Xây dựng nông thôn mới: Kết quả và những kinh nghiệm bước đầu (tiếp theo)

08:12, 28/12/2011

II - Những cách làm sáng tạo

Trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương trong tỉnh đã có cách làm hay, sáng tạo, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia tích cực.

Huyện Hải Hậu có 100% số xã, thị trấn tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015; tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ đều đạt khá. Đề án xây dựng NTM của 35/35 xã, thị trấn đều đã được UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên ở nhiều địa phương, số xã, thị trấn tham gia xây dựng NTM ít nhưng đến cuối tháng 10-2011 vẫn chưa có đơn vị được duyệt quy hoạch NTM và đề án xây dựng NTM, ngoài xã điểm của tỉnh. Cụ thể huyện Ý Yên cả 10 xã, thị trấn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đều chưa được UBND huyện phê duyệt quy hoạch xây dựng NTM và đề án xây dựng NTM; 3 xã xây dựng NTM của huyện Mỹ Lộc; 6 xã, thị trấn của huyện Xuân Trường; 7 xã, thị trấn của huyện Giao Thuỷ chưa được duyệt quy hoạch xây dựng NTM, đề án xây dựng NTM. Để triển khai xây dựng NTM đạt hiệu quả cao, Huyện ủy Hải Hậu đã ban hành 3 nghị quyết, 6 đề án để chỉ đạo xây dựng NTM. UBND huyện đã ban hành quy định các tiêu chí xây dựng thôn, xóm, tổ dân phố NTM để làm căn cứ cho từng đơn vị phấn đấu, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích, khen thưởng thi đua xây dựng NTM. Tập trung cao thực hiện xây dựng NTM từ phát triển sản xuất, từ đồng vào làng, triển khai đồng bộ tất cả xã, thị trấn thực hiện đề án DĐĐT (trừ 2 xã làm muối) để vừa quy hoạch vùng sản xuất, chỉnh trang đồng ruộng, vừa quy hoạch gọn quỹ đất công, vận động nhân dân góp đất để xây dựng công trình giao thông, thủy lợi nội đồng. Huyện còn huy động các tổ chức đoàn thể chính trị vào công cuộc xây dựng NTM như: MTTQ chủ trì, phối hợp các tổ chức thành viên vận động nhân dân tham gia xây dựng xóm NTM, gia đình NTM; Hội Cựu chiến binh đẩy mạnh hoạt động của nhà văn hóa xóm, tổ dân phố; Hội Nông dân vận động hội viên góp đất, góp vốn xây dựng đường giao thông nông thôn, xóm và giao thông nội đồng; Hội Phụ nữ đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, khu dân cư thôn, xóm; Đoàn Thanh niên tập trung công tác hướng nghiệp, dạy nghề và việc làm cho thanh niên…

Nạo vét kênh mương kết hợp làm giao thông xây dựng NTM ở xã Nam Thái (Nam Trực).
Nạo vét kênh mương kết hợp làm giao thông xây dựng NTM
ở xã Nam Thái (Nam Trực).

Huyện Nghĩa Hưng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn chủ động cân đối nguồn lực, lập đề án xây dựng NTM phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đảm bảo tính khả thi của đề án. UBND huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn xây dựng quy chế huy động vốn đóng góp của nhân dân phù hợp với từng loại công trình. Công trình đường giao thông xóm, trường học, trạm y tế, huy động vốn của các nhà tài trợ, vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, vốn chương trình mục tiêu và vốn ngân sách xã… Công trình đường giao thông thôn, xóm, nhà văn hóa ở các khu dân cư, công trình giao thông, thủy lợi nội đồng huy động nhân dân đóng góp 50%, ngân sách cấp trên hỗ trợ và ngân sách xã đảm nhiệm 50%; công trình đường dong, ngõ xóm nhân dân đóng góp 100% có thể bằng tiền hoặc nhân công. UBND huyện chỉ đạo các xã xây dựng NTM triển khai DĐĐT, vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông ở các khu dân cư; hướng dẫn các xã, thị trấn lập dự toán thiết kế và thanh toán các công trình huy động vốn đóng góp của nhân dân từ 50% trở lên chỉ lập dự toán chi phí trực tiếp vật liệu, nhân công, máy thi công và chỉ tính 1% chi phí quản lý công trình; tiền ngân sách hỗ trợ thanh toán theo hóa đơn mua vật tư, do vậy đã tiết kiệm được đáng kể chi phí gián tiếp và thuận tiện trong việc thanh, quyết toán công trình; tăng cường tham gia đóng góp, giám sát của nhân dân. Nhân dân tự nguyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; nhiều xã các chức sắc tôn giáo đã tích cực hưởng ứng, vận động các tín đồ đóng góp xây dựng NTM… Huyện Trực Ninh chủ động triển khai sớm công tác DĐĐT, huyện Xuân Trường chỉ đạo chặt chẽ lồng ghép quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp với quy hoạch xây dựng NTM; chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ; tích cực vận động những người con quê hương ở mọi miền Tổ quốc đóng góp kinh phí, nguồn lực phát động phong trào chung sức xây dựng NTM…

