
Hiện tại tỉnh ta đang hình thành một số mô hình thực phẩm rau, thịt, thủy sản được chứng nhận là thực phẩm sạch, đảm bảo ATTP như: Mô hình điểm về rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, theo công nghệ Nhật Bản, Ít-xa-ren; thịt lợn, thịt gà theo mô hình liên kết chuỗi của một số doanh nghiệp trong tỉnh; các vùng nuôi trồng cá bống bớp, ba ba của Nghĩa Hưng; ngao, tôm thẻ chân trắng của Giao Thủy; cua biển, tôm sú của Hải Hậu…
 
Trên địa bàn tỉnh, một số ngành chức năng, một số tổ chức, cá nhân đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất rau tiên tiến như: Mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định (Sở NN và PTNT); mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại 4 xã thuộc các huyện Ý Yên, Giao Thủy, Xuân Trường; mô hình sản xuất thử nghiệm rau an toàn bằng phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (CCN An Xá); mô hình sản xuất rau an toàn bằng phương pháp thủy canh tại một số hộ dân… Các mô hình đang tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của nhà sản xuất và người dân, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau an toàn của vùng, góp phần làm phong phú thị trường rau an toàn và bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Mô hình chăn nuôi VietGAP đang hình thành ở các huyện Vụ Bản, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Tiêu biểu trong số đó là mô hình liên kết chuỗi để chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn, gà sạch giữa HTX CCB Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) và Cty TNHH Tuệ Hương, Cty CP Vina-HTC. Đây là mô hình liên kết đầu tiên trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh được xây dựng điểm từ năm 2015 để từng bước nhân ra diện rộng. Tham gia liên kết chuỗi, các doanh nghiệp được định hướng sản phẩm, hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi và kỹ thuật nuôi theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ xây dựng và chứng nhận cơ sở giết mổ đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, ATTP. Trong chuỗi liên kết này, các đơn vị kinh doanh lo cả đầu vào, đầu ra sản phẩm cho nông dân, từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến xuất bán sản phẩm. Đối với sản phẩm thịt lợn, Cty TNHH Tuệ Hương ký hợp đồng với HTX CCB Vạn Xuân Trường thực hiện chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ lợn sạch theo hướng bán công nghiệp, sử dụng giống lợn lai Móng Cái, thu mua với số lượng mỗi tháng khoảng 50 con lợn. Đối với sản phẩm thịt gà, Cty TNHH Tuệ Hương đặt hàng HTX CCB Vạn Xuân Trường sản xuất gà sạch cũng với hình thức nuôi bán công nghiệp, không sử dụng chất cấm, không sử dụng kháng sinh. Giống gà được lựa chọn cho mô hình là các giống gà có chất lượng thịt thơm ngon, dễ nuôi. Để có được sản phẩm thịt gà đảm bảo yêu cầu, HTX liên kết với Cty Vina-HTC cung ứng thức ăn chăn nuôi đảm bảo chất lượng, không sử dụng các chất kích thích. Trong khoảng thời gian nuôi, HTX giám sát chặt chẽ, tích cực các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Nhờ liên kết sản xuất, các đơn vị đã giảm được những rủi ro trong chăn nuôi, đảm bảo được lợi nhuận và đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Các hộ chăn nuôi được ứng trước thức ăn chăn nuôi, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, được cung cấp vật tư nông nghiệp (con giống, thức ăn) có chất lượng, giảm rủi ro và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cty Vina-HTC có nơi tiêu thụ thức ăn chăn nuôi; Cty Tuệ Hương cũng được cung cấp nguồn thực phẩm ổn định, có chất lượng. Qua mô hình liên kết, người dân được cung cấp những thực phẩm thịt lợn, gà sạch.
Mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch theo công nghệ của Nhật Bản tại Trung tâm Giống cây trồng Nam Định.
Mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch theo công nghệ của Nhật Bản tại Trung tâm Giống cây trồng Nam Định.
Ngoài các mô hình trên, trên địa bàn tỉnh đang hình thành một số vùng nuôi thủy sản an toàn như vùng nuôi ngao, tôm thẻ chân trắng ở các xã Bạch Long, Giao Phong, Giao Thiện (Giao Thủy); cua biển, tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở các xã Hải Hòa, Hải Đông, Hải Lý (Hải Hậu); vùng nuôi cá bống bớp, ba ba của Nghĩa Hưng... Đơn cử như tại vùng nuôi tôm thẻ chân trắng xã Hải Lý (Hải Hậu), kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng được tuân theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đảm bảo ATTP thủy sản, trong quá trình nuôi, người dân luôn chú trọng kiểm tra, theo dõi nguồn nước khi lấy vào và thải ra môi trường nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường nuôi. Thức ăn cho tôm cũng được chọn lựa kỹ, phải có đầy đủ nhãn mác, đảm bảo không bị hết hạn, mốc… Đặc biệt, không sử dụng các hóa chất, kháng sinh, chế phẩm sinh học đã bị cấm hoặc những sản phẩm không nằm trong danh mục được phép sử dụng. Thời gian chuẩn bị thu hoạch tôm tuyệt đối không sử dụng thuốc hoặc kháng sinh, từ đó tôm mới có sức khỏe tốt, không bị dịch bệnh, đảm bảo nguồn thực phẩm thủy sản sạch cung cấp ra thị trường.
 
