Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm

08:05, 15/05/2018

Trong xã hội hiện đại, các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính và các rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng. Các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm chủ yếu do hút thuốc lá (hoặc thuốc lào), thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý… Với mục tiêu khống chế, tiến tới giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, ngày 20-3-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/2015/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025. 

Cán bộ Trung tâm Y tế Vụ Bản khám bệnh cho người dân.
Cán bộ Trung tâm Y tế Vụ Bản khám bệnh cho người dân.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh; giao Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm đầu mối phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động như: Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh phòng chống tăng huyết áp, tim mạch; phối hợp với Bệnh viện Nội tiết tỉnh phòng chống đái tháo đường; phối hợp Bệnh viện Phổi tỉnh phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh phòng chống ung thư; phối hợp với Bệnh viện Tâm thần tỉnh bảo vệ sức khoẻ tâm thần. Sở Y tế cũng giao Phòng Nghiệp vụ y phối hợp với Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, rượu, bia. Từ năm 2016 đến nay, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn khám, quản lý điều trị tăng huyết áp cho 75 học viên; 2 lớp tập huấn khám, quản lý điều trị đái tháo đường cho 90 học viên; tổ chức 1 lớp tuyến tỉnh về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư cho 60 học viên và 1 lớp tuyến huyện cho 35 học viên; tổ chức 33 lớp tập huấn kiến thức cho 1.875 học viên là cán bộ y tế huyện, xã quản lý, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh và một số rối loạn tâm thần khác. Hiện tuyến tỉnh có 4.823 bệnh nhân đái tháo đường được quản lý điều trị; 2.021 bệnh nhân tăng huyết áp, tim mạch; 1.511 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính; 10.385 bệnh nhân bị tâm thần phân liệt, động kinh và một số rối loạn tâm thần được quản lý điều trị. Trung tâm Y tế tuyến huyện là đầu mối tổ chức triển khai các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm tại tuyến huyện và thực hiện kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã về chẩn đoán, điều trị, quản lý và dự phòng bệnh không lây nhiễm. Hiện cả 10 huyện, thành phố đã triển khai hoạt động quản lý bệnh nhân tăng huyết áp; có 4 huyện là Hải Hậu, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Trực Ninh đã triển khai quản lý bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản. 

Tuy nhiên hầu hết các trạm y tế tuyến xã hiện mới chỉ thực hiện quản lý và cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân tăng huyết áp, rối loạn tâm thần, chưa thực hiện quản lý và cấp thuốc điều trị phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản, đái tháo đường… Bên cạnh đó, khó khăn trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm hiện nay là các thông tin, số liệu về bệnh không lây nhiễm được thu thập riêng lẻ tuỳ theo từng chương trình, dự án, chưa kịp thời và đầy đủ, chưa có ứng dụng CNTT, phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm nên khó khăn cho việc theo dõi, quản lý điều trị bệnh. Các chương trình hoạt động mới tập trung chủ yếu vào quản lý và điều trị người bệnh, chưa chú trọng tới dự phòng phục hồi chức năng và giám sát theo dõi... Việc thực thi các chính sách, pháp luật liên quan tới bệnh không lây nhiễm chưa được tuân thủ tốt. Trong đó việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, khó kiểm soát việc kinh doanh, tiêu thụ rượu, bia, còn hạn chế trong kiểm soát việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm… Công tác thông tin, giáo dục truyền thông chưa hiệu quả, do vậy ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống tác hại thuốc lá, phòng chống tác hại rượu, bia của người dân chưa cao. Tỷ lệ người dân có kiến thức đúng về tự theo dõi phát hiện sớm bệnh, chăm sóc, theo dõi và tuân thủ điều trị còn thấp… Để tăng cường hiệu quả công tác dự phòng, phát hiện và quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, Sở Y tế cần tiếp tục củng cố, tăng cường hệ thống giám sát, phòng chống bệnh không lây nhiễm các tuyến, đặc biệt là tại các trạm y tế để tăng tỷ lệ phát hiện sớm. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế các tuyến về dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe; trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh thông qua các biện pháp kiểm tra sức khỏe đơn giản như đo huyết áp, xét nghiệm nhanh đường máu, sàng lọc ung thư…, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com