Hiệu quả thiết thực từ phiên chợ "Đưa hàng Việt về nông thôn"

08:12, 28/12/2016

“Đưa hàng Việt về nông thôn” là hoạt động nằm trong chương trình thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Thời gian qua, Sở Công thương đã tập trung tổ chức các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” nhằm giúp người dân tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với hàng Việt, từ đó ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong nước.

Sản phẩm của làng nghề rèn xã Quang Trung (Vụ Bản) tại phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” huyện Ý Yên.
Sản phẩm của làng nghề rèn xã Quang Trung (Vụ Bản) tại phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” huyện Ý Yên.

Để tổ chức thành công các phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, các cán bộ của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ tập quán sinh hoạt, mua sắm, nhu cầu thiết yếu về hàng hóa và thu nhập của nhân dân từng địa phương. Từ đó, tiến hành chiêu thương, mời gọi các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, chuẩn bị hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân. Ấn định lịch tổ chức các phiên chợ vào 3 ngày cuối tuần để bà con có thời gian đến tham quan và mua sắm. Đồng thời tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp 100% chi phí đăng ký, lắp đặt gian hàng, một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, điện nước, vệ sinh, an ninh, trang trí chung, khai mạc phiên chợ và chi phí tuyên truyền, quảng cáo tại phiên chợ để thu hút đông đảo người dân đến tham gia và mua sắm. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, trong năm 2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đã phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ, Phòng Công thương, Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố và các đơn vị tổ chức sự kiện tổ chức thành công 2 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại các huyện Xuân Trường, Ý Yên. Mỗi phiên chợ có khoảng 30 gian hàng tiêu chuẩn của 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Hàng hóa tại các phiên chợ đảm bảo về mặt chất lượng, sản xuất tại Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được phép lưu thông hợp pháp trên thị trường, bao gồm: Hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống; thực phẩm; sản phẩm nông, lâm, thủy sản; đồ dùng học tập; bánh kẹo; áo quần thời trang; các sản phẩm đặc trưng của địa phương, bưu chính viễn thông, nghe nhìn... Mỗi phiên chợ kéo dài 3 ngày, thu hút được khoảng 3.000 lượt người dân đến tham quan, mua sắm, doanh thu ước đạt từ 300-500 triệu đồng. Đồng chí Vũ Phi Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết: “Mặc dù lần đầu tiên tổ chức phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, thời gian tổ chức ngắn, quy mô của chương trình còn nhỏ so với các hội chợ thương mại khác nhưng đã thu hút được rất đông người tiêu dùng tham gia. Doanh thu và mức độ quan tâm của người tiêu dùng cho thấy, nhận thức của người dân về ưu tiên sử dụng hàng của các doanh nghiệp trong nước ngày càng cao”. Tại phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” huyện Ý Yên, đã có 30 gian hàng của 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham dự. Ngoài các mặt hàng là đặc sản của địa phương, Trung tâm Xúc tiến thương mại còn định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân như quần áo, giày dép, thực phẩm và một số hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp như hàng điện máy; đồ gia dụng, thực phẩm chế biến; hàng dệt may, hàng cơ khí nông nghiệp; phân bón các loại… Chị Phạm Thu Nga, xã Yên Đồng (Ý Yên) cho biết: Lâu nay qua đọc báo và xem ti vi quảng cáo chúng tôi đã biết tiếng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh nhưng chưa được trực tiếp sử dụng sản phẩm do không biết mua ở đâu. Đi chợ huyện hay chợ xã thì đa phần là hàng Trung Quốc và hàng hóa không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ. Nay có phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” chúng tôi mới được tiếp cận hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh. Tôi thấy chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã của nhiều sản phẩm sản xuất trong nước, trong tỉnh bây giờ cũng rất đẹp. Lại được nghe tuyên truyền giải thích về ý nghĩa của việc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước nên từ giờ tôi sẽ lưu ý sử dụng hàng Việt nhiều hơn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất để ủng hộ sản xuất trong nước, trong tỉnh.

Với không khí mua bán tấp nập, vui vẻ, phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã giúp bà con có cơ hội tiếp xúc, nhận biết các hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp do Việt Nam sản xuất. Phiên chợ đã có tác động sâu sắc đến tâm lý người tiêu dùng, từng bước khẳng định hàng Việt đang là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, đây là cơ hội để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tổ chức khảo sát, nắm bắt thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, trên cơ sở đó cải tiến mẫu mã, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ tốt hơn ở thị trường nông thôn. Không chỉ là các chuyến bán hàng lưu động đơn thuần, thông qua phiên chợ, nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tìm kiếm đối tác, thị trường, phát triển đại lý, mở rộng hợp tác sản xuất, kinh doanh. Trong đó Cty CP Thế hệ xanh (Hà Nội) đã giới thiệu tới khách hàng huyện Ý Yên sản phẩm bếp đun thế hệ xanh. Đây là loại bếp đun cải tiến sử dụng nguồn nhiên liệu đa dạng phổ biến ở nông thôn như củi, trấu, vỏ lạc, lõi ngô… nhưng không gây khói, bụi, sau khi đốt chỉ còn tro trắng. Cty lại trợ giá 50% giá sản phẩm để kích cầu tiêu dùng sản phẩm tiện ích thân thiện với môi trường nên chỉ riêng phiên chợ đưa hàng Việt về huyện Ý Yên, Cty đã bán được hàng trăm sản phẩm. Đại diện Cty cho biết nhận thấy tiềm năng tiêu thụ sản phẩm nên Cty đang tiến hành xây dựng những đại lý phân phối ở huyện Ý Yên.

Trong bối cảnh hàng Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập cả ở khu vực nông thôn và thành thị thì những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” có ý nghĩa quan trọng trong phát triển thị trường cho hàng Việt hiện nay. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) đang tập trung thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền về phiên chợ cũng như chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới người tiêu dùng và doanh nghiệp. Vận động và lựa chọn những doanh nghiệp có uy tín cũng như các loại hàng hóa đa dạng, phong phú với mẫu mã, giá cả phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân khu vực nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, điện, nước, an ninh… để phục vụ tốt cho việc tổ chức phiên chợ. Tiến tới vận động và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức thêm các hoạt động khác như giới thiệu việc làm; tư vấn về sử dụng tiết kiệm năng lượng; các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em; vận động doanh nghiệp tham gia tặng quà cho gia đình chính sách, đối tượng gặp nhiều khó khăn… góp phần làm phong phú các hoạt động tại phiên chợ và thu hút người dân./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com