Hiệu quả hoạt động ở Trung tâm CB-GD-LĐXH Nam Phong

09:12, 30/12/2013

Trung tâm Chữa bệnh,  giáo dục, lao động xã hội (CBGDLĐXH) thuộc Sở LĐ-TB và XH được thành lập tháng 2-2011 theo Quyết định số 02/2011 QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tháng 9-2011, Trung tâm đi vào hoạt động, tiếp nhận học viên vào chữa bệnh. Đến tháng 1-2013, hai Trung tâm CBGDLĐXH tỉnh sáp nhập với Trung tâm CBGDLĐXH Nam Phong. Sau hơn hai năm hoạt động, Trung tâm đã khẳng định là địa chỉ cai nghiện ma túy hiệu quả, giúp những người lầm lạc trở về hoà nhập cuộc sống đời thường.

Học viên điều trị cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Nam Phong tham gia lao động trị liệu. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Học viên điều trị cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội Nam Phong tham gia lao động trị liệu. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Trung tâm hiện có 25 cán bộ, nhân viên, trong đó có 16 người trình độ đại học, cao đẳng (chiếm 41%). Hiện nay, Trung tâm đang điều trị cai nghiện cho 102 học viên, trong đó có 67 học viên cai nghiện bắt buộc, 12 học viên cai nghiện tự nguyện, 67 học viên được quản lý, dạy nghề sau cai nghiện. 37% số học viên ở độ tuổi từ 20-30, 43% số học viên từ trên 30 đến 40 tuổi. Trong đó, số học viên có tiền án, tiền sự chiếm 86% và có 12 người khai báo bị nhiễm HIV. Để cảm hóa, giáo dục những người nghiện ma túy, đội ngũ cán bộ của Trung tâm luôn quan tâm chăm sóc sức khoẻ, đồng thời nắm bắt quá trình phục hồi thể chất, tâm lý, nhân cách, diễn biến tư tưởng, tình cảm để tư vấn, giải thích kịp thời, phòng ngừa hành vi manh động vi phạm pháp luật và nội quy của Trung tâm, giúp họ vượt qua chính mình, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy. Trên cơ sở quy trình cai nghiện theo Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31-12-2010 của liên Bộ LĐ-TB và XH với Bộ Y tế, Trung tâm xây dựng phác đồ điều trị chia làm 5 giai đoạn: Tiếp nhận, phân loại, điều trị, cắt cơn, giải độc; điều trị nhiễm trùng cơ hội; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; giáo dục phòng chống tái nghiện; kết hợp lao động trị liệu và dạy nghề, với tổng thời gian một năm. Thời gian qua, cùng với việc khắc phục những khó khăn ban đầu, ổn định hoạt động, Trung tâm từng bước nâng cao chất lượng cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai nghiện. Đầu năm 2013, Trung tâm đã xây dựng phương án tổ chức lao động sản xuất, trị liệu cho học viên bị áp dụng biện pháp quản lý cai nghiện tại Trung tâm, giai đoạn 2013-2015. Giai đoạn đầu, Trung tâm có kế hoạch tổ chức dạy nghề cho học viên trong giai đoạn lao động trị liệu. Hiện tại, Trung tâm phối hợp với các trường dạy nghề trong tỉnh, tổ chức truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho 20 học viên, nghề xây dựng cho 15 học viên và nghề cơ khí cho 10 học viên. Với phương thức truyền nghề “cầm tay chỉ việc”, sau khoảng 3 tháng học nghề, học viên có thể sản xuất, gia công được những mặt hàng thông dụng và có thêm thu nhập. Ngoài ra, các học viên còn được tổ chức tăng gia sản xuất: trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thông qua lao động, giúp học viên hạn chế thời gian nhàn rỗi, đồng thời giúp họ nhận thức được giá trị của lao động, dần có tư tưởng tích cực và sống tốt hơn. Đến nay, Trung tâm đã tự túc được rau xanh và một phần thực phẩm để cải thiện bữa ăn và đời sống của cán bộ, nhân viên và học viên. Trung tâm hiện đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn bị nhà xưởng, thiết bị dạy nghề may, dự kiến đầu năm 2014 tổ chức dạy nghề may cho 20 học viên; chủ động liên kết với doanh nghiệp đầu tư mở xưởng sản xuất hương thắp, sản xuất gạch không nung để thực hiện lao động trị liệu và truyền nghề cho học viên, giúp học viên sau cai nghiện có cơ hội tìm việc làm với thu nhập ổn định tái hòa nhập cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ tái nghiện.

Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện tốt quy trình cai nghiện, nhiều năm nay, Trung tâm không xảy ra hiện tượng học viên bỏ trốn, hạn chế tình trạng học viên vi phạm nội quy, quy chế, đảm bảo an toàn về người. Năm 2012, Trung tâm đã cai nghiện ma túy an toàn cho 86 học viên, cho tái hòa nhập cộng đồng 34 học viên. Năm 2013, Trung tâm tiếp nhận vào cai nghiện 117 người và tiếp nhận sau cai 23 người; đã cho tái hòa nhập cộng đồng 37 người và đưa về quản lý sau cai nghiện tại địa phương 14 người. Bên cạnh những kết quả đạt được, Trung tâm còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện ma túy và quản lý đối tượng sau cai nghiện. Hiện nay, Trung tâm đang thực hiện theo Nghị định 135/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh, thời gian điều trị là một năm (một số tỉnh áp dụng 2 năm) nên công tác quản lý học viên khó khăn hơn do thời gian ngắn, học viên chưa ổn định tâm lý. Hơn nữa, do số lượng cán bộ ít, công việc nhiều nên Trung tâm phải sắp xếp làm theo ca, thường trực cả ngày, đêm, đảm bảo an toàn nên cán bộ, nhân viên phải làm thêm giờ, song chế độ bồi dưỡng, phụ cấp còn thấp; việc đầu tư cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu… Trung tâm đề nghị các cấp, các ngành chức năng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện./.

Minh Tân
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com