Xây dựng nông thôn mới: Để nông dân làm chủ

08:12, 16/12/2011

"Người dân hoàn toàn có thể làm chủ nông thôn của mình được, chúng ta phải tạo điều kiện, cơ chế cho dân làm chủ, phải chuyển từ việc Nhà nước làm thay cho nông dân thành nông dân làm thay cho Nhà nước". Nguyên Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Hồ Xuân Hùng đã cho biết như vậy tại Hội thảo khoa học “Xây dựng nông thôn mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới

Đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT khẳng định: Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là Nghị quyết mang tính toàn diện và đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta từ trước đến nay. Vì vậy, được nhân dân cả nước, nhất là cư dân nông thôn tích cực đón nhận, kỳ vọng về một thời kỳ với tương lai phát triển mạnh mẽ. Nhiều nội dung của nghị quyết khi được triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và tạo sự chuyển biến rõ rệt, nhất là những nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; vấn đề an sinh xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc sống xây dựng nông thôn mới (NTM).

Làng Văn hóa Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực). Ảnh: Thu Hà
Làng Văn hóa Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực). Ảnh: Thu Hà

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chia sẻ, trong quá trình xây dựng NTM, Nam Định đã thực hiện làm từ đồng ruộng vào làng, từ xóm lên xã, các công trình chính của xã do xã chủ động xây dựng, các thôn xóm chủ động vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xóm. Các hộ dân tự lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ và 3 công trình vệ sinh của gia đình.Từ cách làm đó, đến nay tỉnh Nam Định đã triển khai xây dựng NTM điểm ở 10/209 xã. Cũng trong thời gian ngắn, tỉnh Nam Định đã huy động được trên 205 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp được gần 85 tỷ đồng và hiến 21,6ha đất. “Tuy nhiên, nhận thức của một số cán bộ, nhân dân về chương trình này vẫn còn chưa đầy đủ. Do đó, tiến độ triển khai nội dung xây dựng NTM ở một số xã còn chậm, chưa thực sự sôi động. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ nguồn lực hơn nữa cho NTM”.

Theo đồng chí Hà Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù “vào cuộc” chậm, nhưng tỉnh Vĩnh Phúc cũng đặt ra kế hoạch xây dựng NTM ở cả 112 xã trên địa bàn, trước mắt làm điểm ở 20 xã với ngân sách hỗ trợ mỗi xã làm điểm từ 3-5 tỷ đồng trong 2 năm. Thời gian đầu, tỉnh Vĩnh Phúc tập trung quyết liệt vào thực hiện công tác quy hoạch, sau đó mới tiến hành xây dựng NTM cho các xã. Song điều quan trọng là, cần có cơ chế tạo động lực cho người dân để họ được làm chủ trong quá trình xây dựng NTM. Từ đó Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 47% số xã đạt NTM.

Xác định nông dân làm chủ

PGS-TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, xây dựng NTM ở Việt Nam đang gặp phải 2 mâu thuẫn lớn, đó là mâu thuẫn giữa sản xuất nhỏ với thị trường lớn, mâu thuẫn giữa hiệu quả thấp với rủi ro cao. Vì thế cần có chính sách, biện pháp giải quyết tốt các mâu thuẫn trên để thu hút doanh nghiệp đầu tư về nông thôn. “Vấn đề bây giờ là làm thế nào để tiếp tục quán triệt nghị quyết tới cán bộ, người dân từ Trung ương tới địa phương một cách tốt nhất, tạo ra sự hưởng ứng sâu rộng trong toàn xã hội về xây dựng NTM. Làm sao để đẩy nhanh việc ban hành và hướng dẫn thực hiện đồng bộ các chính sách để tháo gỡ những vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đồng thời tìm ra những giải pháp đột phá, khả thi và lâu dài”.

TS.Trần Ngọc Tuệ, Viện KHXH-NV quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết: Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về xây dựng NTM, cần tập trung giải quyết tốt việc quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn, bao gồm cải tạo các làng cũ, xây dựng làng mới, quy hoạch tổng thể các xã, làng nhằm tiến tới góp phần thu hẹp chênh lệch về điều kiện sống, lao động giữa đô thị và nông thôn.

Đồng chí Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN và PTNT nhận định: Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại là nội dung vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài. Trong quá trình tổ chức cuộc vận động phải nhận thức được vị thế chủ thể của người nông dân (vị thế chính trị, kinh tế). Đây là nhóm dân số đông nhất nước ta hiện nay và nông thôn cũng là khu vực rộng lớn nhất, đa dạng cư dân, đa dạng văn hóa truyền thống… nên cần có cách tổ chức vận động phù hợp. Quyết định lựa chọn một cách khoa học, sát thực tế với từng địa phương những nội dung, việc cần ưu tiên làm trước. Trong đó, kiên trì quy hoạch và bổ sung quy hoạch lại nông thôn theo tiêu chí NTM và phải đi trước một bước. Từ quy hoạch tổng thể, phân khu chức năng đến quy hoạch chi tiết, tôn trọng quá trình tích lũy nhiều đời quy hoạch làng quê Việt Nam. Hạn chế tối đa gây xáo trộn, tốn kém gây tâm lý không tốt, không thiết thực khi làm quy hoạch hoặc gây ảo tưởng trong dân. Đồng chí Hồ Xuân Hùng cho biết: “Chính vì vậy, trong quá trình triển khai, chúng ta vừa làm, vừa dò, vừa đi và vừa mở đường mà chưa có lý luận. Cho nên, tới đây khi Ban Bí thư tổng kết thực hiện Chương trình xây dựng NTM thí điểm ở 11 xã là rất quan trọng, để đúc rút ra được những kinh nghiệm, đồng thời cũng đề ra các giải pháp cần thực hiện. Để nông dân là chủ thể chúng ta phải bắt đầu từ đâu và cần phải làm gì để nông dân được làm chủ. Nếu chúng ta không làm sáng tỏ điều này thì sẽ chỉ là khẩu hiệu”./.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com