Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng (kỳ 2)

07:05, 31/05/2012

[links()]

Giữa nghìn trùng sóng vỗ, giữa bốn bề hiểm nguy, thiếu từ ngọn rau xanh đến ngụm nước ngọt… nhưng vượt qua tất cả, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn vững vàng nơi đầu sóng. Không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc mà còn vun trồng cho sự sống nơi đây ngày một tốt tươi, bền vững. Kiên trung, bất khuất là những từ không đủ để nói hết về sức sống mãnh liệt trên quần đảo tiền tiêu này…

II - Sức sống Trường Sa!

Sau 2 ngày đêm rẽ sóng vượt biển, sớm ngày 5-5, lúc mặt trời vừa nhô lên từ lòng biển cũng là lúc tàu HQ 571 đưa chúng tôi đến điểm đảo đầu tiên, khởi đầu cho hành trình lên thăm 4 đảo nổi, 5 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa và 2 Nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc…

Cảm nhận đầu tiên khi đặt chân lên các đảo nổi như Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết và Sinh Tồn là Trường Sa rất xanh. Màu xanh không chỉ thấm đẫm trong mênh mông sóng nước biển Đông quanh năm ôm ấp vỗ về mà hiện hữu khắp nơi trên đảo, toả ra từ những tán cây phong ba, cây bão táp, cây bàng vuông, những loại cây chỉ ở Trường Sa mới có. Màu xanh còn ngát lên từ những vườn, những chậu rau mi ni đủ các loại từ rau muống, rau cải, rau dền, rau mồng tơi được những người lính đảo dầy công tưới tắm, che chắn, bày đặt trên khắp ban công, cạnh lối đi, thậm chí trên tận… nóc nhà. Màu xanh của nước biển hoà quyện cùng màu xanh của cây cỏ tạo cho những hòn đảo nổi diện tích lớn nhất cũng chỉ rộng 0,15km2 này một màu xanh thanh bình, yên ả. Dưới những tán cây phong ba, cây bàng vuông là những con đường nhỏ được trải bê tông khi thẳng tắp, khi ngoằn ngoèo, uốn lượn. Nằm ven đường và thường bị tán cây che khuất là các khu nhà làm việc, nhà ở của bộ đội được xây dựng khá khang trang, kiên cố. Phòng làm việc, phòng ở được bộ đội sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Đi quanh các đảo nổi, chúng tôi thấy đảo nào cũng có những công trình văn hoá, tâm linh như tượng đài, chùa, nhà văn hoá, trong đó tượng đài Trần Hưng Đạo, nhà khách thủ đô trên đảo Song Tử Tây, nhà văn hoá trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn đều mới được khánh thành. Ở đảo Trường Sa Lớn có một đường băng chạy dọc đảo nhìn không khác một đại lộ trên đất liền, hai bên đường có nhiều công trình lớn như Tượng đài các Anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa, trụ sở UBND huyện Trường Sa. Chính giữa là nơi đặt cột mốc bia chủ quyền nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nơi ai đến cũng muốn được chạm tay vào. Chính tại đây, chúng tôi được tham dự lễ đón trang trọng và lễ duyệt binh hùng tráng của cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Quanh các đảo nổi được bảo vệ bằng hệ thống bờ kè bê-tông kiên cố. Khác với kè sông, biển, bờ kè bảo vệ đảo không nằm thoai thoải mà lượn cong từ dưới lên như hình một cánh cung. Quanh đảo có hệ thống tuốc-bin điện gió cao vút, quay tít trước gió biển, phía dưới là hệ thống điện năng lượng mặt trời. Nhờ có hệ thống năng lượng sạch này, mấy năm gần đây các hoạt động trên đảo được “điện khí hoá”, về đêm đảo rực sáng như một thành phố giữa đại dương. Riêng đảo Song Tử Tây có một âu tàu khá rộng, chiến sỹ trên đảo cho biết âu tàu có đủ chỗ trú cho gần 100 tàu đánh bắt cá của ngư dân mỗi khi cần tránh bão…

Đảo Đá Đông hiên ngang giữa biển Đông, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Đảo Đá Đông hiên ngang giữa biển Đông, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh: Internet.