Với việc hình thành các mô hình, các vùng trồng trọt, chăn nuôi rau, thịt, thủy sản an toàn, người dân trong tỉnh đang bước đầu được tiếp cận với nguồn thực phẩm rau, thịt, thủy sản đảm bảo ATTP. Để cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm an toàn, năm 2016, các ngành chức năng đã triển khai kiểm tra hướng dẫn ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn với 146 cơ sở sản xuất rau quả, 185 cơ sở nuôi trồng thủy sản. Thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh rau, thịt, thủy sản… nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm chất lượng, không đảm bảo ATTP, đồng thời tích cực triển khai công tác giám sát ATTP trong sản xuất, kinh doanh rau, thịt, thủy sản, trên cơ sở đó, lấy mẫu phân tích, truy xuất nguồn gốc, trao đổi thông tin, phối hợp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thay đổi quy trình công nghệ, quan tâm đến việc liên kết chuỗi. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công 10 chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rau, thịt, thủy sản an toàn khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng gồm ngao sạch Giao Thủy, chả cá Hùng Vương, cá bống bớp Nghĩa Hưng, nước mắm Ninh Cơ, nghêu sạch lenger và hàu sạch lenger, ngô sấy và khoai tây sấy Minh Dương, gạo sạch Toản Xuân, sứa ăn liền Tân Long, giò 7 phút Nam Phát, rau, củ, quả được sản xuất áp dụng mô hình sản xuất rau, quả an toàn theo công nghệ Nhật Bản của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định; 3 chuỗi đang tiếp tục hoàn thiện; đã hình thành được một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm rau, thịt, thủy sản an toàn, giới thiệu địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng lựa chọn; đã hỗ trợ tạo điều kiện cho tập đoàn VinGroup xây dựng đưa vùng sản xuất rau an toàn với diện tích 100ha tại huyện Xuân Trường vào sản xuất cung ứng sản phẩm cho Thành phố Hà Nội. 
 
Việc xây dựng thành công các mô hình rau, thịt, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh đã đạt hiệu quả bước đầu trong việc tạo ra những sản phẩm thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng. Để nhân rộng các mô hình ATTP rau, thịt, thủy sản an toàn, các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn các tập thể, cá nhân tuân thủ các quy định về đảm bảo các điều kiện trong sản xuất, kinh doanh. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các kỹ năng lựa chọn thực phẩm rau, thịt, thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ủng hộ những sản phẩm được kiểm tra, chứng nhận. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã đảm bảo chất lượng ATTP. Xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi rau, thịt, thủy sản tiên tiến trên địa bàn tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com