Khai thác tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

07:07, 19/07/2013

Công nghiệp hỗ trợ là ngành sản xuất những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm,… hay những sản phẩm trung gian, nguyên liệu sơ chế phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm chính. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thường do các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất. Ngoài hiệu quả tạo việc làm, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo hướng vừa mở rộng và chuyên sâu.

Từ nhiều năm nay, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm đầu tư sản xuất và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tiêu biểu như nhóm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất dược liệu. Cùng với sự phát triển của các Cty sản xuất dược phẩm, Cty TNHH Hưng Thịnh, Cty TNHH Sản xuất - kinh doanh bao bì Độc Lập (CCN An Xá - TP Nam Định) đã ký được nhiều hợp đồng in vỏ thuốc, sản xuất thùng, hộp các tông đựng thuốc; Cty TNHH Hoàng Phát (xã Nam Hồng, Nam Trực) chuyên sản xuất các sản phẩm lọ, ống nhựa phục vụ ngành sản xuất dược phẩm… Với việc tập trung đầu tư chuyên sản xuất vỏ bao xi măng, Cty CP VICEM Bao bì Bút Sơn (TP Nam Định) đã bảo đảm hiệu quả sản xuất ổn định. Năm 2013, Cty đặt mục tiêu giữ vững công suất 55 triệu sản phẩm/năm, phấn đấu tổng doanh thu đạt 351 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt từ 8,5 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ chi trả cổ tức tối thiểu từ 10% trở lên. Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động đã sản xuất được các sản phẩm có tính cạnh tranh cao như: sản phẩm trục chà lúa của Cty TNHH Nam Anh (CCN An Xá); các loại chi tiết, phụ tùng xe máy của Cty TNHH Mai Văn Đáng (KCN Hòa Xá), sản phẩm động cơ điện của Cty Chế tạo điện cơ AXUZU (Xuân Trường)… Sản phẩm của các doanh nghiệp không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước ASEAN, Trung Quốc… Với trình độ tay nghề và kinh nghiệm lâu năm, nhiều doanh nghiệp cơ khí trong các làng nghề truyền thống thuộc các xã Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), Đồng Côi, Vân Chàng (Nam Trực), Tống Xá (Ý Yên)… đã sản xuất được các chi tiết sản phẩm cơ khí chính xác cao. Với thế mạnh là trung tâm dệt may lớn của cả nước, ngoài các doanh nghiệp dệt may lớn truyền thống, đã có các nhà đầu tư sản xuất chỉ các loại, doanh nghiệp kéo sợi… ở các KCN Hoà Xá, CCN An Xá (TP Nam Định);…

Sản xuất động cơ điện tại Cty Chế tạo điện cơ AXUZU, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).
Sản xuất động cơ điện tại Cty Chế tạo điện cơ AXUZU,
Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường).

Tuy nhiên, ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh mới bước đầu hình thành, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Xét về tổng thể, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh ta vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, phát triển ở dạng tự phát, manh mún. Công nghiệp hỗ trợ không phát triển sẽ làm cho các Cty lắp ráp và những Cty sản xuất thành phẩm cuối cùng phụ thuộc vào nguồn phụ liệu nhập khẩu. Dù được cung ứng với giá rẻ nhưng vì quá nhiều chủng loại, phí tổn chuyên chở, bảo hiểm sẽ làm tăng chi phí đầu vào, đồng thời tạo ra các rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu… Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nhiều ngành công nghiệp phát triển như: dệt may, cơ khí, dược phẩm… Bên cạnh đó, với vị trí địa lý nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy, đường sắt, tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất sản phẩm phụ trợ cung ứng cho các trung tâm công nghiệp trong cả nước, nhất là đối với tam giác phát triển trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Toàn tỉnh có 89 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như đúc Tống Xá (Ý Yên), cơ khí chế tạo Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường), Vân Chàng, Đồng Côi (Nam Trực)… Trong đó làng nghề Tống Xá sản xuất được bi nghiền cho ngành công nghiệp xi măng; các loại sàng đá phục vụ công nghiệp khai thác đá; các tấm chắn phục vụ công nghiệp thuỷ điện. Làng nghề cơ khí Đồng Côi (Nam Giang) có uy tín với các chi tiết phụ tùng xe đạp, xe máy… Làng nghề cơ khí chế tạo máy ở Xuân Trường đã sản xuất các chi tiết phụ tùng để lắp ráp máy nông nghiệp… Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch 590,5ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 402,4ha. Năm 2012, các KCN đã thu hút được 160 dự án đầu tư thứ cấp với tổng diện tích đã thuê là 294,7ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%. Đã có 107 dự án đi vào sản xuất ổn định, giá trị sản xuất đạt 2.874 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 182 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 20 CCN cấp huyện với 433 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt 2.407,9 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đã thực hiện là 2.286 tỷ đồng… Đây chính là những tiềm năng, lợi thế lớn để tỉnh ta phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngày 17-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1556/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”. Theo đó, Chính phủ chủ trương khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, trên cơ sở phát huy tối đa nguồn nhân lực và các nguồn lực trong nước nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế. Đến năm 2020, phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần đạt được một số mục tiêu như: Đẩy nhanh phát triển số lượng và nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, có thể cung ứng được khoảng 50% nhu cầu nội địa hoá ở các lĩnh vực khác nhau của các ngành công nghiệp chế tạo; số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 2.000 doanh nghiệp. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ tập trung vào phổ biến công nghệ kỹ thuật sản xuất công nghiệp hỗ trợ; trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực chế tạo; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống quản lý trong sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; xây dựng cơ sở dữ liệu và website cung cấp thông tin về công nghiệp hỗ trợ… Đây là cơ hội để tỉnh ta tranh thủ khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vừa đảm bảo việc làm cho các làng nghề truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc phát triển CN-TTCN của tỉnh./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com