Đến các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn hay Nam Yết, chúng tôi còn trải qua cảm giác được gặp lại “đất liền” ngay giữa đại dương. Vừa đặt chân lên đảo Song Tử Tây, đi được một đoạn ai cũng bất ngờ khi được đứng trước một sân cỏ xanh mướt, rộng ngang một sân vận động cỡ vừa ở đất liền, trên sân gần một chục con bò đang… ung dung gặm cỏ. Ở đảo Trường Sa Lớn chúng tôi lại bắt gặp một hình ảnh ngộ nghĩnh khác: trong lúc các chiến sỹ đang tất bật đón khách thì một con lợn sề ung dung dắt đàn ỉn con đi… “dạo đảo” nhìn giống cảnh mẹ con đàn lợn trong tranh dân gian Đông Hồ. Đến thăm các hộ dân trên các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn thấy nhà cửa được xây dựng tập trung, khá khang trang, kiên cố. Nhà nào cũng có khu chăn nuôi, khu trồng rau, trong nhà có đầy đủ các tiện nghi như ở đất liền như ti vi, radiô, quạt điện. Chị Huỳnh Thị Thanh Thư, một người dân trên đảo Song Tử Tây cho biết, hằng ngày các chị tham gia nấu ăn cho bộ đội còn các anh chồng đi đánh bắt cá, tham gia lực lượng dân quân tự vệ trên đảo. Các em bé, nhiều em được sinh ra tại đảo đến lớp học được tổ chức ngay tại nhà văn hoá. Chỉ có mấy hộ dân nhưng ở đây cũng có Uỷ ban MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ. Nhất là khi được nghe tiếng chuông chùa, được thắp nén hương thơm thành kính dâng lên Đức Phật ở giữa đại dương nghìn trùng xa cách, cảm thấy Trường Sa vốn rất xa trở nên thật gần. Chùa Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn đều nằm sát và hướng ra biển; chùa Trường Sa Lớn nằm ngay cạnh lối đi từ cầu cảng dẫn vào đảo, cổng chùa nằm sát, hướng ra đường băng. Cảnh chùa không khác mấy so với chùa ở đất liền. Có khác chăng là ở sân chùa không có những cây đa, cây đại thường thấy. Thay vào đó chính là những cây phong ba, cây bàng vuông đặc trưng của Trường Sa. Khác nữa là tên chùa và những dòng chữ trên các bức hoành phi, câu đối đều được khắc bằng chữ Việt. Tháng 4 vừa qua, 6 nhà sư thuộc Hội Phật giáo tỉnh Khánh Hoà đã tình nguyện ra đây trụ trì, hành đạo. Bảo vệ, xây dựng Trường Sa hôm nay không chỉ có những người lính cầm súng, những người dân mà còn có thêm những nhà sư ngày đêm chắp tay niệm Phật cầu cho quốc thái dân an, đảo vững bền.

