"Ma trận" gian lận thương mại ở chợ dân sinh

08:01, 06/01/2017
Xây dựng văn minh thương mại là yêu cầu quan trọng để hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Trong văn minh thương mại, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại, đa dạng hóa hình thức phân phối, cung ứng hàng hóa, điều quan trọng là ứng xử giao dịch thương mại hằng ngày, nhất là tối kỵ những hành vi gian lận thương mại dưới hình thức lừa gạt người mua bằng đủ mọi cách. Đáng buồn là tình trạng này hiện khá nhức nhối, đặc biệt ở các chợ truyền thống trở thành rào cản cho phát triển kinh tế, văn hóa.
 
Từ khi còn nhỏ, tôi đã nghe bà nội dặn dò mẹ kinh nghiệm đi chợ bằng những câu ca dân gian “Trăm người bán, vạn người mua/ Trăm người mua vẫn thua một người bán”. Bà kể: rõ ràng người mua cẩn thận mang theo bơ đi chợ, năm, bảy người ngồi trông chị hàng xáo đong gạo bằng bơ của mình, nhưng về nhà đong đi đong lại vẫn thiếu. Mãi sau này, bà tôi mới phát hiện ra thủ đoạn của người bán, vừa đong gạo vừa nói đủ chuyện cuốn hút người mua. Lợi dụng lúc người đi chợ mải vui câu chuyện, chị hàng xáo mới nhanh tay quay ngược bơ đong gạo “bằng đáy” cho khách và không quên be ngọn cao tít cho khách vui lòng. Câu chuyện này tưởng chừng chỉ có ở thời bao cấp bởi hiện nay bất cứ người buôn bán nào cũng có câu cửa miệng “lấy chữ tín làm đầu” nhưng theo phản ánh của người tiêu dùng thì tình trạng cân thiếu, tráo đổi hàng hóa, theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” nhập nhèm trộn lẫn hàng tốt và hàng xấu, cố tình tính sai số tiền cần thanh toán… vẫn phổ biến và rất tinh vi khiến nhiều người, đặc biệt là “cánh mày râu” ngại ngần khi phải đi chợ mua hàng. Trò chuyện với những người nội trợ mới thấy có rất nhiều cách gian lận thương mại “móc túi” người tiêu dùng. Chị Mai Lan Thu, ở đường Đông A, Thành phố Nam Định cho biết riêng chuyện bớt khối lượng hàng hóa cho khách hàng cũng có đủ mánh khóe. Nào là chỉnh trục cân cho cân “nhẹ” đi năm, bảy hoa đến 1 lạng, rồi vảy nước cho hoa quả, thực phẩm nặng thêm, hay cân đủ trọng lượng hàng hóa trước mắt khách hàng nhưng khi đưa hàng cho người mua thì nhanh tay thay bằng một túi hàng khác để sẵn bên dưới có trọng lượng ít hơn; hay cân hàng bằng hai đĩa cân. Chênh lệch phổ biến nhất là 1 đến 2 lạng trên mỗi kg. Trong trường hợp bị phát hiện, gặp người “mát tính” thì đổ tại quên, nhầm và có thể cho qua, nhưng gặp người khó tính có thể gây cãi vã xô xát. Trong bối cảnh hội nhập, ngày càng có nhiều người nước ngoài làm việc và sinh sống ở Việt Nam, có thể đi chợ mua hàng. Những chiêu trò gian lận như vậy sẽ khiến người bán “lợi bất cập hại”. Tại cuộc điều tra đột xuất về đo lường đối với cân thông dụng tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định) do Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường -  Chất lượng (Sở KH và CN) thực hiện mới đây cho thấy trong tổng số gần 30 chiếc cân được lấy ngẫu nhiên để kiểm định thì duy nhất có 1 chiếc đúng chuẩn. Điều này cho thấy câu chuyện cân “điêu” của các tiểu thương ở chợ dân sinh như trên là một trong những chiêu gian lận phố biến nhất và chưa có hồi kết.
Người tiêu dùng ngày càng thích nghi với việc mua sắm trong các siêu thị bởi những thông tin về giá bán, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được minh bạch.
Người tiêu dùng ngày càng thích nghi với việc mua sắm trong các siêu thị bởi những thông tin về giá bán, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được minh bạch.
Việc cân thiếu trọng lượng chỉ khiến khách hàng bị thiệt hại về kinh tế nhưng việc các tiểu thương gian lận trọng lượng, tăng phẩm cấp hàng hóa bằng cách đưa tạp chất vào sản phẩm hàng hóa thì nguy hiểm hơn nhiều cần phải xử lý triệt để bởi cách làm này đã gây biến dạng sinh học, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào sản phẩm hàng hóa, gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhóm hàng hóa thường bị áp dụng chiêu trò này là rau củ quả, gia cầm, thủy, hải sản. Trong đó, rau củ thường được các tiểu thương ngâm nước cho tươi lâu và nặng cân, thậm chí nhiều nơi còn sử dụng hóa chất sunphat đồng ngâm rau muống chẻ cho thật xanh, giòn hay tiêm đường hóa học, hóa chất kích thích cho hoa quả tươi lâu, ngọt đậm; bơm thạch aga vào tôm để tăng trọng lượng và tăng giá trị con tôm; dùng dây cói ngâm nước và lăn qua cát để buộc cua biển hay bơm nước vào thịt gà, thịt lợn cho thịt nặng hơn và căng mọng, bắt mắt người tiêu dùng. Những ai tinh mắt khi đi chợ Năng Tĩnh (TP Nam Định) thường thấy có dãy hàng bán gà, chim câu cùng các loại đặc sản ruộng đồng như cá trạch, ếch, rắn nùng nục sẽ thấy cách gian lận thương mại tinh vi của người bán hàng. Đối với rắn nùng nục vốn được coi là đặc sản, bán với giá cao trên 200-500 nghìn đồng/kg. Để nâng trọng lượng của con rắn, người bán hàng thường dùng cá trạch nhúng vào cám ngô và luồn qua miệng vào bụng rắn để tăng trọng lượng. Ngoài gian lận về trọng lượng, người bán hàng còn được hưởng chênh lệnh về giá giữa hai mã hàng có trọng lượng khác nhau bởi rắn tự nhiên lại đang có chửa là hàng quý nên đắt hơn rắn nhỏ vài ba giá. Những việc làm này diễn ra hằng ngày, nhiều người biết, nhất là những người cùng ngồi chợ. Người bán không lên tiếng, người mua thì ngại va chạm, “tặc lưỡi” cho qua, chỉ “cạch mặt” không mua... Hệ lụy của việc này là nhiều người nước ngoài, kể cả đối tác kinh doanh có tư tưởng dè chừng bởi khi đi thực tế tại chợ dân sinh, chứng kiến cảnh buôn gian bán lận đã mặc định suy nghĩ về văn hóa đời sống dân sinh, ý thức tuân thủ quy định pháp luật của người dân bản địa không cao.
 
Theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong  lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hóa thì tiểu thương cân gian sẽ bị phạt từ 300-500 nghìn đồng, mức phạt còn tăng lên từ 4-7 triệu đồng nếu tái phạm. Quy định này dường như vẫn chưa được áp dụng nhiều trên thực tế mặc dù tình trạng cân điêu, gian lận đang có chiều hướng gia tăng và “hoành hành” ở nhiều nơi. Hơn nữa việc thực hiện kiểm định cân thông dụng trên địa bàn theo chu kỳ một năm một lần như quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ KH và CN đối với phương tiện đo nhóm 2 là khó có khả năng thực thi bởi không có ai thống kê được số lượng cân thông dụng lưu thông trên địa bàn là bao nhiêu. Thậm chí, khi kiểm định rồi, chủ hàng sẵn sàng bỏ không dùng chiếc cân đã kiểm định để mua một chiếc cân khác về dùng mà không bị kiểm soát. Để đối phó với tình trạng gian lận thương mại này, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý một số chợ trên địa bàn tỉnh đặt cân đối chứng cố định tại một điểm cho khách hàng tự kiểm tra lại trọng lượng hàng hoá. Tuy nhiên, cách hạn chế nạn gian lận thương mại trước hết phải do ý thức của người kinh doanh hướng tới minh bạch trong giao dịch thương mại. Người tiêu dùng cần tỉnh táo nhận biết các mánh khóe lừa đảo này để trở thành những người nội trợ thông thái./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com