Công tác quản lý và sử dụng thiết bị dạy học ở các trường công lập

08:12, 27/12/2013

Xác định rõ công tác đầu tư, quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả thiết bị dạy học có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hằng năm, Sở GD và ĐT đã tập trung chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các trường học thực hiện nghiêm túc các quy định, văn bản chỉ đạo của Bộ GD và ĐT về quản lý, sử dụng thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục công lập, tăng cường đầu tư mua sắm thiết bị dạy học cho các cấp học.

Theo số liệu của Sở GD và ĐT, từ năm 2010 đến năm 2012, đã có 24.317 lớp học thuộc các cấp học trong tỉnh được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu; 16.960 lớp học được trang bị đủ thiết bị dùng chung. Bên cạnh đó, những năm gần đây, quy trình phân phối thiết bị dạy học đã được ngành đổi mới, mua sắm tập trung để bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch đầu tư, kiểm soát tính đồng bộ và chất lượng thiết bị. Tổng nguồn vốn đầu tư cho thiết bị dạy học tối thiểu từ năm 2010 đến năm 2012 là 250 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia là 208 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa là 40,8 tỷ đồng. Ở hầu hết các cơ sở giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên thiết bị và giáo viên đã thường xuyên được cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng công tác quản lý và sử dụng thiết bị dạy học, phục vụ tốt cho việc dạy và học trong các nhà trường. Ngoài các thiết bị dạy học được ngành GD và ĐT trang bị, phong trào thi đua tự làm đồ dùng dạy học trong toàn ngành đã được đông đảo cán bộ quản lý và giáo viên tham gia, trong đó có nhiều thiết bị giáo dục tự làm đã phát huy tính sáng tạo, phù hợp với chương trình dạy và học ở các nhà trường. Năm học 2011-2012, lần đầu tiên Sở GD và ĐT tổ chức hội thi thiết bị giáo dục tự làm, đã có 6.000 thiết bị của cán bộ, giáo viên tham gia ở cấp huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc, trong đó có nhiều thiết bị chất lượng cao được áp dụng trong giảng dạy. Ở hội thi cấp tỉnh, đã có 225 bộ sản phẩm dự thi và nhiều sản phẩm trưng bày ở hầu hết các môn học của tất cả các cấp học. Trong đó, khối mầm non có 30 bộ sản phẩm, khối tiểu học có 100 sản phẩm, khối THPT có 66 sản phẩm, khối trung tâm GDTX và dạy nghề trực thuộc sở có 29 sản phẩm. Việc tham gia tự làm thiết bị dạy học của cán bộ, giáo viên không chỉ phục vụ thiết thực cho công tác dạy và học mà còn khơi dậy sự sáng tạo, lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên, tác động tích cực đến hiệu quả đổi mới phương pháp dạy và học, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, tạo động lực khuyến khích tư duy sáng tạo của đội ngũ giáo viên và học sinh. Để các thiết bị giáo dục tự làm phát huy tác dụng trong công tác dạy và học ở các nhà trường, hằng năm, Sở GD và ĐT đã triển khai lồng ghép công tác thanh tra, kiểm tra thiết bị dạy học; khảo sát, đánh giá thiết bị ở từng cấp học.

Cô và trò Trường THCS Hải Chính (Hải Hậu) trong giờ thực hành môn Hóa học.
Cô và trò Trường THCS Hải Chính (Hải Hậu) trong giờ thực hành môn Hóa học.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, sử dụng thiết bị dạy học trong các trường công lập vẫn còn hạn chế: Nhận thức của một số cán bộ quản lý, giáo viên về công tác quản lý, sử dụng và bảo quản thiết bị dạy học chưa cao. Qua khảo sát của Sở GD và ĐT, vẫn còn 27% giáo viên và 26,7% học sinh chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về quản lý, sử dụng thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, toàn tỉnh vẫn còn 1.906 lớp học thiếu thiết bị dạy học, 2.225 lớp học thiếu thiết bị dùng chung; ở một số trường học thiếu phòng thí nghiệm, phòng thực hành; một số trường học có phòng thí nghiệm, phòng thực hành nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn; việc quản lý, bảo quản, triển khai thực hành cho học sinh gặp khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng và công năng sử dụng thiết bị… Đội ngũ nhân viên quản lý thiết bị thiếu cả về số lượng và chất lượng, số nhân viên bán chuyên trách chủ yếu chưa qua đào tạo (ở cấp tiểu học chiếm 63%, cấp THCS chiếm 72%; riêng cấp THPT 3 năm qua không được bổ sung nhân lực quản lý và sử dụng thiết bị dạy học dẫn đến hiệu quả quản lý, duy tu, bảo quản thiết bị và triển khai thực hành cho học sinh gặp khó khăn). Hơn nữa, một số giáo viên lớn tuổi dạy các bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học ngại tổ chức tiết dạy thực hành; phòng trưng bày chuẩn bị thiết bị trước khi lên lớp còn thiếu, dẫn đến công tác chuẩn bị thiết bị thực hành còn khó khăn. Việc hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tự làm thiết bị dạy học còn hạn chế. Qua khảo sát, có 46,4% giáo viên tự làm thiết bị dạy học không được hỗ trợ kinh phí. Nhiều loại thiết bị dạy học được trang bị trước năm 2010 theo chương trình đổi mới giáo dục phổ thông đã xuống cấp, hết niên hạn sử dụng, trong đó nhiều thiết bị đã hỏng, không sử dụng được. Mặc dù, quy trình phân phối thiết bị dạy học đã được đổi mới song vẫn có loại thiết bị được cấp theo gói sản phẩm, mua theo lô (bộ) nên việc kiểm tra chất lượng không cụ thể. Một số nhà cung cấp thiết bị ở xa các trường học nên công tác bảo dưỡng, bảo trì và hỗ trợ trong quá trình sử dụng thiết bị khi hết thời gian bảo hành còn hạn chế; kinh phí đầu tư cho sửa chữa thiết bị và thiết bị tự làm còn thiếu…

Để việc quản lý, sử dụng thiết bị giáo dục trong các trường công lập đáp ứng tốt các yêu cầu dạy và học, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư trang thiết bị dạy học, cần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về quản lý, sử dụng thiết bị của ngành GD và ĐT. Bộ GD và ĐT và UBND tỉnh cần quan tâm, tiếp tục bổ sung thiết bị dạy học cho các nhà trường, đồng thời chỉ đạo địa phương mua sắm thiết bị dạy học đồng bộ với cơ sở vật chất; hướng dẫn và giao chỉ tiêu biên chế, chế độ, chính sách cho cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý thiết bị để bảo đảm quản lý và sử dụng thiết bị dạy học có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng dạy học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com