Với phương châm xây dựng NTM từ sản xuất, từ ngoài đồng về làng, xã Hải Lộc (Hải Hậu) ngay trong vụ mùa năm 2009 khi vừa hoàn thành thu hoạch lúa đã vận động nông dân làm giao thông nội đồng theo tiêu chí NTM. Đến nay xã đã hoàn thành công trình giao thông nội đồng, với chiều dài 4km phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, tiện cho thủy lợi nội đồng. Cùng với xây dựng trục giao thông nội đồng, xã Hải Lộc đã quy hoạch 1 vùng sản xuất hàng hóa tập trung 120ha với hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng hoàn chỉnh để thâm canh các giống lúa năng suất chất lượng cao. Ngay trong vụ xuân 2010, nông dân trong xã đã áp dụng phương pháp gieo sạ hàng, cho hiệu quả cao và mở rộng diện tích cây trồng vụ đông ngay trong vụ đông 2010, đồng thời duy trì phương thức sản xuất 3 vụ trong một năm để tạo việc làm, tăng sản phẩm hàng hóa và tăng thu nhập cho nông dân. Từ kinh nghiệm làm đường giao thông nội đồng phục vụ cơ giới hóa và khoanh vùng sản xuất chuyên canh ở Hải Lộc, trong các chiến dịch làm thủy lợi nội đồng vụ đông-xuân 2010-2011, 2011-2012 các địa phương trong tỉnh đều áp dụng việc nạo vét kênh mương kết hợp với làm giao thông nội đồng.

Xác định DĐĐT là khâu đột phá để xây dựng NTM, xã Trực Nội (Trực Ninh) đã triển khai DĐĐT ngay trong năm 2010 để tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa như vùng sản xuất giống lúa lai cả 2 vụ xuân, mùa và chính vùng này với cây dưa chuột trung tử, bao tử phục vụ chế biến xuất khẩu đã tạo ra thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Với cách làm lấy thôn, đội làm đơn vị dồn đổi; các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; chính quyền tổ chức thực hiện kiên quyết, dân chủ, công khai có lý, có tình nên được nông dân đồng thuận. Sau DĐĐT Trực Nội đã giảm số thửa từ 3,5 thửa/hộ xuống còn 1,8 thửa/hộ và vận động được nông dân hiến đất để làm thủy lợi nội đồng, giao thông nội đồng thực sự mang lại hiệu quả cao. Riêng nông dân hiến đất, cả xã đã được 190 nghìn m2, trị giá 38 tỷ đồng. Kinh nghiệm DĐĐT của xã Trực Nội mở ra hướng mới cho các địa phương khác vận dụng để DĐĐT tại địa phương mình. Chính từ kinh nghiệm này, năm 2011 cả tỉnh có 30 xã, thị trấn tổ chức DĐĐT thành công.

Bài toán mở nghề mới để chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động làm nông nghiệp sang làm CN-TTCN theo tiêu chí NTM được các xã thuần nông Hải Đường (Hải Hậu), Hiển Khánh (Vụ Bản)… có bước đi ban đầu khá vững chắc. Xã Hải Đường, Cty CP Đầu tư Hải Đường sau 4 tháng triển khai với tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng xong nhà máy số 1 và tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp đã thu hút 420 lao động từ nông nghiệp sang nghề may với mức thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng, ổn định lâu dài. Xã Hiển Khánh có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn xã để giải quyết việc làm cho nông dân. Đến nay đã có 3 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn xã với nghề may công nghiệp, thu hút và tạo việc làm ổn định cho 242 lao động với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng; nghề sản xuất VLXD tạo việc làm cho trên 200 lao động, thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng… Kinh nghiệm từ những xã xây dựng NTM như Hải Đường, Hiển Khánh…, UBND tỉnh đã quyết định khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn với nhiều ưu đãi và cơ chế thông thoáng thực sự có sức hút đối với các doanh nghiệp đầu tư giải quyết lao động cho nông dân theo định hướng "ly nông bất ly hương" để xây dựng NTM.

Để tạo ra nguồn vốn xây dựng NTM ngoài đóng góp của nhân dân địa phương, hiến đất làm ruộng…, nhiều xã còn kêu gọi con em của quê hương đang làm ăn ở khắp mọi miền Tổ quốc và nước ngoài hỗ trợ đóng góp để xây dựng quê hương. Ở xã Trực Nội, con em quê hương đã đóng góp 10,55 tỷ đồng, xã Hiển Khánh huy động 4,66 tỷ đồng, xã Yên Phú huy động 2 tỷ đồng, xã Xuân Kiên huy động 5 tỷ đồng… đóng góp về quê xây dựng NTM. Xã Giao Hà huy động 3,2 tỷ đồng từ vốn WB, xã Hiển Khánh huy động 2 tỷ đồng từ vốn tài trợ của Nhật Bản để xây dựng NTM… Những sáng kiến, cách làm hay của từng địa phương đã thực hiện thành công trong công cuộc xây dựng NTM, tới đây tỉnh sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng để các địa phương thực hiện./.

Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com