Yên Dương - Mùa nông nhàn

06:07, 26/07/2013

Tiếp chuyện chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ước (thôn Vũ Xuyên, xã Yên Dương, huyện Ý Yên) không nhớ được chính xác năm mình đưa nghề thêu gia công về làng. Bà chỉ nhớ được năm đó, bà chưa đẻ anh con trai cả. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Nhờ có thêu gia công, kinh tế làng Vũ Xuyên có phần khởi sắc. Ban đầu, có khoảng vài người theo bà học nghề. Sau, người nọ truyền người kia, làng nọ truyền làng kia. Nghề thêu mở rộng ra cả xã, người người thêu gia công, nhà nhà thêu gia công... Gắn bó hơn 30 năm với nghề thêu ren, bà Ước cho biết: nghề phụ này đã từng giúp người dân Yên Dương có cái ăn, cái mặc.

Nghề tỉ mẩn

Mùa cấy kết thúc. Người dân xã Yên Dương lại lục tục đi lấy vải phôi thêu về làm, chuẩn bị cho một mùa mới - mùa thêu. Người dân nơi đây gọi nghề thêu là nghề nông nhàn. Người dân Yên Dương thực hiện công đoạn thêu phôi - một trong chuỗi các công đoạn trước khi cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Thêu phôi là một công đoạn thêu gia công cho thu nhập không cao. Tuy nhiên đến nay, sau hơn 30 năm về làng, “nghề nông nhàn” này vẫn gắn bó với người dân thôn quê như máu thịt.

Nghề thêu gia công của làng có từ trước năm 1983, do bà Nguyễn Thị Ước đưa về truyền dạy. Sau khi lứa học trò đầu tiên ra nghề, bà Ước cùng chồng là ông Trần Văn Minh tặng cho mỗi người một bộ khung thêu, coi như lấy vốn vào nghề. Công cụ, thiết bị của làng nghề thêu rất đơn giản. Người thêu chỉ cần khung thêu, các loại chỉ màu, kim, kéo cắt chỉ. Khung thêu được làm bằng gỗ hay tre. Người làm nghề Yên Dương phổ biến thêu khung tròn. Để vải không bị chùng xuống trong quá trình thêu, người làm nghề thường bọc vải quanh khung tạo ma sát giữ vải. Các mặt hàng thêu của làng chủ yếu là ga, chăn, khăn vuông, gối. Kích thước sản phẩm thường là 1,4m; 2,5m; 3m, thậm chí ga dài tới 4m. Sản phẩm trước kia chủ yếu là hàng hoa: hoa nhị, hoa hồng, hoa cúc, hoa hướng dương và thêu chim… Hoa phải tỉa nhiều màu, yêu cầu kĩ thuật không cao, nhưng phải đảm bảo thêu theo chiều đổ cánh. Sản phẩm thêu chia làm hai loại là hàng kỹ và hàng chợ. Hàng kỹ còn được gọi là hàng đóng. Đây là loại hàng đóng gói, xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu xuất sang thị trường Mỹ, có hạn thời gian, yêu cầu cao về kĩ thuật thêu. Hàng chợ yêu cầu về kĩ thuật không quá khắt khe, dễ thêu hơn. Qua nhiều công đoạn, sau khi hoàn thành, hàng này sẽ được bày bán ở thị trường trong nước. Người Yên Dương thích thêu hàng kỹ hơn hàng chợ. Hàng kỹ, yêu cầu có khắt khe một chút nhưng tiền công cao hơn. Chất vải đẹp, vải mềm không quá dầy cũng không quá mỏng, thêu đằm tay hơn, thích hơn. Nhìn chung, 2 loại này khác nhau ở chất lượng vải, yêu cầu và kĩ thuật thêu tay. Tuy nhiên hàng kỹ hay hàng chợ cũng đều cần sự tỉ mỉ, chăm chút. Nhìn dáng người thong thả buông kim, ai cũng nghĩ đây là một nghề nhàn hạ. Nhưng để hoàn thành công đoạn thêu phôi, bên cạnh sự tài hoa của đôi tay khéo léo, con mắt tinh tường, người thợ phải có một đức tính bền bỉ, kiên nhẫn, say mê với nghề.