Để lại ấn tượng sâu sắc nhất chính là những cán bộ, chiến sỹ hải quân trên những hòn đảo nổi này. Họ, phần lớn đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 30 tuổi. Vì chủ quyền biển đảo, các anh gác lại niềm riêng ra đây ngày đêm canh giữ. Theo quy định, phải từ một đến một năm rưỡi các anh mới được về đất liền. Sóng gió làm người nào trông cũng đen nhẻm, nhưng giọng nói, nụ cười thì rất hiền hậu. Mỗi khi xuồng cập đảo, từ xa đã thấy các anh ra tận cầu cảng vẫy chào. Đến bữa, các anh chọn những con lợn béo nhất mổ thịt đãi chúng tôi. Đêm xuống các anh nhường giường, nhường phòng cho chúng tôi ngủ còn mình ra mắc màn ngủ ở hành lang, dưới gốc cây. Chiều ấy, khi rời đảo Sinh Tồn, đúng lúc thuỷ triều xuống, xuồng không thể vào đón, anh em lính đảo dùng những chiếc thuyền thúng rồi chân đất lội bì bõm dưới biển hò dô đẩy chúng tôi ra xuồng về tàu. Nhìn gương mặt nhấp nhoá nước của các anh, tay cố giương cao vẫy chào tạm biệt, nhiều người trong chúng tôi cảm động không kìm được nước mắt. Một chiều khác ở đảo Nam Yết, chúng tôi được chứng kiến cảnh lính đảo nhận được thư nhà, ai cũng hồ hởi, tìm đến gốc cây ngồi đọc, đọc xong có người khóc. Đất liền với lính đảo luôn là một niềm khắc khoải! Thượng tá Bùi Văn Chiến, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết cho biết, ngoài nhiệm vụ canh giữ đảo, cán bộ, chiến sỹ trên các đảo ở quần đảo Trường Sa còn có một nhiệm vụ quan trọng khác là tăng gia sản xuất như trồng rau xanh, nuôi lợn, bò, gà, ngan, vịt để tự túc một phần rau xanh, thực phẩm. Ngó vào dãy chuồng lợn của đảo Nam Yết, chúng tôi đếm được trên dưới 20 con lợn khá to. Thượng tá Bùi Văn Chiến cho biết con số lợn nuôi này được anh em trên đảo duy trì đều đặn từ nhiều năm nay…

So với các đảo nổi, những đảo đá ngầm chúng tôi có dịp đến thăm như Đá Nam, Cô Lin, Đá Đông, Đá Tây, Đá Lát điều kiện sống, làm nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ khó khăn, khắc nghiệt hơn nhiều lần. Diện tích của các đảo này rất rộng, nhiều đảo rộng đến 40-50km2 nhưng quanh năm ngập sâu dưới sóng biển nên được gọi là đảo chìm. Chỉ duy nhất có một điểm nhô lên được bộ đội tôn tạo thêm để xây dựng thành sở chỉ huy đảo. Có những chuyện ở đất liền rất bình thường, đơn giản nhưng ở những hòn đảo chìm này đã nghe không thể quên. Nước ngọt và rau xanh là một ví dụ. Đây là hai thứ luôn thiếu ở các đảo chìm. Ngoài phần tiếp tế của các chuyến tàu, để có thêm nước ngọt dùng, mỗi khi trời mưa, lính đảo phải huy động mọi vật dụng để hứng, kể cả dùng vải bạt trải khắp nền đảo để hứng lấy dù chỉ vài ca. Để tiết kiệm và phát huy tối đa tác dụng của những giọt nước ngọt, lính đảo chìm nghĩ ra cách “tắm tráng”, là tắm trước bằng nước biển rồi dùng một ít nước ngọt tráng qua; “tắm kiểu em bé”, là ngồi vào chậu rồi nhờ đồng đội dội nước, kỳ hộ, dội không khéo để nước bắn ra ngoài là bị phạt. Phần nước còn lại được “dùng tiếp” cho nhiều việc, quan trọng nhất là để tưới rau. Trên những hòn đảo chìm cán bộ, chiến sỹ đã tận dụng mọi khoảng trống để trồng rau. Rau được trồng trong những chiếc chậu xi-măng nhỏ xíu, trên ban công, trong hốc cột, trên nóc đảo và trên những khu vườn dã chiến được dựng ngay trên đầu những con sóng. Vì hiếm nên rau chỉ được lính đảo dùng để nấu canh lấy nước, rau xào là món xa xỉ, chỉ những dịp đặc biệt mới xuất hiện trên mâm cơm lính đảo chìm. Đồ ăn thường ngày của anh em chủ yếu vẫn là đồ hộp, loại thức ăn nếu nếm thử thì thấy lạ nhưng rất ngán nếu phải ăn thường xuyên. Ngoài rau xanh, đến đảo chìm nào chúng tôi cũng gặp những chú chó, ở đảo Đá Nam chúng tôi còn nhìn thấy một đàn vịt mấy chục con. Những chú chó, chú vịt đối với những người lính đảo chìm không chỉ là những con vật nuôi mà thực sự là những người bạn, người đồng đội thân thiết, cùng đồng cam cộng khổ. Khâm phục làm sao, ở nơi chỉ có sóng gió và chỉ có một khoảng bê tông, đá sỏi cỏn con này mà hằng năm cán bộ, chiến sỹ mỗi đảo chìm vẫn “sản xuất” được hàng trăm cân rau xanh, mấy tạ thịt, nếu ở đất liền trị giá đến mấy chục triệu đồng…

