Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa

08:05, 11/05/2015

Thời gian gần đây quá trình biến đổi khí hậu và phương thức canh tác truyền thống trong quá trình sản xuất lúa của tỉnh ta không chỉ gây nên tình trạng thiếu nước canh tác; sâu bệnh phát triển mạnh mà còn khiến mức độ ô nhiễm môi trường gia tăng. Do đó phải tạo ra sản phẩm hàng hóa với năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với điều kiện thời tiết khô hạn, mưa nắng bất thường và hạn chế tối đa tác động đến môi trường, tạo điều kiện tăng vụ là yêu cầu cấp thiết mà các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học quan tâm. Trước thực trạng này, Sở KH và CN đã khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống lúa trong tỉnh đề xuất thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào cải tiến quy trình canh tác lúa. Đồng thời đề xuất các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN và PTNT hỗ trợ nông dân trong tỉnh thực hiện các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất.

Cán bộ Sở KH và CN, Sở NN và PTNT kiểm tra mô hình khảo nghiệm xây dựng quy trình trồng lúa tại vùng đất nhiễm mặn huyện Giao Thủy.
Cán bộ Sở KH và CN, Sở NN và PTNT kiểm tra mô hình khảo nghiệm xây dựng quy trình trồng lúa tại vùng đất nhiễm mặn huyện Giao Thủy.