Hai con gái chị Trần Thị Khánh tranh thủ ngày hè thêu phụ giúp mẹ.
Hai con gái chị Trần Thị Khánh tranh thủ ngày hè thêu phụ giúp mẹ.

Công đoạn thêu đầu tiên là căng vải. Người thêu phải kéo sao cho vải không quá căng, không quá chùng. Để đảm bảo độ căng vừa phải, người làm nghề thường “búng” tay vào mặt vải nhìn độ nẩy của mặt vải, nghe tiếng kêu phát ra. Đây là kinh nghiệm mà người làm nghề truyền tai nhau trong công việc. Khi lên khung, vải thêu căng và ngay ngắn, những hình in trên vải thêu không bị biến dạng. Lúc ấy, độ căng đã vừa phải, những ngón tay người dân thuần nông lại nhẹ nhàng kéo trên mặt vải. Người làm nghề, yêu cầu xỏ kim phải đúng, đâm mũi kim sao cho nhỏ chân, kéo chỉ vừa độ căng. Các đường chỉ đan vào nhau phải mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa phải đều đặn. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng “lẩn” bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị thẩm mỹ bấy nhiêu.

Nghề nông nhàn

Về Yên Dương, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy từ những đứa trẻ lên 10 đến các lão niên trong làng ai cũng biết cầm kim thêu. Trò chuyện với bà Trần Thị Giường (thôn Vũ Xuyên) khi bà tay vẫn thoăn thoắt đưa mũi kim. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn với đôi mắt tinh tường của bà, không ai nghĩ bà đã ở vào tuổi 81. Chín năm nay, những lúc rảnh rỗi, ngồi buồn, bà lại đến bên khung thêu. Bà tâm sự: Chỉ có một mình, không biết làm gì ngoài thêu gia công. Công việc này vừa giúp bà có thêm thu nhập vừa là thú vui tuổi già. Dưới bàn tay “múa lượn” đường kim mũi chỉ của bà, những bông hoa đang khoe sắc, chiếc lá, thân cây cũng như mềm mại hơn... Trung bình khoảng 3 đến 4 ngày, bà thêu được 1 tấm dài 2,5m. Mỗi tháng nghề thêu gia công mang lại cho bà trung bình 300 nghìn đồng. Số tiền không nhiều nhưng đủ để bà chi tiêu ăn uống. Chị Trần Thị Khánh (thôn Vũ Xuyên) đã theo nghề từ thời còn đi học. Đến nay, ở cái tuổi gần tứ tuần, chị không chỉ theo nghề mà còn dạy nghề cho con. Hai con gái chị, một đứa học lớp 9, đứa lớp 10. Nhà có ba bộ khung thêu, ba mẹ con chị vẫn tranh thủ thêu những giờ, ngày nghỉ, lúc nông nhàn. Thêu gia công, không đòi hỏi vốn, các hộ đến nhà đầu mối lấy hàng về thêu phôi. Thêu xong, giao hàng cho đầu mối đem trả. Giao hàng, giao tiền, “tiền tươi thóc thật”. Bất cứ lúc nào, bất cứ ai đều có thể thêu. Từ học sinh lúc nghỉ hè, từ cô công nhân tan ca rảnh rỗi, đến bà già vừa trông cháu vẫn có thể thêu gia công. Thậm chí, nhiều chị đi đánh giấy giáp cho các làng nghề Yên Ninh, Yên Tiến, tối về còn tranh thủ nhận hàng thêu để có đồng ra đồng vào. Nói chung, người làm nghề thuận lợi nhất là có thể mang về nhà làm, tận dụng mọi thời gian rảnh rỗi. Hơn nữa, ngồi thêu không phải là công việc quá nặng nhọc hay vất vả, cũng không phải đi lại nhiều. Vì vậy, tuy ngày công lao động thấp nhưng nghề vẫn được phụ nữ trung tuổi và học sinh lựa chọn. Hiện nay, toàn xã chỉ có một đầu mối bao tiêu sản phẩm là ông Trần Văn Minh, bà Nguyễn Thị Ước. Mỗi tháng 2 lần, vợ chồng ông Minh, bà Ước lấy hàng về phát cho dân và thu gom sản phẩm giao cho các làng nghề truyền thống trên Hà Nội. Từ đây, các sản phẩm hoàn thiện có công đoạn gia công của làng nghề Yên Dương được bán trên thị trường cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

