"Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ"

09:05, 01/05/2015

Chúng tôi về xã Hải Quang (Hải Hậu) trong khí thế sôi nổi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 30-4. Đi trên những con đường liên thôn, đường nội đồng được bê tông hóa, rộng và sạch sẽ, chúng tôi vui cùng niềm vui của người dân bởi diện mạo nông thôn nơi đây đang thay đổi từng ngày.

Ngày mùa trên sân kho HTX nông nghiệp ở huyện Nghĩa Hưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: TL
Ngày mùa trên sân kho HTX nông nghiệp ở huyện Nghĩa Hưng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ảnh: TL

Ngược về những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, nhân dân xã Hải Quang tay cày, tay súng, một nắng, hai sương vừa chống giặc, vừa hăng say sản xuất. Ngày ấy dù cuộc sống còn nghèo, áo mặc chưa đủ lành, ăn chưa đủ no, bữa cơm các gia đình còn độn sắn, độn khoai, nhưng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, nhân dân xã Hải Quang không tiếc sức người, sức của đóng góp, chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhớ lại những năm tháng hào hùng đó, đồng chí Nguyễn Bình Nam, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hải Quang kể lại: Cùng với lãnh đạo chống chiến tranh phá hoại, Đảng ủy xã đã lãnh đạo nhân dân giữ vững sản xuất, đồng thời chi viện sức của, sức người cho tiền tuyến. Tranh thủ lúc địch không bắn phá, nhân dân trong xã bám đồng, đẩy mạnh sản xuất với tinh thần “Địch đi là tiếp tục sản xuất”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”. Do thanh niên phải ra chiến trường và thường trực sẵn sàng chiến đấu, thời kỳ này lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ đảm nhiệm mọi công việc sản xuất. Chị em vừa đảm việc nhà, vừa lo việc nước. Từ phong trào tự cày, cuốc đến cấy chăng dây thẳng hàng, thực hiện các chiến dịch “rừng điền thanh, biển bèo dâu, núi phân bùn” luôn được phụ nữ hưởng ứng tích cực. Đồng đất Hải Quang khi nông nhàn xanh mướt màu xanh của bèo dâu, điền thanh, khi mùa đến lại phủ kín màu vàng của ngô, lúa. Những năm tháng giặc Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc (cuối năm 1968-1971) và nhất là từ sau khi ký Hiệp định Pa-ri tháng 1-1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân xã Hải Quang tập trung sức lực nhanh chóng khôi phục phát triển sản xuất, ra sức chi viện cho miền Nam. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Quang là đơn vị điển hình của huyện, của tỉnh về thực hiện nhiệm vụ đóng góp với Nhà nước: đã đóng góp trên 10.200 tấn thóc (theo đánh giá của huyện Hải Hậu, lượng thóc Hải Quang đóng góp bằng 10 xã phía bắc của huyện); 850 người con quê hương tham gia quân đội, trên 50 người tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến; trong đó có 140 người đã hy sinh anh dũng, được công nhận danh hiệu liệt sĩ, 14 gia đình có 2 con liệt sĩ, 1 gia đình 3 con liệt sĩ. Với những đóng góp to lớn đó, xã Hải Quang được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ”.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, thực hiện đầy đủ chỉ tiêu, đúng thời gian về đóng góp lương thực, thực phẩm với Nhà nước. Tỉnh đã phát động phong trào thi đua yêu nước: “Thâm canh thắng Mỹ ngay trên đồng ruộng”, “Phong trào kiến thiết đồng ruộng”, “Làm phân bón; chọn giống, làm mạ tốt”, “Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Thanh niên Nam Định tiến quân vào khoa học kỹ thuật”… Những phong trào thi đua này đã được nhân dân và thanh niên ở khắp các địa phương trong tỉnh hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh phong trào thâm canh cây lúa, với mục tiêu phấn đấu đạt 5 tấn thóc/ha/năm, giành thắng lợi trên mặt trận lương thực. Tháng 7-1967, toàn tỉnh hoàn thành nghĩa vụ lương thực vụ chiêm xuân sớm nhất miền Bắc, được Thủ tướng Chính phủ gửi điện khen. Năm 1968 toàn tỉnh nộp nghĩa vụ lương thực vượt 9,4% kế hoạch. Đây là vụ thứ 7 trong vòng 3 năm liền Nam Định giao vượt chỉ tiêu lương thực. Đầu năm 1975, khi chiến trường miền Nam đang bước vào thời kỳ gay go quyết liệt, toàn tỉnh đã đóng góp nghĩa vụ 66.178 tấn lương thực, 7.065 tấn thịt lợn hơi; đồng thời khẩn trương tổ chức đợt cung cấp giao thêm cho chiến trường 8.600 tấn lương thực, hơn 4.000 tấn thực phẩm.

Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Trong niềm vui chung của quân và dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Nam Định tự hào vì đã tích cực góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com