Thực hiện nhiệm vụ đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật mới ứng dụng vào thực tế sản xuất, Sở KH và CN đã phối hợp với Sở NN và PTNT xác định những yếu tố gây hạn chế hiệu quả lao động, lãng phí nguồn lợi  tự nhiên, tác động xấu đến môi trường sống và tài nguyên đất để tìm biện pháp khắc phục. Qua đó đã xác định được nhiều yếu tố hạn chế trong quy trình canh tác, trong đó có nguyên nhân bắt nguồn từ quy trình cấy, chăm bón lạc hậu gây thất thoát nước, chất hữu cơ tự nhiên trong đất… Trước thực tế đó, Sở KH và CN đã đề xuất với UBND tỉnh quyết định triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học như: "Nghiên cứu ứng dụng một số tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất lúa tại huyện Vụ Bản"; "Nghiên cứu phát triển một số giống lúa thơm năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao cho tỉnh Nam Định"; “Nghiên cứu xây dựng mô hình khai thác hiệu ứng hàng biên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa tại huyện Hải Hậu”; “Phục tráng giống lúa bản địa chất lượng cao”; “Khảo nghiệm giống lúa lai và xây dựng một số giải pháp kỹ thuật thâm canh lúa tại vùng đất nhiễm mặn của tỉnh”; “Sử dụng công nghệ viễn thám tích hợp với thông tin địa lý, đánh giá biến động sử dụng đất và lớp phủ thực vật tỉnh Nam Định”… Đồng thời lựa chọn những đơn vị có chuyên môn cao trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp ở cả trong và ngoài tỉnh như Trung tâm Giống cây trồng tỉnh; Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam); Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) để thực hiện nghiên cứu biện pháp kỹ thuật thích nghi với điều kiện canh tác ở tỉnh và chuyển giao công nghệ, hướng dẫn thực hành kỹ thuật mới cho người dân trong vùng áp dụng thành thục vào sản xuất. Với cách làm bài bản đó, các dự án, đề tài nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới đã bước đầu phát huy hiệu quả thông qua chỉ tiêu năng suất, chất lượng, giảm thiểu ngày công lao động và hạn chế tác động của phân bón hóa học đối với môi trường đất. Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng một số tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất lúa tại huyện Vụ Bản" do Trung tâm khuyến nông huyện Vụ Bản thực hiện đã lựa chọn giống DT68 và Trân Châu hương để đưa vào cơ cấu giống của huyện. Đồng thời nghiên cứu xây dựng quy trình thâm canh chuẩn từ thời vụ, phương pháp gieo cấy, biện pháp kỹ thuật và công thức bón phân để 2 giống lúa DT68, Trân Châu hương phát huy tối đa tiềm năng, tăng năng suất, chất lượng lúa của huyện. Đề tài nghiên cứu “Khảo nghiệm giống lúa lai và xây dựng một số giải pháp kỹ thuật thâm canh lúa tại vùng đất nhiễm mặn của tỉnh” do Sở NN và PTNT thực hiện đã lựa chọn được 2 giống lúa lai, 2 giống lúa thuần là Nam Dương 99, TX111 và NĐ5, TBR 45 để bổ sung vào cơ cấu giống lúa cho vùng đất nhiễm mặn ven biển của tỉnh. Riêng giống M16 được chọn cho vùng đất nhiễm mặn nặng. Cùng với việc chọn được giống lúa thích hợp, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện được quy trình canh tác và chế độ sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học thích hợp để vừa canh tác hiệu quả lại cải tạo môi trường đất trồng lúa, làm giảm tốc độ suy thoái đất trồng lúa, giải quyết vấn đề tồn tại trong sản xuất lúa nói chung và sản xuất lúa tại những vùng ảnh hưởng mặn nói riêng. Đặc biệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình khai thác hiệu ứng hàng biên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa tại huyện Hải Hậu” do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện đã tạo được bước đột phá trong việc nghiên cứu, ứng dụng thành công việc sử dụng kỹ thuật canh tác khai thác hiệu ứng hàng biên trong thâm canh lúa đối với người dân của 2 xã Hải Tân, Hải Trung (Hải Hậu). Với phương pháp này, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu xác định khoảng cách cấy hàng rộng - hàng hẹp, giúp cây lúa tăng khả năng tiếp nhận ánh sáng mặt trời để phát triển và phòng trừ sâu bệnh thay cho cách cấy hàng cách hàng đều nhau theo phương pháp truyền thống. Đồng thời nghiên cứu cải tiến công cụ xạ hàng theo yêu cầu kỹ thuật, công thức cấy hàng rộng hàng hẹp để nâng cao năng suất lúa, hạn chế ngày công lao động cho công đoạn cấy, chăm bón và đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch. Qua thực tế nghiên cứu, triển khai sau 2 vụ, năng suất lúa đã tăng 10% so với cách cấy lúa truyền thống; công cấy lúa, chăm bón và sâu bệnh giảm nhiều. Bên cạnh đó, do cây lúa sinh trưởng phát triển nhanh nên trỗ tập trung, rút ngắn thời gian đứng chân trên ruộng, tạo điều kiện cho việc thu gọn đồng ruộng đưa cây vụ đông xuống chân ruộng 2 lúa. Điều đặc biệt quan trọng là từ việc ứng dụng mô hình hiệu ứng hàng biên, người dân 2 xã Hải Trung và Hải Tân đã nhận ra hạn chế của cách cấy lúa truyền thống và đề xuất với cơ quan nghiên cứu, nhân rộng mô hình cho nhiều hộ dân khác tiếp cận với kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, mô hình hiệu ứng hàng biên dùng kết hợp với công cụ xạ hàng đã thu hút được đông đảo người dân các xã lân cận tham quan học hỏi, ứng dụng vào sản xuất.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cải tiến quy trình thâm canh lúa để nâng cao năng suất, chất lượng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã mang lại hiệu quả thiết thực. Để việc ứng dụng tiến bộ khoa học mang lại hiệu quả cao, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu, các địa phương cần phải phối hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị nghiên cứu thực hiện thí nghiệm; đồng thời chủ động có phương án nhân rộng mô hình sau khi đã được đánh giá hiệu quả. Các hộ nông dân cần mạnh dạn tham gia vào các dự án ứng dụng công nghệ mới hoặc các thí nghiệm nghiên cứu tìm ra giải pháp tối ưu trong quá trình sản xuất và quyết tâm vượt qua thói quen lao động đã lạc hậu để tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới góp phần phát triển sản xuất lúa bền vững trong điều kiện khó khăn hiện nay./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com