2011 - Năm rộng đường đầu tư, tăng tốc phát triển

09:12, 30/12/2011

Năm 2011 là năm có nhiều khó khăn nhưng ngay cuối quý III đã có những chỉ số kinh tế của cả năm về đích cả 15 chỉ tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh đều đạt và vượt đích đề ra. Nguyên nhân tạo ra sự chuyển biến toàn cục bắt nguồn từ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc ban hành các cơ chế chính sách, tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư.

Những con số ấn tượng!

Năm 2011 là năm đầu tiên Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII với quyết tâm, hướng đến mục tiêu ngay nhiệm kỳ đầu thập kỷ sẽ có chuyển biến đột phá về kinh tế - xã hội để khẳng định vị thế trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, tình trạng lạm phát kéo dài nhưng vượt qua thách thức dưới sự tập trung lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì cả 15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của tỉnh đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Ấn tượng nhất là 8 chỉ tiêu về kinh tế đều đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu trọng tâm, quan trọng có mức vượt cao. Tổng sản phẩm GDP đạt 11.710 tỷ đồng và có tốc độ tăng 12,1%. GDP bình quân đầu người đạt 19,2 triệu đồng/người. Thu ngân sách từ kinh tế trên địa bàn cả năm đạt 1.730 tỷ đồng. Đến cuối năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 12,2 nghìn tỷ đồng, vươn tới mức tăng trưởng 21,5%. Trong đó, có 23/25 ngành sản xuất và 27/34 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Giá trị hàng xuất khẩu đạt 322 triệu USD so với chỉ tiêu đề ra là 280 triệu USD. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt gần 14,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1% so với cùng kỳ, trong đó tốc độ tăng giá trị ngành dịch vụ đạt 11%... Điểm nhấn lớn nhất của năm 2011 về kinh tế được xác định là lĩnh vực đầu tư phát triển. Đồng chí Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Lần đầu tiên nguồn vốn đầu tư tại tỉnh ta đạt mức như hiện nay, lên tới 15,2 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn dồi dào là yếu tố tiên quyết để UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và thành công việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai, nhất là các dự án lớn như Quốc lộ 21 Nam Định, Thịnh Long, đường 490C, đường mới Nam Định - Phủ Lý, Bệnh viện Đa khoa 700 giường, đê kè sông, biển và các công trình nâng cấp đô thị Thành phố Nam Định…”. Đến cuối năm, hầu hết các công trình này đều cơ bản hoàn thiện, tạo ra sự thay đổi cả về hình ảnh và nhận thức về một Nam Định đang trên đà đổi mới, phát triển. Nguyên nhân có được nguồn vốn đầu tư lớn trên trong điều kiện Chính phủ hạn chế đầu tư công xuất phát từ việc UBND tỉnh đã có giải pháp hiệu quả chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện và tích cực giúp đỡ doanh nghiệp huy động triệt để các nguồn vốn. Bởi vậy, trong tổng vốn đầu tư 15,2 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước chỉ có 7.000 tỷ đồng, trong khi đó vốn dân doanh đạt tới 7.900 tỷ đồng, các nguồn vốn khác 300 tỷ đồng. Trong khi nguồn vốn Nhà nước được tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ các công trình nâng cấp hạ tầng thì nguồn vốn dân doanh từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân thể hiện vai trò thúc đẩy các ngành kinh tế của tỉnh phát triển. Theo báo cáo của Sở KH và ĐT, trong năm có thêm 560 doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh với tổng vốn đăng ký 2.250 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp của tỉnh lên 4.400 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 35.150 tỷ đồng. Cùng với số lượng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, đưa nguồn vốn lớn vào hoạt động còn có sự thúc đẩy từ phía các nhà đầu tư tại tỉnh. Đến hết năm, thống kê toàn tỉnh có 156 dự án gồm 138 dự án trong nước và 18 dự án nước ngoài đầu tư vào các KCN của tỉnh. Trong đó đã có 96 dự án đầu tư đã sản xuất, kinh doanh ổn định, đạt giá trị sản xuất 2.300 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 23 nghìn lao động. Tại các CCN cũng thu hút được 401 dự án với tổng vốn đầu tư 2.307 tỷ đồng. Đã có trên 50% các dự án tại các CCN đi vào hoạt động với giá trị sản xuất đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12 nghìn lao động. Chính sự tăng trưởng của doanh nghiệp và hiệu quả của các dự án đầu tư trên là động lực cơ bản tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh và tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh đạt 21,5%. Sản phẩm tăng, kéo theo thương mại, dịch vụ tăng trưởng. Đồng chí Trịnh Quang Hưng, TUV, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: “Nguồn vốn đầu tư phát triển lớn, trong đó trực tiếp là vốn đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng tiến là nguyên nhân chính đưa nguồn thu ngân sách của tỉnh tăng tiến, về đích trước thời hạn đề ra 4 tháng!”.

Một góc Thành Nam (ảnh: Internet).
Một góc Thành Nam (ảnh: Internet).

Thênh thang “thảm đỏ”!

