Quản lý hoạt động kinh doanh ngư lưới cụ

08:12, 23/12/2016
Hoạt động khai thác thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh đã có từ lâu đời và góp phần không nhỏ vào việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vẫn chưa được người dân tự giác thực hiện. Việc khai thác bằng chất nổ, xung điện, các loại lưới có kích thước mắt nhỏ hơn quy định vẫn còn xảy ra. Để từng bước hạn chế tình trạng sử dụng các loại ngư lưới cụ bị cấm trong khai thác thủy sản thì việc quản lý các hoạt động kinh doanh ngư lưới cụ là cần thiết.
Cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ của chị Đỗ Thị Sen, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ của chị Đỗ Thị Sen, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng).
Hiện nay, nhằm phục vụ nhu cầu khai thác của đông đảo ngư dân, các cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ phát triển ngày càng nhiều. Nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ lồng ghép mặt hàng này với các cửa hàng tạp hóa, đồ điện gia dụng với số lượng ít hoặc chưa có giấy đăng ký kinh doanh, không có biển hiệu và địa chỉ rõ ràng. Thậm chí có những cơ sở kinh doanh lưới có kích thước mắt lưới nhỏ có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập vào Việt Nam mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh ngư lưới cụ, chỉ cấp phép hoạt động kinh doanh, cung ứng cho các cơ sở có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác thủy sản phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đã công bố, thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật, không thuộc danh mục những loại ngư lưới cụ cấm sử dụng do Bộ NN và PTNT quy định hoặc quy định bổ sung của UBND tỉnh như không sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ khai thác thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, không sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện… khi phát hiện Sở NN và PTNT chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn, khuyến cáo ngư dân lựa chọn, sử dụng các loại ngư lưới cụ đảm bảo chất lượng yêu cầu để khai thác có hiệu quả và giảm thiểu tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản; hướng dẫn sử dụng hợp lý cho các ngư dân, tránh gây thiệt hại cho hệ sinh thái tự nhiên. Các địa phương ven biển cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ để kịp thời phát hiện xử lý, giảm thiểu các trường hợp vi phạm. Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) hiện có 22 cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ. Thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý UBND thị trấn đã thành lập đoàn kiểm tra các vật tư sử dụng trong khai thác và nuôi thủy sản, trong đó có các loại ngư lưới cụ; kết quả cho thấy hầu hết các cơ sở kinh doanh đã chấp hành đúng quy định có đầy đủ biển hiệu, tên cơ sở, địa chỉ. Chị Đỗ Thị Sen, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) là chủ cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ khai thác thủy sản đã được cấp đầy đủ chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh từ năm 2014. Chị Sen cho biết, để có những sản phẩm đảm bảo chất lượng và quy định của pháp luật khi nhập hàng chị phải tìm hiểu kỹ xem những mặt hàng đó có được Bộ NN và PTNT cho phép không. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có một số địa phương có nghề truyền thống sản xuất lưới khai thác thủy sản với sản phẩm đạt chất lượng và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật. Xã Hải Triều (Hải Hậu) có nghề làm lưới chấp nổi tiếng. Nghề đã hình thành hơn chục năm nhưng người dân không ngừng sáng tạo, học hỏi để cải tiến lưới sao cho phù hợp với điều kiện đánh bắt xa bờ. Với cấu tạo từ 300-500 mắt lưới/m 2, cao từ 48-52cm, dài 15km, sợi lưới cứng, chắc chắn đảm bảo không để cá bị lọt ra trong quá trình khai thác, lưới có thể bắt những loại cá to, cho giá trị kinh tế cao. Đồng chí Đỗ Quốc Vương, Chủ tịch UBND xã Hải Triều cho biết: “Hải Triều là địa phương có thế mạnh về khai thác thủy hải sản. Hầu hết những người đan lưới cũng chính là những người trực tiếp ra khơi nên họ đan lưới bằng cái tâm của người làm nghề, rất tỉ mỉ, cẩn thận để khai thác có hiệu quả và không gây hại cho nguồn lợi thủy sản. Có lẽ vì vậy nên lưới chấp Hải Triều đã có thương hiệu, là sản phẩm được tin cậy để theo chân ngư dân vươn khơi xa trên mọi vùng biển, đảo của Tổ quốc”.
 
Để nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững và để hoạt động kinh doanh ngư lưới cụ phát triển theo đúng quy định của pháp luật, trong thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nâng cao ý thức, chủ động chọn mua các loại ngư lưới cụ phù hợp, không có tính chất hủy diệt… Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, cung ứng ngư lưới cụ./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Hoa


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com