Phát triển kinh tế trang trại, gia trại - Kết quả và những vấn đề đặt ra (tiếp theo và hết)

08:01, 13/01/2014

II - Những vấn đề đặt ra

Từ phát triển kinh tế trang trại, gia trại, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong lĩnh vực sản xuất giống, sản xuất các nông, hải sản, đặc sản có giá trị kinh tế cao được áp dụng thành công và nhân rộng; các phương thức thâm canh, nuôi trồng theo quy mô công nghiệp từng bước thay thế phương thức sản xuất truyền thống đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm nông sản hàng hoá có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường... Tuy nhiên, việc thực hiện phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở tỉnh ta vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở các địa phương còn khó khăn do vướng quy định về bảo vệ quỹ đất trồng lúa theo Nghị định 42 của Chính phủ. Bên cạnh đó, nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các địa phương hạn chế nên việc thu hút các thành phần kinh tế tham gia xây dựng trang trại gặp nhiều khó khăn. Kinh tế trang trại, gia trại phát triển không đều giữa các địa phương, các lĩnh vực. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 91 xã, thị trấn có trang trại đạt tiêu chí mới của Bộ NN và PTNT. Trong 96 xã, thị trấn xây dựng NTM chỉ có 44 xã có trang trại. Trong tổng số 453 trang trại đạt tiêu chí mới, số trang trại thuỷ sản chiếm 56%, chăn nuôi chiếm 32,9%; trong khi đó trang trại tổng hợp chỉ có 10,4% và trang trại trồng trọt là 0,7%. Tiến độ cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo tiêu chí mới chậm. Toàn tỉnh hiện còn 81% trang trại chưa được cấp giấy chứng nhận; có 4 huyện, thành phố chưa tổ chức cấp giấy chứng nhận. Các huyện, thành phố chưa lập quy hoạch chi tiết vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại tập trung; chưa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho vùng kinh tế trang trại, gia trại; chưa có kế hoạch di dời các trang trại, gia trại trong khu dân cư ra vùng quy hoạch. Hiện vẫn còn 66 trang trại và 8.382 gia trại trong khu dân cư xây dựng không theo quy hoạch. Công tác quản lý đất đai ở các vùng kinh tế trang trại, gia trại chưa chặt chẽ, tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích vẫn xảy ra. Phần lớn các chủ trang trại thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Trình độ quản lý, trình độ chuyên môn của nhiều chủ trang trại còn hạn chế. Công tác quản lý chất thải trong chăn nuôi, nuôi thuỷ sản ở các trang trại, gia trại còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Công tác quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi chưa được thực hiện, chưa có cơ sở, vùng an toàn dịch; trong số hàng trăm trang trại toàn tỉnh, mới chỉ có 2 trang trại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nâng cấp song mới chỉ đáp ứng được sản xuất lúa; chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất hàng hoá, nhất là vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, chưa có chính sách đặc thù cho phát triển trang trại, gia trại. Việc quy hoạch vùng phát triển trang trại, gia trại tập trung chủ yếu theo địa bàn xã, thị trấn nên về tổng quan toàn huyện, toàn tỉnh thì vẫn manh mún dẫn đến khó khăn cho huyện, tỉnh trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, điện, hệ thống cấp thoát nước cho các trang trại, gia trại tập trung. Thực tế chưa có huyện xây dựng vùng trang trại, gia trại tập trung của 3-4 xã, thị trấn tiếp giáp nhau để vừa tiết kiệm đất, vừa tiết kiệm kinh phí đầu tư. Công tác xử lý môi trường, xử lý chất thải còn nhiều hạn chế. Các vùng nuôi thủy sản tập trung cũng hiếm có cơ sở xây dựng được hệ thống cấp, thoát nước riêng. Vẫn còn tình trạng tận dụng thái quá diện tích đầm bãi để nuôi, không dành đất cho xây dựng bể lắng, bể xử lý nước trước khi cấp cho ao, đầm nên vẫn tiềm ẩn mối nguy dịch bệnh từ môi trường nước.

Trang trại nuôi ngao của DNTN Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thủy).  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Trang trại nuôi ngao của DNTN Cửu Dung, xã Giao Xuân (Giao Thủy).

Để xây dựng một nền sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, bền vững, thời gian tới các địa phương, đặc biệt là các xã, thị trấn cần thường xuyên rà soát, bổ sung các quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết các vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Công khai các quy hoạch, tăng cường quản lý, điều chỉnh, thực hiện tốt các quy hoạch. Hoàn thành DĐĐT, khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất, mở rộng cơ giới hoá, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất ở các trang trại, gia trại. Huy động các nguồn lực của địa phương, của doanh nghiệp, của các chủ trang trại để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại tập trung phù hợp với chương trình xây dựng NTM, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, điện, nước… cho các trang trại tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ngành NN và PTNT phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Các địa phương có kế hoạch cụ thể, từng bước di chuyển các trang trại, gia trại còn trong khu dân cư và các trang trại, gia trại phát triển không theo quy hoạch ra khu kinh tế trang trại, gia trại tập trung. Để đa dạng các loại hình trang trại, cùng với phát triển trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, tập trung phát triển mạnh các trang trại sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, trang trại trồng lúa thâm canh cao, tăng sản lượng sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường của các trang trại, gia trại. Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích và vi phạm pháp luật về môi trường. Các địa phương tiếp tục xây dựng và ban hành một số cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại tập trung ở các vùng quy hoạch như: hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, con nuôi; khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất và chế biến nông, thủy sản. Tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình, cá nhân có nguyện vọng đầu tư phát triển trang trại, gia trại được giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật. Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ mới; ưu tiên lao động làm việc trong các trang trại được tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường quản lý Nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp và phòng chống dịch bệnh ở các xã, thị trấn. Hướng dẫn các hộ phát triển kinh tế trang trại, gia trại trong việc sản xuất, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế như: Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP); thực hành sản xuất tốt (GMP); thực hành vệ sinh chuẩn (SSOP); xây dựng cơ sở sản xuất chăn nuôi và vùng an toàn dịch bệnh, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông thuỷ sản, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm thông qua các liên kết giữa trang trại với doanh nghiệp. Thường xuyên cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn song phát triển kinh tế trang trại, gia trại là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp tỉnh nhà vì một nền nông nghiệp sạch, bền vững, thân thiện với môi trường trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com