Phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn

07:05, 24/05/2012

Để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trong công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, việc tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương là một trong những giải pháp quan trọng và có ý nghĩa quyết định.

I - Đa dạng hóa ngành nghề

Ông Ninh Xuân Phong, làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên) truyền nghề truyền thống cho lao động trẻ.
Ông Ninh Xuân Phong, làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên) truyền nghề truyền thống cho lao động trẻ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 89 làng nghề đang sản xuất, kinh doanh, thu hút trên 130 nghìn lao động tại gần 53 nghìn hộ gia đình và 305 cơ sở sản xuất. Năm 2010 giá trị sản xuất từ ngành nghề nông thôn (NNNT) chiếm 50,4% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Nhiều làng nghề có tỷ lệ lao động ngành nghề chiếm 80-90% như: Tống Xá, La Xuyên, Cát Đằng, Vĩnh Trị (Ý Yên); Bình Yên, Vân Chàng, Đồng Côi, Điền Xá (Nam Trực); Dịch Diệp, Trung Lao (Trực Ninh); Quang Trung, Tiên Hào, Giáp Nhất, Quả Linh (Vụ Bản), Phương Đức, Minh Châu, Phạm Rỵ (Hải Hậu); Đào Khê Thượng, Đào Khê Hạ, Hưng Thịnh, Phù Sa Thượng (Nghĩa Hưng)… Về ngành nghề cũng rất đa dạng: nghề mây, tre, lá đan có 18 làng nghề; nghề cơ khí có 10 làng nghề; nghề tre, nứa ghép sơn mài có 9 làng nghề; nghề chế biến gỗ 8 làng nghề, nghề dệt 8 làng nghề, nghề cói 8 làng nghề; nghề trồng hoa, cây cảnh, cây thế 7 làng nghề; nghề chế biến lương thực, thực phẩm 4 làng nghề; nghề xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng 7 làng nghề; nghề lưới cước, sợi 2 làng nghề, nghề tơ tằm 4 làng nghề… Các ngành nghề chủ lực đang phát triển mạnh là nghề cơ khí, chế biến gỗ, sơn mài, tre nứa ghép, dệt may, cây cảnh, cây thế… Các nhóm ngành nghề này phát triển mạnh vì phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Để duy trì phát triển làng nghề, các cơ sở sản xuất luôn cải tiến mẫu mã, sáng tạo những mặt hàng mới và đưa các công nghệ tiên tiến, máy móc, thiết bị hiện đại để giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sức cạnh tranh cao. Ngành cơ khí chế tạo của các làng nghề Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường) đã đưa máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các loại máy vò lúa, máy tẽ ngô, máy sản xuất gạch, hệ thống tời nâng… Các sản phẩm đã được thị trường trong nước ưa chuộng, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào… Hàng chạm bạc, đúc chuông… của làng nghề Xuân Tiến đã xuất sang Mỹ, các nước châu Âu. Các doanh nghiệp cơ khí Nam Trực, Trực Ninh đã đầu tư lò trung tần để luyện, rút thép xây dựng; đưa máy móc, thiết bị tiên tiến để đột dập nhôm, sản xuất phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô. Ở làng nghề Tống Xá (Ý Yên), các thợ đúc với các máy móc, thiết bị hiện đại đã chuyển sang đúc bi, tấm lót phục vụ cho công nghệ sản xuất xi măng; đúc các sản phẩm phục vụ cho ngành GTVT, khai thác mỏ, các linh kiện, phụ kiện cho nhà máy điện; đúc các pho tượng đồng nặng hàng trăm tấn phục vụ các công trình văn hóa, tín ngưỡng. Các làng nghề mộc ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu… đưa cưa máy, bào máy, đục máy, soi máy… để sản xuất các mặt hàng mộc dân dụng, mộc thủ công mỹ nghệ tinh xảo với số lượng lớn cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Làng nghề sơn mài ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản có nguy cơ bị mai một nhưng đã kịp thời chuyển hướng sang sản xuất các mặt hàng tre, nứa ghép kết hợp với sơn mài nên không chỉ giữ vững nghề, mà còn mở rộng sản phẩm xuất khẩu với số lượng lớn. Nghề may mũ giang ở các xã Yên Trị, Yên Đồng (Ý Yên) đã chuyển sang may mũ mềm, may quần áo, các mặt hàng bảo hộ lao động cả cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu nên làng nghề đã phát triển mạnh với hàng chục Cty TNHH, hàng trăm cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình. Nghề ươm tơ Cổ Chất, Dịch Diệp (Trực Ninh), dệt Nam Hồng (Nam Trực) hiện nay được mở rộng với các khung dệt hiện đại và sản phẩm được xuất khẩu. Nghề chiếu, cói ở xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng) từ 5-6 năm nay đã chuyển sang đan hàng cói xuất khẩu, nhiều hộ còn tổ chức đan, dệt lưới. Các nghề chế biến thủy, hải sản ở các xã ven biển của các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… vẫn giữ nghề làm chượp, nước mắm, mắm tôm, giờ đây có thêm nghề sản xuất cá mai, cá đù… xuất khẩu. Nghề chế biến nông sản có mặt ở khắp các địa phương như làm bún, bánh nhưng phát triển nhất là ở xóm 6, 7, 10 xã Xuân Tiến (Xuân Trường), xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng)… Đặc biệt người làm nghề làm phở, bánh phở ở thôn Giao Cù xã Đồng Sơn (Nam Trực) hiện có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Bên cạnh những làng nghề truyền thống đã xuất hiện nhiều nghề mới, làng nghề mới được hình thành như chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh cây thế ở xã Nam Toàn (Nam Trực), làng Xuân Dục (Xuân Trường), Đông Thành, Năm Sơn, Trần Phú, Văn Lý, Hồng Tiến (Hải Hậu)… Chính vì vậy số lượng các làng nghề theo tiêu chí cũ ở tỉnh ta những năm gần đây đều năm sau cao hơn năm trước. Năm 2006 toàn tỉnh có 73 làng nghề; năm 2007 có 78 làng nghề, năm 2008 có 82 làng nghề và năm 2010 có 89 làng nghề. Những địa phương có ngành nghề phát triển đã tạo điều kiện cho nhiều loại hình dịch vụ phát triển làm cho cuộc sống sinh hoạt và sản xuất tại địa phương càng sôi động. Thu nhập của lao động ngành nghề ở các địa phương luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp 2-3 lần.

