Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường nước giải khát

07:07, 23/07/2013

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các loại nước uống giải khát đóng hộp, trong đó có nhiều sản phẩm có thương hiệu tốt với người tiêu dùng như bia hơi NaDa, bia ong Xuân Thuỷ… Thời gian qua, Cty CP Bia NaDa đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm như: đầu tư dây chuyền đóng chai tự động, thay đổi mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm… đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng nên luôn giữ được thị trường tiêu thụ ổn định. Bình quân mỗi năm, Cty sản xuất trên 40 triệu lít bia các loại. Với khoảng 600 đại lý cấp 1, sản phẩm của Cty đã được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong tỉnh và các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thanh Hóa… Mặc dù gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu… nhưng Cty áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khâu chăm sóc khách hàng, nên trong 6 tháng đầu năm 2013 sản lượng bia của Cty vẫn đạt trên 20 triệu lít bia, thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng. Cty CP Bia ong Xuân Thuỷ (Xuân Trường) với sản phẩm bia hơi, rượu, mật ong…, trong đó, trung bình mỗi năm, Cty sản xuất được gần 3 triệu lít bia phục vụ khách hàng khu vực các huyện phía nam tỉnh. Nhờ tích cực nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, 6 tháng đầu năm 2013 giá trị sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất đồ uống của tỉnh tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012. Cùng với các sản phẩm uy tín do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, trên thị trường còn có nhiều sản phẩm nước uống của các hãng lớn như Pepsi, Cocacola, Tribeco, Tân Hiệp Phát, Wonderfarm… với những sản phẩm có nguồn gốc từ hoa quả tươi, sữa thực vật… sử dụng thuận tiện và có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Sang chiết bia hơi tại Cty CP Bia NaDa.
Sang chiết bia hơi tại Cty CP Bia NaDa.

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng thì trên thị trường cũng xuất hiện không ít những sản phẩm nước đóng chai không đảm bảo chất lượng do quá hạn sử dụng, sản phẩm nhái các nhãn hiệu uy tín. Với chiêu thức sử dụng nhãn hiệu với cách trình bày, trang trí, kiểu chữ… gần giống với sản phẩm chính hãng và không quên ghi thêm dòng chữ “sản xuất theo TCVN”, hoặc sản phẩm được chứng nhận ATVSTP chung chung để đánh lừa khách hàng thiếu kiến thức. Đối với những sản phẩm hết hạn hoặc cận hạn sử dụng, các “nhà phân phối” khuyến khích người mua bằng cách bán hàng khuyến mại "mua hai, tặng một" hoặc tặng kèm một sản phẩm khác để thu hút sự chú ý của người mua mà quên đi việc kiểm tra chất lượng sản phẩm. Đặc biệt lợi dụng thói quen không xem kỹ nhãn hiệu, hạn sử dụng khi mua hàng và tâm lý thích mua sản phẩm rẻ tiền nên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm này “chọn” địa bàn nông thôn, các khu du lịch làm nơi tiêu thụ. Tại một quầy giải khát ở Thị trấn Quất Lâm, chị Trần Thị Hòa (TP Nam Định) cho biết: Trời nóng nực, tôi tìm mua nước giải khát nhưng không yên tâm khi thấy hàng loạt sản phẩm với những cái tên "nhái" các thương hiệu đã nổi tiếng như nước tăng lực Redbern, nước ngọt Cocacoler, Pesy, Fatan, Lavia, Aquafinan… Bên cạnh đó màu sắc trên vỏ chai bị nhòe, không sắc nét như sản phẩm chính hãng nên tôi không thể yên tâm sử dụng.

Lợi dụng xu hướng lựa chọn nước giải khát không ga, được chiết xuất từ sản phẩm thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe như: các loại nước hoa quả, trà xanh, trà thảo mộc…, bên cạnh các sản phẩm giải khát đóng hộp uy tín chất lượng, tham gia thị trường cung ứng các sản phẩm giải khát trên địa bàn, còn có các hộ dân "tự chế" các loại nước giải khát như: thạch, chè hoa quả… phục vụ khách hàng. Với chi phí đầu tư ban đầu thấp, lại có lợi nhuận lớn nên các quán giải khát vỉa hè có cơ hội nở rộ với các sản phẩm nước giải khát đa dạng từ thức uống đóng chai, đến các đồ uống tự chế như: hoa quả dầm, nhân trần, me đá, trà đá, trà chanh, nước sấu, nước dâu, nước mía… Chị Hằng, một chủ quán nước giải khát vỉa hè “bật mí”: Việc đầu tư quán nước không tốn nhiều tiền, khả năng thu hồi vốn nhanh; chỉ cần vài chục chiếc ghế nhựa, bàn, cốc uống nước, thùng đựng đá, vài chai nước giải khát đóng sẵn cùng với một số loại thông thường như sữa đậu nành, nước hoa quả… tự chế, địa điểm không phải thuê. Với giá rẻ, chỉ từ 5-7 nghìn đồng một cốc nước giải khát tự chế nên đã thu hút lượng lớn khách hàng là học sinh, sinh viên và người lao động tự do. Tuy nhiên, các loại nước giải khát vỉa hè đang tiềm ẩn những nguy cơ về VSATTP. Tại một quán giải khát vỉa hè trên phố Tô Hiến Thành (TP Nam Định), chúng tôi không khỏi rùng mình khi tận mắt chứng kiến quy trình pha chế nước mía của chủ quán. Mía đã cạo vỏ được đựng trong các xô nhựa đặt dưới đất, không được che đậy. Chiếc máy ép mía đã hoen gỉ được phủ bằng một tấm vải ren đã ngả màu, xung quanh ruồi nhặng bu bám. Khách đông, người bán hàng “tay năm, tay mười” vừa lau mồ hôi, vừa nhặt đá bỏ vào cốc. Người từng làm trong nghề cho biết, để có cốc nước mía ngọt lịm, mát lạnh, trong chiếc xô nhựa luôn có nước pha đường hóa học, ngấm vào thân mía. Các loại nước xi rô hoa quả được pha chế chủ yếu theo công thức nước máy cộng với đường hóa học thêm hương liệu và chất tạo màu. Các loại hương liệu hóa học, chất tạo màu,… bán công khai tại các chợ đầu mối, thường được người bán quảng cáo rất tích cực và tự "cam kết" chất lượng theo kiểu "bán mãi cho nhiều người mua rồi"(?!) Theo quy định của Bộ Y tế, người kinh doanh thức ăn đường phố phải được khám sức khỏe, được tập huấn và có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về ATTP. Nguyên liệu để chế biến thức ăn phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, có trang phục sạch sẽ, gọn gàng và sử dụng găng tay dùng một lần khi bán hàng. Tuy nhiên công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định này hiện đang còn nhiều bất cập.

Trước thực trạng mất ATVSTP ở các quán giải khát vỉa hè, các ngành chức năng của tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra chất lượng, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh các sản phẩm này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các quán giải khát vỉa hè hầu hết kinh doanh tự phát, nhỏ lẻ, khó có thể thống kê được hết số lượng các quán này. Bên cạnh đó, thời gian và địa điểm kinh doanh của người bán hàng thường không cố định, gây khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát. Trong khi trên thị trường tràn lan các sản phẩm giải khát tự chế kém chất lượng thì người tiêu dùng cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, lựa chọn kỹ các loại đồ uống tại các hàng quán giải khát vỉa hè để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com