Thực hiện chính sách lao động nữ, góp phần thực hiện bình đẳng giới

09:12, 16/12/2011

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp may trong tỉnh bị xáo trộn lao động do hầu hết công nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nuôi con thơ. Tại Cty CP May Trường Tiến (CCN Xuân Tiến - Xuân Trường), nhiều công nhân nữ sau khi nghỉ chế độ thai sản vẫn chưa thể đi làm vì nhà xa hoặc không có người trông con nên phải nghỉ làm. Trước tình hình đó, lãnh đạo Cty đã đầu tư xây dựng nhà trông giữ con em công nhân tại Cty, vừa tạo điều kiện để công nhân nữ yên tâm sản xuất, vừa thuận tiện đưa đón con.

Tình trạng thiếu nhà ở, nhà trẻ, trường học… ở các khu, CCN tập trung đang là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp và nhà quản lý xã hội. Lao động nữ trong các doanh nghiệp, đặc biệt các ngành dệt may, sản xuất nến, giày da… luôn chiếm tỷ lệ cao và đều trong độ tuổi kết hôn, nuôi con nhỏ. Công nhân trong các khu, CCN phải thuê nhà trọ với giá cao so với mức thu nhập, nên để tiết kiệm chi tiêu, chị em thường chung nhau thuê những căn phòng chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu nước sạch, điều kiện an ninh, trật tự không đảm bảo, trong khi đó thời gian làm việc kéo dài, các phương tiện đáp ứng nhu cầu tinh thần, vật chất hạn chế, nên lao động nữ ít có điều kiện giao lưu tiếp cận thông tin, kiến thức văn hoá, xã hội…

Nhà trẻ cho con em công nhân Cty CP May Trường Tiến (CCN Xuân Tiến, Xuân Trường).
Nhà trẻ cho con em công nhân Cty CP May Trường Tiến
(CCN Xuân Tiến, Xuân Trường).

Nữ CN-VCLĐ chiếm tỷ lệ không nhỏ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nên việc thực hiện các chính sách lao động đối với lao động nữ góp phần phát huy quyền bình đẳng của phụ nữ. Lao động nữ tham gia ngày càng nhiều, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực kinh tế có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và khu vực dịch vụ... Trên thực tế, nhiều chế độ chính sách đối với lao động nữ đã được thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật lao động của CBCNVC-LĐ và người sử dụng lao động đối với lao động nữ. Tuy nhiên, tại nhiều đơn vị người sử dụng lao động còn vi phạm quyền lợi của lao động, nhất là lao động nữ như không ký hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, chưa thực hiện các quy định về VSATLĐ, điều kiện môi trường lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, chậm trả lương, nợ BHXH-BHYT, không thực hiện chính sách cho lao động nữ mang thai, nghỉ đẻ, nuôi con… khiến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lao động nữ không được bảo vệ. Nguyên nhân của những vi phạm và hạn chế trong thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ trước hết do công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn hạn chế việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm thiếu kịp thời, nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động nói chung, lao động nữ nói riêng còn hạn chế, nội dung và phương thức tuyên truyền chưa phù hợp. Một số quy định pháp luật không còn phù hợp hoặc khó khả thi. Chẳng hạn quy định về thời gian nghỉ cho con bú hoặc vệ sinh đối với lao động nữ ở các doanh nghiệp sản xuất theo dây chuyền gặp khó khăn, khi thiếu người dây chuyền sản xuất ngắt quãng, tác động trực tiếp đến hiệu quả, năng suất lao động. Ngoài ra, phần lớn các cơ sở sử dụng lao động nữ trả lương theo sản phẩm nên lao động nữ nghỉ việc đều không được thể hiện trong tiền lương mặc dù, theo pháp luật lao động nữ vẫn được hưởng. Một số chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ như chính sách về tín dụng, chính sách miễn giảm thuế hàng năm nhưng trên thực tế, các chính sách này ít được doanh nghiệp quan tâm. Ở các Cty may mặc, chế biến hải sản… chủ yếu là lao động nữ, có thời điểm hàng chục lao động nữ nghỉ sinh con, nên số tiền ưu tiên không đủ để doanh nghiệp trả chế độ cho lao động nữ.

Để các quy định pháp luật về lao động đặc biệt là lao động nữ được thực thi trong cuộc sống, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp và người lao động nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ được pháp luật bảo vệ. Các tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nữ phải hướng dẫn và giúp người lao động bảo vệ quyền lợi của mình. Mặt khác, cần có quy định xử lý nghiêm các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện các quy định pháp luật sử dụng lao động./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com