Cơ cấu ngành nghề nông thôn ở tỉnh ta đang có sự thay đổi theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng nhóm hộ sản xuất nông - lâm - thủy sản, tăng nhóm hộ sản xuất công nghiệp, nghề, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Theo kết quả tổng hợp từ cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản tại 194 xã trên địa bàn tỉnh năm 2011 cho thấy, số hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản là 244.947 hộ, giảm 37.607 hộ so với năm 2006; số hộ sản xuất công nghiệp và xây dựng là 93.241 hộ, tăng 42.111 hộ so với năm 2006; số hộ làm dịch vụ là 76.633, tăng 29.407 hộ so với năm 2006. Tỷ trọng lao động trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh cũng có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng nhóm hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản giảm từ 68,5% (năm 2006) xuống còn 53,7% (năm 2011); tỷ trọng hộ sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng từ 12,4% (năm 2006) lên 20,4% (năm 2011); tỷ trọng hộ chuyển sang làm dịch vụ tăng từ 11,4% (năm 2006) lên 16,8% (năm 2011). Các địa phương có tỷ trọng hộ sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ cao là: Thành phố Nam Định 70,5%, huyện Trực Ninh 52%, huyện Xuân Trường 45,8%... Hầu hết các huyện từ làng nghề đã xây dựng được các CCN. Nhiều làng nghề ở các xã Yên Xá, Yên Ninh (Ý Yên) đã tổ chức nhiều CCN, điểm công nghiệp./.

(còn nữa)
Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com