Phát triển kinh tế trang trại, gia trại - Kết quả và những vấn đề đặt ra

04:01, 11/01/2014

Qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII về phát triển kinh tế trang trại, gia trại, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được hàng trăm mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là những mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tiên tiến, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh ta cũng đang xuất hiện nhiều khó khăn, bất cập về quy hoạch, quy mô, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất, kinh doanh, năng lực quản lý của các chủ trang trại... cần được các ngành, các địa phương quan tâm giải quyết để kinh tế trang trại, gia trại phát triển bền vững.

I - Kết quả bước đầu

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường).  Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường).

Thực hiện Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động, chỉ đạo các huyện, thành phố hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại gắn với quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM. Trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch NTM của các xã, thị trấn đều phân định rõ các vùng sản xuất lúa, rau màu hàng hoá, vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại tập trung. Các sở, ngành đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai quyết liệt DĐĐT đất nông nghiệp gắn với chỉnh trang, kiến thiết đồng ruộng. Có 174/209 xã đã quy hoạch 1.326 vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại với tổng diện tích 33.251ha, bình quân 25 ha/vùng. Cùng với chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, để khuyến khích, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM như: cơ chế hỗ trợ đầu tư, quy định quản lý vốn xây dựng NTM; khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào các điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn, hỗ trợ mua máy gặt đập liên hợp, hỗ trợ sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa... Các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh được ban hành đã góp phần hỗ trợ đáng kể cho kinh tế trang trại, gia trại thời gian qua. Vận dụng các chính sách của Trung ương và của tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, các huyện cũng đã có cơ chế riêng để hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Huyện Trực Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng chuyển đổi, vùng xây dựng kinh tế trang trại tập trung; 30 triệu đồng cho mỗi trang trại chăn nuôi, thuỷ sản nằm trong vùng quy hoạch, vùng dự án được duyệt và đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT. Các huyện: Hải Hậu, Mỹ Lộc, Nam Trực, Vụ Bản… hỗ trợ kinh phí, tổ chức cho các chủ trang trại tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan các trang trại điển hình, các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, giống lợn ngoại trong và ngoài tỉnh để học tập, trao đổi kinh nghiệm tổ chức sản xuất trang trại, gia trại. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 07 của Tỉnh uỷ, kinh tế trang trại, gia trại đã có bước phát triển mới, theo hướng hàng hóa, bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 453 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định, tăng 147 trang trại so với trước khi thực hiện Nghị quyết 07 của Tỉnh uỷ; trong đó có 3 trang trại trồng trọt, 47 trang trại tổng hợp, 149 trang trại chăn nuôi và 254 trang trại nuôi thuỷ sản. Tổng diện tích đất sử dụng làm trang trại 1.830ha, bình quân 4,04ha/trang trại. Năm 2013, giá trị sản lượng hàng hóa từ kinh tế trang trại ước đạt 682,6 tỷ đồng, tổng thu nhập đạt 117,8 tỷ đồng, bình quân mỗi trang trại có thu nhập 260 triệu đồng, một ha đất làm trang trại chăn nuôi cho thu nhập 435 triệu đồng/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 21,7%/năm, gấp 8 lần so với tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của toàn ngành. Các huyện có kinh tế trang trại phát triển là: Giao Thủy 215 trang trại, Hải Hậu 50 trang trại, Nghĩa Hưng 47 trang trại, Xuân Trường 40 trang trại, Ý Yên 34 trang trại, Mỹ Lộc 21 trang trại, Vụ Bản 26 trang trại. Toàn tỉnh có 1.583 gia trại tập trung ngoài khu dân cư, chiếm 15,9% tổng số gia trại của toàn tỉnh. Trong đó có 271 gia trại có giá trị sản lượng hàng hoá đạt trên 500 triệu đồng/năm. Khoảng 80% số gia trại hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi kết hợp với chế biến nông sản và trồng trọt, mỗi gia trại phổ biến nuôi từ 50-100 con lợn thịt hoặc 5-10 con lợn nái kết hợp nuôi lợn thịt; các gia trại nuôi gà, ngan, vịt thả vườn có quy mô từ 200-500 con, nuôi gà công nghiệp từ  500-1.000 con/gia trại hoặc 5-10 con trâu, bò. Tổng giá trị sản lượng hàng hóa của gia trại tập trung năm 2013 đạt 636,2 tỷ đồng; tổng thu nhập từ gia trại tập trung đạt 158,3 tỷ đồng, bình quân mỗi gia trại 100 triệu đồng/năm. Tốc độ tăng giá trị sản lượng hàng hóa đạt 20%/năm, cao gấp 7,14 lần tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành. Các huyện có nhiều gia trại tập trung ngoài khu dân cư là Ý Yên 618 gia trại, Nam Trực 309 gia trại, Hải Hậu 204 gia trại, Mỹ Lộc 157 gia trại và Vụ Bản 138 gia trại. