Phát triển, nhân rộng làng nghề trong "Xây dựng nông thôn mới"

02:08, 23/08/2010

Việc phát triển các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn từ lâu đã được tỉnh ta xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn. Hiện nay, cùng với việc tập trung triển khai Đề án thí điểm "Xây dựng nông thôn mới", việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn càng trở nên cần thiết và cần có các giải pháp đồng bộ, lâu dài, hiệu quả nhằm góp phần hiện thực hoá các mục tiêu xây dựng nông thôn mới…

Lợi thế từ làng nghề

Sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ ở làng nghề Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên).  Ảnh: Thu Hà
Sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ ở làng nghề Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên). Ảnh: Thu Hà
Một trong những mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới là "Xây dựng nông thôn mới có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch…". Hướng theo mục tiêu đó, tỉnh ta đang có những tiền đề thuận lợi từ các làng nghề. Nằm ở trung tâm vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng, Nam Định là một trong những vùng đất cổ. Bên cạnh truyền thống thâm canh sản xuất nông nghiệp, trong quá trình mưu sinh, người dân sớm biết học hỏi, hình thành thêm nhiều nghề thủ công. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 94 làng nghề và rất nhiều làng có nghề. Nhiều làng nghề có lịch sử hình thành, phát triển hàng trăm năm, một số làng nghề mới được khôi phục… Các làng nghề được phân bố khá đều ở các địa phương trong tỉnh. Bình quân mỗi huyện trong tỉnh có khoảng 10 làng nghề. Mỗi địa phương có các nghề truyền thống với những thế mạnh, nét riêng độc đáo. Trong đó, các nghề dệt, cơ khí, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản… Với bề dày truyền thống cùng với các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước, hầu hết các làng nghề trong tỉnh đều được duy trì, mở rộng phát triển sản xuất và đa dạng hoá các sản phẩm để tìm được "chỗ đứng" trong thị trường. Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm của nhiều làng nghề trong tỉnh còn được xuất khẩu. Đến nay, ngoài hơn 18000 hộ sản xuất, tại các làng nghề trong tỉnh đã thành lập 143 doanh nghiệp, 15 HTX, tạo việc làm tại chỗ cho gần 50 nghìn lao động khu vực nông thôn. Ở các địa phương có làng nghề, ngành nghề phát triển, mức sống của người dân thường cao hơn nhiều lần so với mặt bằng chung. Nằm trong định hướng phát triển CN-TTCN của tỉnh, những năm qua, các huyện, thành phố trong tỉnh đã có những chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ, tạo điều kiện để các làng nghề mở rộng, phát triển sản xuất. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 20 CCN làng nghề, thu hút 372 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 1300 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất của các CCN đạt gần 1100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12000 lao động ở khu vực nông thôn. Mặc dù phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường song nhìn chung các làng nghề đang là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội ở địa bàn nông thôn phát triển, nhất là hiệu quả xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Cùng với những bước tiến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, hiệu quả các làng nghề đang mang lại là những tiền đề thuận lợi để tỉnh ta bắt tay triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn theo các tiêu chí mới…

Để nhân rộng ngành nghề ở nông thôn

Với những hiệu quả kinh tế - xã hội các làng nghề đang mang lại cho thấy sự cần thiết phải phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Càng cần thiết hơn khi xét về số lượng số các làng nghề, làng có nghề vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số các đơn vị thôn, làng trong tỉnh. Hầu hết các làng quê trong tỉnh vẫn còn là làng thuần nông, tốc độ phát triển kinh tế chậm, cơ cấu kinh tế đơn điệu, tỷ lệ lao động không có nghề, thiếu việc làm còn cao. Để đảm bảo cuộc sống, rất đông lao động khu vực nông thôn trong tỉnh đang phải tìm cách "đổ" về các đô thị tìm kiếm việc làm thêm, để lại nhiều hệ lụy xã hội phức tạp… Tuy nhiên, để duy trì được nghề mới ở một địa phương không đơn giản, đòi hỏi phải có một kế hoạch tổng thể, trong đó không thể bỏ qua các khâu: Khảo sát khả năng, nhu cầu của các địa phương; công tác dạy nghề, truyền nghề; tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, trong đó khâu đào tạo, truyền nghề có vai trò đặc biệt quan trọng. Hiện tỉnh ta đang tập trung triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn lao động có nhu cầu học nghề, tập trung ở khu vực nông thôn. Lao động ở nông thôn rất đa dạng, nhu cầu, khả năng nhận thức, độ tuổi… khác nhau. Chính vì vậy, việc tổ chức dạy nghề theo hình thức tập trung, trường lớp bài bản sẽ không phát huy hiệu quả. Hình thức phù hợp nhất là tổ chức dạy nghề ngay tại địa bàn dân cư nơi người dân sinh sống, dạy nghề gắn liền với sản xuất, vừa học vừa làm; phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ lành nghề… Với hình thức này, mỗi năm, Trung tâm dạy nghề công lập huyện Nghĩa Hưng đã dạy nghề cho gần 2000 lao động nông thôn trong huyện. Cũng với phương châm "dạy nghề tại chỗ", "cầm tay chỉ việc", 5 năm qua, trung tâm đã góp phần phát triển, nhân cấy thành công nghề trồng nấm, một nghề có chi phí sản xuất thấp, tận dụng được các phế phẩm nông nghiệp, hiệu quả kinh tế cao ở 14 xã, thị trấn trong huyện. Cùng với các khâu dạy nghề, tổ chức sản xuất, khâu tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa quyết định sự tồn tại phát triển của ngành nghề. Thực tế cho thấy, các hộ sản xuất ở làng nghề không thể tự tiêu thụ sản phẩm mà cần phải có các doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra đảm nhận khâu này. Tiêu biểu là việc nhiều làng nghề dệt trong tỉnh thời gian qua đã khôi phục, phát triển, mở rộng sản xuất là nhờ có các doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối thu mua sản phẩm. Điều đó cho thấy cần phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề ở nông thôn.

Từ những phân tích trên cho thấy, để đạt được các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc phát triển, nhân rộng các làng nghề, ngành nghề nông thôn cần phải có quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương cần tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển CN-TTCN, thành lập các ban chỉ đạo phát triển CN-TTCN, ngành nghề ở các xã, thị trấn. Tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN đã được ban hành. Lựa chọn, xác định được ngành nghề địa phương có tiềm năng lợi thế. Tranh thủ, tập trung các nguồn lực về đầu tư, phát triển ngành nghề ở địa phương. Chú trọng công tác đào tạo, truyền nghề cho người lao động. Đặc biệt, cần khuyến khích thành lập các doanh nghiệp đầu mối, đảm nhận khâu tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn./.

Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com