Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Đánh thức thị trường nội

11:08, 18/08/2010

Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của Cty cổ phần may Việt Tiến tại TP Nam Định.  Ảnh: Dương Đức
Cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của Cty cổ phần may Việt Tiến tại TP Nam Định.                                                                         Ảnh: Dương Đức
Trong khi thị trường hàng tiêu dùng toàn thế giới bị ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng kinh tế thế giới thì chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Bộ Chính trị phát động đã đánh thức được sức tiêu dùng của thị trường nội địa. Sau một năm, nó đã tạo được hình ảnh mạnh mẽ về sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, tác động trực tiếp đến tâm lý người tiêu dùng Việt Nam.

Xoá bỏ nhiều nghịch lý

Ngay từ khi chương trình được khởi xướng đã nhận được sự hưởng ứng của chính quyền các cấp, doanh nghiệp Việt Nam và nhanh chóng tạo được hiệu ứng dây chuyền, tăng cường sức mua của thị trường nội địa. Theo nhận định của Bộ Công Thương, hàng hoá trong nước đã tạo được dấu ấn với người tiêu dùng trong nước; được trực tiếp tiếp cận với thương hiệu, doanh nghiệp Việt, có đủ thông tin để so sánh, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thì cái được nhất là nằm ở chỗ dần xóa bỏ được tâm lý "Người Việt thích xài hàng ngoại và doanh nghiệp nội chỉ thích sản xuất hàng xuất khẩu ra nước ngoài". Đó là một nghịch lý của thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam từ nhiều năm trở lại đây, khi có thời điểm hàng loạt các mặt hàng dệt may, thực phẩm của doanh nghiệp Việt trở nên yếu thế, thua ngay trên sân nhà. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Cty TNHH Nhà nước một thành viên Vissan cho rằng: "Khi thực hiện chương trình rồi mới thấy lợi thế lớn của doanh nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh cùng với các sản phẩm của người nước ngoài. Đây cũng chính là một nghịch lý mà bấy lâu nay các doanh nghiệp chưa nhận ra".

Cty cổ phần Honlei Việt Nam sản xuất linh kiện xe máy, 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 183 tỷ đồng, nộp ngân sách 5,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 200 lao động.    Ảnh: Đức Hoa

Cty cổ phần Honlei Việt Nam sản xuất linh kiện xe máy, 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 183 tỷ đồng, nộp ngân sách 5,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 200 lao động.

                                                                      Ảnh: Đức Hoa

Theo các chuyên gia kinh tế thì trong thế giới mềm hiện nay, tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm chính là quyền của con người. Do đó, việc tập trung cho chất lượng của các doanh nghiệp vào sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường nội địa là một trong những điểm nhấn chính của chương trình "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam". Nó dần xoá bỏ được cách làm đưa "đồ ngon" xuất khẩu, còn lại "hàng không ngon, kém chất lượng" mới tiêu thụ trong nước. Chính từ điều này, đã nhanh chóng điều chỉnh được tâm lý tiêu dùng Việt Nam. Một kết quả điều tra mới đây cho thấy, ở thời điểm trước khi triển khai chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" có đến 77% người tiêu dùng Việt ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài và chỉ có 23% người ưa chuộng thương hiệu trong nước. Sau một năm, con số này đã thay đổi khi có 58% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến hàng Việt.

Cơ cấu lại thị trường

Đến nay, chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tổ chức được 68 đợt bán hàng về nông thôn, với 857 lượt doanh nghiệp tham gia với 1124 gian hàng, thu hút hơn 4,7 triệu lượt khách hàng tham quan, mua sắm, tổng doanh thu đạt hơn 1467 tỷ đồng. Với vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng nông thôn, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cũng đã tổ chức hơn 40 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với gần 500 lượt doanh nghiệp tham gia. TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh chương trình "Bình ổn giá thị trường", hầu hết giá cả các mặt hàng của doanh nghiệp bán ra ổn định, gây được nhiều ấn tượng cho khách hàng.

Các doanh nghiệp có thương hiệu như Vissan, Bibica, Nutifood, Tân Hiệp Phát... đều có doanh thu tăng trưởng mạnh từ 25 đến 30%, thậm chí có doanh nghiệp tăng trưởng đến 50%. Do đó, đã không ít doanh nghiệp tính đến chuyện cơ cấu lại sản xuất các mặt hàng trên thị trường trong nước. Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Cty CP Bibica (Bibica) cho biết: "Trong thời gian tới, Bibica đã có kế hoạch tập trung hàng hoá chất lượng cao cho thị trường nội địa. Xuất khẩu sẽ chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng thể các loại sản phẩm thay cho tập trung hàng hoá xuất khẩu trước đây". Nói về định hướng cơ cấu lại thị trường nội địa, bà Trần Thị Lệ, Tổng Giám đốc Cty CP thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm cho rằng: "Không chỉ về chất lượng sản phẩm mà thẩm mỹ của người tiêu dùng đang ngày càng được nâng cao. Chất lượng bao giờ cũng cần hình thức kèm theo, do vậy cần tập trung cải tiến mẫu mã để lấy được niềm tin của khách hàng trong nước. Ngoài ra, cần nhạy bén nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng kết hợp với quảng cáo, khuyến mại, thuyết phục khách hàng bằng chính những ưu thế của sản phẩm".

Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể, giá nguyên phụ liệu đầu vào thiếu ổn định dẫn đến tình trạng sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp còn khá cao. Về điều này, ông Văn Đức Mười nói: "Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu chi phí khi nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, cần có chính sách rõ ràng để cuộc vận động đến với từng người tiêu dùng, từng người dân". Nhiều doanh nghiệp cho rằng Nhà nước cần xây dựng bản đồ hệ thống phân phối ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mở cửa hệ thống bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO từ 1-1-2009 giúp hàng hoá Việt Nam có thể bám rễ vững chắc tại thị trường nội địa. Ban Chỉ đạo cuộc vận động cần đề xuất, xây dựng phương án cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng được vay vốn ưu đãi; xây dựng phương án hoạt động thống nhất, tránh tình trạng tổ chức riêng lẻ của các địa phương./.

Thành Nam

(Bài đăng Báo Thời nay, số ra ngày 9-8-2010)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com