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất của các trang trại, gia trại để đạt giá trị kinh tế cao; tiêu biểu kỹ thuật chọn lựa giống vật nuôi có năng suất, chất lượng tốt như lợn hướng nạc, gà công nghiệp, ngan Pháp, thỏ ngoại, bò lai sind... Nhiều trang trại sử dụng công nghệ điều khiển ngày, giờ sinh đối với lợn nái; áp dụng quy trình nuôi công nghiệp, sử dụng núm uống nước tự động, chủ động điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi; quản lý chất thải, xử lý chất thải bằng công nghệ biogas… Các trang trại nuôi trồng thủy sản tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý sản xuất, cải tạo ao đầm; trong quá trình nuôi chuyển dần từ sử dụng hóa chất sang sử dụng các chế phẩm sinh học, đảm bảo sức khỏe vật nuôi, con nuôi thủy sản và thân thiện hơn với môi trường. Các mô hình nuôi điển hình như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tiêu chuẩn GaqP đảm bảo vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường, năng suất 10-15 tấn/ha/năm; mô hình nuôi cua biển năng suất 2 tấn/ha/năm sử dụng nguồn giống sản xuất trong tỉnh; mô hình nuôi ngao bền vững đạt năng suất 12 tấn/ha/năm; mô hình nuôi cá song, cá vược thương phẩm năng suất 10 tấn/ha/năm; mô hình nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính 10 tấn/ha/vụ sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nén nổi... Trong điều kiện dịch bệnh trong chăn nuôi diễn biến phức tạp nhưng phần lớn các trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, chuồng trại hợp vệ sinh, thực hiện tốt công tác quản lý đàn, tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo quy định... nên đều an toàn và phát triển ổn định. Đây là nền tảng để xây dựng các cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Trong nuôi trồng thủy sản, đa số các trang trại đã ứng dụng quy phạm thực hành nuôi tốt để chủ động kiểm soát dịch bệnh, môi trường và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu. Trong quá trình sản xuất, một số trang trại đã xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý chất lượng theo hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP); thực hành sản xuất tốt (GMP); thực hành vệ sinh chuẩn (SSOP). Nhờ đó các nông sản, thuỷ sản của tỉnh cơ bản đảm bảo an toàn, được khách hàng chấp nhận. Sản phẩm lợn sữa của tỉnh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các nước Đông Nam Á, ngao Giao Thuỷ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu... Nhờ môi trường nuôi sạch, chế độ dinh dưỡng đảm bảo và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn, quản lý dịch bệnh tốt nên các trang trại thường đạt năng suất cao, ít xảy ra dịch bệnh, sản xuất có hiệu quả cao. Để khuyến khích kinh tế trang trại, gia trại phát triển, một số huyện đã chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện cho các trang trại hợp tác, liên doanh với các Cty có vốn lớn, trình độ công nghệ hiện đại để phát triển chăn nuôi. Tại huyện Vụ Bản có 8 trang trại chăn nuôi gà thịt, 2 trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm; huyện Hải Hậu có 1 trang trại nuôi lợn nái ngoại, 2 trang trại nuôi gà thịt, 1 trang trại nuôi gà đẻ; huyện Giao Thủy có 1 trang trại nuôi lợn nái ngoại... Năm 2013, toàn tỉnh có 254 trang trại thủy sản. Phong trào nuôi thuỷ sản phát triển sôi động, nhất là thuỷ sản vùng mặn lợ. Phương thức nuôi quảng canh được chuyển dịch sang phương thức nuôi tập trung, thâm canh; đã hình thành các vùng nuôi tập trung có quy mô khá lớn như: vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở Bạch Long, Giao Phong (Giao Thuỷ); Hải Hoà, Hải Đông, Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu); vùng nuôi tôm sú, cá bống bớp, cá vược ở Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Trang trại nuôi trồng thủy sản tập trung phát triển mạnh ở 3 huyện ven biển. Trong đó, huyện Giao Thủy có 194 trang trại, Nghĩa Hưng có 34 trang trại và Hải hậu có 19 trang trại. Giá trị sản lượng hàng hóa trang trại thủy sản ước năm 2013 đạt 304,8 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 267 triệu đồng/trang trại, mỗi ha đất nuôi trồng thuỷ sản đạt giá trị 153 triệu đồng/năm. Các đối tượng nuôi thủy sản cũng có sự chuyển đổi mạnh. Ở vùng nuôi mặn lợ, cùng với các giống bản địa như ngao dầu, cua xanh, cá bớp…, các chủ trang trại đã phát triển mạnh các giống nuôi mới như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao Bến Tre, cá song, cá vược, cá bống bớp, cua biển, cá chim biển vây vàng, sản xuất giống hải sản... Tại vùng nước ngọt, ngoài các loài cá truyền thống, các trang trại, gia trại còn phát triển nhiều đối tượng nuôi mới như cá diêu hồng, cá lóc bông, cá lăng chấm…

