Sáng mãi tinh thần "Một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt"

09:05, 01/05/2015

Trong khí thế hào hùng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 30-4, các thế hệ cán bộ, công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định (nay là Tổng Cty CP Dệt may Nam Định), bồi hồi nhớ lại những năm tháng hào hùng nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của hậu phương lớn. Ngày ấy, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, công nhân nhà máy đã sôi sục khí thế thi đua, đẩy mạnh sản xuất với tinh thần: “Tay búa, tay súng”, “Tay thoi, tay súng”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”…

Tổ 1 sợi con ca A, xưởng sợi I - Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa năm 1973. Ảnh: TL
Tổ 1 sợi con ca A, xưởng sợi I - Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa năm 1973. Ảnh: TL

Năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Thành phố Nam Định là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt. Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đã sơ tán thành 10 đơn vị sản xuất (ký hiệu là B) đi các nơi trong và ngoài tỉnh như: Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Bắc, Thái Bình, Lạng Sơn để tiếp tục sản xuất. Riêng B2 với một phần ba máy móc và 4.610 cán bộ, nhân viên duy trì cùng lúc hai nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất tại Thành phố Nam Định. Để hoàn thành các nhiệm vụ đó, Đảng ủy B2 đã chỉ đạo, động viên toàn thể cán bộ - công nhân tập trung xây dựng hàng loạt hệ thống hầm, giao thông hào, chuẩn bị công sự chiến đấu, kiện toàn đội tự vệ bắn máy bay, đội chữa cháy, cứu thương. Trong điều kiện khốc liệt của chiến tranh, tập thể cán bộ, công nhân B2 đã thích ứng với các điều kiện chiến đấu và sản xuất thời chiến theo phương châm 3 nhanh” (khi có báo động: “hãm máy nhanh, sơ tán nhanh, trở về sản xuất nhanh”; khi giải quyết hậu quả bom đạn địch đánh phá: “cứu chữa nhanh, ổn định máy móc nhanh, trở lại sản xuất nhanh”). Bên cạnh đó, Đảng ủy còn phát động các phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để giảm cường độ lao động, đảm bảo sản xuất trong điều kiện nhà xưởng chật chội thời chiến. Nhiều sáng kiến như: cải tiến máy guồng chạy điện thành máy guồng thủ công; hãm máy dệt nhanh khi có báo động; nối vải đang nhuộm tại máy lưu huỳnh… đã được áp dụng vào thực tế sản xuất. Với ý chí “địch đến là đánh, địch chạy lại sản xuất”, trong điều kiện gần 80% nhà xưởng, hầm hào; 20% máy móc, thiết bị bị phá hủy… trong 168 nghìn ngày công vừa sản xuất vừa chiến đấu, B2 vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất. Năm 1967, nhà máy đã hoàn thành vượt chỉ tiêu trên 81,5 nghìn mét vải; năm 1968 hoàn thành vượt mức kế hoạch 10,2%. Trong giai đoạn này, hưởng ứng phong trào “một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”, nhà máy đã phát động phong trào thi đua, đẩy mạnh sản xuất bất kể ngày đêm và đã hoàn thành 1,74 triệu mét vải trước thời gian quy định. Trong quá trình vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhà máy đã phát triển được hàng trăm tổ, đội lao động xung kích; hàng trăm công nhân điển hình được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các loại huân, huy chương và danh hiệu như: Tổ lao động XHCN, Tổ thanh niên làm theo lời Bác, Anh hùng Lao động… Trong đó năm 1967, nhà máy có 1 tập thể là: tổ 1 sợi con ca A Sợi I và thợ dệt Đào Thị Hào được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đầu năm 1970, sau 6 năm sơ tán, vừa sản xuất vừa chiến đấu, Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định trở về vị trí cũ với nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất trở lại quy mô trước khi bước vào cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của giặc Mỹ ra miền Bắc. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, nhà máy đã nhanh chóng hoàn thành công việc phục hồi và phát triển sản xuất, tổ chức tổng kết, phổ biến kinh nghiệm xây dựng và phát triển các “tổ tự quản”. Công nhân các xưởng nô nức thực hiện khẩu hiệu “ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thao diễn kỹ thuật, bật điển hình, trở thành thợ giỏi” qua các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi từ cấp tổ, buồng máy, xưởng và toàn nhà máy. Đến đầu năm 1972, nhà máy đã phục hồi và đạt năng suất bằng 75% so với trước khi sơ tán. Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, toàn thể cán bộ, công nhân nhà máy sục sôi, hào hứng bước vào chiến dịch thi đua mới, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 1 triệu mét vải để phục vụ tiền tuyến giành thắng lợi cuối cùng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, công nhân trong các buồng, các xưởng sản xuất đều nỗ lực hưởng ứng bằng các biện pháp: tăng ca, tăng giờ; tăng năng suất, tăng sản lượng. Thông thường, nhà máy thực hiện sản xuất 3 ca liên tục sáng, chiều, đêm với tỷ lệ: 3 sáng, 3 chiều, 2 đêm và nghỉ một ngày rồi lại quay vòng nhưng trong chiến dịch tăng ca, để giảm thiểu thời gian đóng máy, hầu hết công nhân đều tăng thêm một ca đêm ngay sau khi hết 3 ca sáng hoặc làm thêm từ 2-3 tiếng buổi chiều trong 3 ngày ca sáng. Phong trào thi đua tăng năng suất, bảo đảm chất lượng cũng được công nhân sôi nổi hưởng ứng. Ở xưởng dệt sử dụng máy Đức, số lượng máy/công nhân đã được tăng từ 6 lên 8 máy/người; những trường hợp đặc biệt, tay nghề cao thường đảm nhiệm từ 8-12 máy/ca. Ở xưởng dệt sử dụng máy Thụy Sĩ, công nhân thường đảm nhiệm từ 12-16 máy/ca sản xuất; riêng Anh hùng Lao động Đào Thị Hào đảm nhiệm 24 máy/ca… Ở xưởng sợi năng suất lao động cũng được tăng lên từ 600-800 cọc sợi/công nhân/ca máy; riêng Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc đảm nhiệm 1.200 cọc sợi. Nỗ lực không mệt mỏi của từng công nhân đã tạo nên sức mạnh tổng thể của nhà máy. Phong trào “một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt” của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đã thành công rực rỡ. Liên tục trong 3 năm (1973-1975), mỗi năm Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đều vượt kế hoạch từ 1 triệu đến 1,5 triệu mét vải, sản xuất được 18 nghìn tấm chăn kịp thời cung ứng cho chiến trường miền Nam. Nỗ lực nhỏ bé của mỗi công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Trưa 30-4-1975, từ các đường phố Thành Nam đến hội trường nhà máy, không khí như vỡ òa vì tin vui chiến thắng. Sau lễ mít tinh trọng thể ngay chiều 30-4, nhà máy được cấp trên giao nhiệm vụ cấp tốc sản xuất 1 triệu mét vải xanh đỏ để chuyển vào miền Nam may cờ, trang trí trong các ngày lễ mừng chiến thắng. Trong niềm vui chiến thắng của dân tộc, cán bộ, công nhân nhà máy bên cạnh nhiệm vụ sản xuất thường xuyên đã lập tức bước vào phong trào thi đua sản xuất mới. Hàng chục “đội thanh niên xung kích” đã được thành lập cấp tốc, quy tụ tất cả những công nhân có tay nghề cao nhất trên tinh thần tự nguyện, xung kích duy trì sản xuất 3 ca liên tục và đảm bảo máy chạy 24/24 giờ. Chỉ hơn nửa tháng nhận nhiệm vụ cấp tốc, nhà máy đã xuất sắc hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, sản xuất được trên 1,5 triệu mét vải kịp thời chuyển vào miền Nam.

Hơn 40 năm đã qua nhưng dư âm của những năm tháng hào hùng, tinh thần xả thân, nỗ lực thực hiện các chiến dịch “một triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”, “một triệu mét vải may cờ chiến thắng” vẫn là niềm tự hào, là động lực phát triển sản xuất, kinh doanh của lớp lớp cán bộ, công nhân Tổng Cty CP Dệt may Nam Định hôm nay. Năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của Tổng Cty đạt 1.155 tỷ đồng, tăng gần 6,8%; tổng doanh thu đạt hơn 1.263 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 43,1 triệu USD, tăng trên 8,6%; thu nhập bình quân của công nhân được nâng lên mức 4,1 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 8%... so năm trước. Từ năm 2014 đến nay, Tổng Cty đã đầu tư 313,4 tỷ đồng thực hiện các dự án: di dời các nhà máy ra KCN Hòa Xá, đầu tư mua sắm tài sản cố định đổi mới thiết bị xây dựng xưởng dệt công nghệ cao và xây dựng các nhà máy may ở khu vực nông thôn. Năm 2015, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định phấn đấu giá trị sản xuất đạt 1.270 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 1.390 tỷ đồng./.

Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com