Lý giải về việc nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2011 tăng đột biến, trong điều kiện khó khăn, đồng chí Ngô Quang An, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở KH và ĐT cho biết: “Ngay từ đầu năm tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải cải cách toàn diện, mạnh mẽ các cơ chế đầu tư, đồng thời ban hành hàng loạt những chính sách, cơ chế thu hút đầu tư mới. Có thể khẳng định năm 2011 là năm tỉnh ta mở rộng cửa, trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư nên đã kéo dòng đầu tư chảy mạnh về tỉnh trong suốt cả năm, đưa nguồn vốn thu hút tại tỉnh lên mức đột biến như trên!”.

Từ trước năm 2011 trên địa bàn tỉnh đã có 10 lĩnh vực ưu đãi đầu tư và các mức ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, công tác cải cách toàn diện hệ thống các thủ tục hành chính và đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư được tỉnh ta chú trọng từ rất sớm. Đánh giá của Bộ Nội vụ cho thấy Nam Định là địa phương dẫn đầu trong cả nước về tiến độ, chất lượng triển khai các mô hình một cửa ở tất cả các cấp, ngành, địa phương về thực hiện Quyết định số 181/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa”. Trung tâm “một cửa” của Sở KH và ĐT được UBND tỉnh “ưu tiên” đầu tư, là một trong các trung tâm hoạt động sớm nhất trong khối các sở, ban, ngành của tỉnh với trọng tâm nhiệm vụ là cấp giấy phép kinh doanh và giải quyết các thủ tục đầu tư. Từ ngày 1-1-2009, trung tâm “một cửa” này đã thực hiện liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Khi đăng ký kinh doanh, các doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ phải đến lần đầu làm thủ tục và sau đó đến nhận kết quả. Trung tâm có trách nhiệm liên hệ, trực tiếp hoàn thiện thủ tục ở các cơ quan chức năng liên quan khác. UBND tỉnh và Sở Nội vụ đã thiết lập đường dây nóng để giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, phiền hà cho người làm thủ tục… Từ sự thuận lợi này, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Số lượng các nhà đầu tư, các dự án đầu tư vào tỉnh ngày càng lớn. Minh chứng cụ thể là đến năm 2010, KCN Hòa Xá đã được lấp đầy với trên 100 dự án đầu tư.

Bước đột phá lớn, thể hiện cao nhất thái độ nỗ lực thu hút đầu tư của tỉnh được thực hiện vào giữa tháng 7-2011. Xác định thu hút đầu tư mang ý nghĩa then chốt trong nâng cấp cơ sở hạ tầng, có vai trò quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên ngày 13-7-2011, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: “Phải cải cách hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư!”. Ngay sau đó, thông qua rà soát thực tế giải quyết các thủ tục hiện nay, tỉnh đã đưa ra quyết định mang tính đột phá chưa từng có về thời gian giải quyết trong tất cả các lĩnh vực về thủ tục đầu tư. Với mức rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục từ khoảng 30% đến trên 50% như trên, quyết định này đưa tỉnh ta lên vị trí dẫn đầu toàn quốc về rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư. Cũng ngay thời điểm này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh còn trực tiếp đưa ra các quyết định mang tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào tỉnh. Đó là chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thực hiện công khai thủ tục, công khai thời gian thực hiện thanh toán vốn đầu tư. Yêu cầu, giao trách nhiệm cho các ngành chức năng phối hợp tạo điều kiện giúp đỡ, nâng cao chất lượng hoạt động của các chủ đầu tư, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh… Và đến cuối tháng 8-2011, lần đầu tiên tỉnh ta tổ chức hội nghị đối thoại, bàn bạc trực tiếp giữa các ngành, doanh nghiệp về giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Ngành KH và ĐT đã xây dựng nhóm 8 giải pháp hỗ trợ toàn diện doanh nghiệp trong thực hiện đăng ký kinh doanh để cải thiện chỉ số gia nhập thị trường. UBND tỉnh đã công bố các quyết định tiếp tục giảm từ 20% đến 65% thời gian thực hiện thủ tục hành chính của 20 thủ tục về xây dựng cơ bản, 18 thủ tục về lĩnh vực đất đai; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 86 thủ tục về lĩnh vực giao thông vận tải. Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân ngày 12-10-2011, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư công nghệ cao, vốn lớn với những ưu đãi về thủ tục, tiến độ, hỗ trợ tài chính và hoàn thành dự thảo, chuẩn bị ban hành có cơ chế khuyến khích đầu tư về nông thôn. Ngay tại hội nghị, đã có 14 nhà đầu tư lớn ký biên bản ghi nhớ đầu tư. Ngày 21, 22-11-2011, đã có hai nhà đầu tư thực hiện ghi nhớ đầu tư của mình là Cty CP Đầu tư Vicomien với dự án “Tổ hợp điện gió 100MW” và Tập đoàn Dệt may Việt Nam với dự án “Khu đô thị máy dệt Nam Định”. Báo cáo của Ban quản lý các KCN tỉnh về kết quả các cuộc thực hiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản và một số địa phương trong nước vào những tháng cuối năm 2011 cho thấy Nam Định đã được quan tâm, trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư của toàn quốc…

Hoàng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com