Trong nhiều câu chuyện về cuộc sống ở đảo chìm sáng ấy, Đại uý Phạm Văn Điệp, Chỉ huy trưởng đảo chìm Đá Đông kể, chúng tôi cứ ám ảnh mãi về chuyện các anh tổ chức cấp cứu cho một chiến sỹ trên đảo mới đây. Chuyện xảy ra ngày 25-9-2011, đúng lúc sóng gió cấp 7, cấp 8 thì Trần Xuân Hiếu, một chiến sỹ trên đảo Đá Đông bị đau ruột thừa dữ dội, điều kiện thiết bị trên đảo không đủ để tiến hành ca mổ. Đảo phát tín hiệu, tàu hải quân đến nhưng sóng quá to, xoay xở mãi xuồng của tàu vẫn không thể cập đảo. Đảo lại phát tín hiệu cho các tàu cá. Thật may, tàu của anh Nguyễn Văn Sơn, một ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt gần đó kịp đến. Nhưng rốt cuộc tàu anh Sơn cũng không thể cập đảo vì sóng quá lớn. Bàn tính các anh quyết định cho một thuyền viên của tàu buộc dây vào người rồi đánh liều bơi vào đảo. Đồng đội cho Hiếu mặc áo phao kèm thêm một chiếc phao cứu hộ rồi dùng dây “trói” lại. Từ tàu cá, các thuyền viên hò nhau kéo Hiếu từ đảo lướt trên sóng về tàu và từ đây Hiếu được chuyển tiếp qua tàu Hải quân. Đón được Hiếu, tàu nhằm hướng đảo Trường Sa Lớn cách đó cả trăm hải lý rẽ sóng. Đến đây, Hiếu được các quân y trên đảo phẫu thuật thành công. Những chuyện cam go như vậy ở đảo chìm kể không hết được. Nhưng khốc liệt nhất là khi lên thăm vọng gác ở các đảo chìm chúng tôi thường thấy những sợi dây ni lông treo đầy những vỏ hộp, ống bơ. Khi đứng gác, nhất là vào ban đêm, lính đảo chìm thường dùng tay nắm chặt lấy các sợi dây. Hỏi lý do, đại uý Điệp trả lời tỉnh bơ nhưng lòng chúng tôi nghẹn lại: nếu trong trường hợp địch bất ngờ tấn công, chiến sỹ trực canh bị trúng đạn thì trước khi hy sinh các anh vẫn kịp giật dây gây tiếng động báo cho đồng đội!

Khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy nhưng cán bộ, chiến sỹ trên các hòn đảo ở Trường Sa vẫn vững vàng, vẫn lạc quan. Lạc quan đúng như lời hát của một người lính trẻ trước khi rời đảo chìm tôi nghe được: Dẫu chẳng có mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/Đảo vẫn sinh tồn giữa đại dương gió bão/Như đã vững bền, như đã tốt tươi…

(Còn nữa)
Trần Duy Hưng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com