Thông qua việc phát triển kinh tế trang trại thuỷ sản, đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở các địa phương. Trang trại chăn nuôi gà đẻ của ông Trần Hồng Kỳ, xã Minh Tân (Vụ Bản) với quy mô 25.000 con, cung cấp cho thị trường 7-8 triệu quả trứng/năm. Nhờ áp dụng các công nghệ tiên tiến vào quy trình chăn nuôi nên trang trại của ông liên tục thu lợi nhuận cao, doanh thu hằng năm 7-10 tỷ đồng. Đặc biệt là từ năm 2004 đến nay trang trại của ông Kỳ chưa bị dịch. Năm 2012, trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của ông Kỳ là một trong hai trang trại đầu tiên của tỉnh đạt chứng nhận chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAP. Để bảo đảm chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, nhiều chủ trang trại, gia trại đã chủ động liên kết với các Cty sản xuất con giống, thức ăn. Ông Vũ Trọng Nghĩa, xã Hải Lộc (Hải Hậu) liên kết với Cty Thức ăn chăn nuôi CP để nuôi gia công lợn cho Cty với quy mô 700 con lợn nái ngoại theo quy trình chăn nuôi công nghiệp khép kín, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc và nuôi dưỡng nên hiệu quả kinh doanh ngày một tăng cao. Năm 2009, ông đã liên kết mở thêm 1 trang trại tại Giao Thủy với quy mô 800 con lợn nái và hơn 5.000 con lợn thịt, doanh thu hằng năm đạt trên 10 tỷ đồng. Trong trang trại nuôi trồng thủy sản nước ngọt có trang trại của ông Trần Văn Việt, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) trồng lúa kết hợp với nuôi cá lóc bông, rô đồng, trắm đen, trạch bùn. Do chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi cải tiến nên mỗi năm sản lượng của trang trại luôn đạt 8-10 tấn/ha, cho thu nhập từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Các mô hình kinh tế trang trại, gia trại có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá với quy mô, trình độ và hiệu quả cao hơn, hiệu suất sử dụng đất cao gấp 5 lần so với sản xuất đại trà đang từng bước khẳng định vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Kinh tế trang trại, gia trại phát triển còn góp phần làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp của nông dân, giúp họ chủ động và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng thị trường. Thông qua phát triển kinh tế trang trại, gia trại, một lực lượng lao động mới năng động hơn trong nông nghiệp được hình thành…

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
(Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com