Theo nhận định của người làm nghề thêu truyền thống, những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng thêu vẫn không ngừng tăng. Do vậy, nghề thêu gia công của làng Yên Dương chưa bao giờ thiếu việc. Tuy nhiên, nguồn nhân lực lại đang suy giảm mạnh. Lượng người trẻ biết nghề nhiều nhưng vì ngày công thấp nên từ lâu, họ đã không còn tha thiết với nghề thêu gia công. Bà Nguyễn Thị Ước người đầu tiên đem nghề về làng nay cũng đã ở cái tuổi hơn 50. Ngoài hai vợ chồng ông bà làm nghề, hiện, con dâu cũng theo nghề của bố mẹ chồng. Theo bà Ước, xã Yên Dương 20 đến 30 năm trước, nhà nhà làm nghề, người người làm nghề, nhưng đến nay cả làng chỉ còn lại 200 đến 300 người làm nghề. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không mặn mà của chính người làm nghề. Một số ngành nghề phụ khác như làm mộc, đánh giấy giáp, may mặc… cho thu nhập cao hơn đã thu hút lực lượng lao động của làng. Hơn nữa, nghề thêu đòi hỏi tỉ mỷ, cẩn thận trong quá trình thêu, nếu người làm nghề không đảm bảo giữ phôi vải sạch sẽ; bị rách, hư hỏng; không thể gia công các công đoạn khác sẽ phải đền gấp 5 lần tiền công. Nhưng quan trọng hơn, nghề thêu gia công cho thu nhập thấp. Người làm trong làng nhẩm tính ra ngay lợi nhuận họ thu về sau một ngày lao động. Một ngày chăm chỉ, người làm nghề thu nhập từ 40 đến 60 nghìn đồng/người (tùy theo hàng kỹ hay hàng chợ). Bình quân một tháng, người làm nghề thu nhập từ 1,2 đến 2 triệu đồng/người. Người làm nghề thêu gia công ít dần, chủ yếu còn phụ nữ trung tuổi và học sinh.

Khi được hỏi tại sao không phát triển làng thêu lớn và quy mô hơn, ông Minh, bà Ước cho biết: Từ bao năm nay, làng thêu Yên Dương vẫn chỉ mang tính chất thêu gia công cho các làng nghề ở Ninh Bình, Hà Nội. Người làng không có vốn, không tìm được nơi trực tiếp tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, người làm nghề chủ yếu là tự học hỏi nhau, không qua trường lớp đào tạo, tay nghề chưa cao như những làng nghề truyền thống khác. Đặc biệt, hiện nay 98% người dân Yên Dương vẫn coi nghề nông là nghề cho thu nhập chính. Vì vậy hơn ba chục năm nay, người làm nghề coi nghề thêu như một nghề phụ, thu nhập thấp, chưa thu hút được tối đa lượng lao động trẻ kế cận tại địa phương. Từ thực tế cho thấy, việc phát triển làng nghề, chính là khai thác tiềm năng lao động, vật tư nguyên liệu sẵn có trong nước nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá mang đậm văn hóa Việt, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Không những thế, phát triển làng nghề còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết lao động dư thừa, từng bước giảm nghèo, làm giàu chính đáng, cải thiện và nâng cao đời sống của đại đa số nông dân. Do vậy, để phát triển quy mô hơn nữa nghề thêu theo mong muốn của người làm nghề, đòi hỏi có sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể giúp đỡ trong việc hỗ trợ đầu tư kinh phí, đào tạo thợ; quy hoạch làng nghề, mở rộng quy mô, tìm kiếm thị trường ở trong nước cũng như nước ngoài. Chỉ có như vậy, Yên Dương mới không bỏ phí lớp lao động trẻ, đưa nghề gắn bó hơn 30 năm với làng trở thành nghề cho thu nhập chính. Hy vọng tương lai không xa, làng nghề Yên Dương sẽ khởi sắc./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com