Hải Hậu triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè

08:05, 11/05/2018

Hiện nay thời tiết đang ở thời điểm giao mùa, diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh trước đây có nguy cơ quay trở lại như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, viêm não Nhật Bản, tiêu chảy cấp nguy hiểm… Trước tình hình đó, huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè.

Cán bộ Trạm Y tế xã Hải Vân tư vấn phòng chống dịch sốt xuất huyết cho người dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Hải Vân tư vấn phòng chống dịch sốt xuất huyết cho người dân.

Trung tâm Y tế Hải Hậu đã tham mưu cho UBND huyện rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai công tác phòng, chống dịch. Các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh được các tuyến y tế trên địa bàn huyện đẩy mạnh, nội dung khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, tránh; đặc biệt, chú trọng tuyên truyền những biện pháp phòng chống dịch. Để phòng chống dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế huyện khuyến cáo người dân đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng (bọ gậy) bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ khi không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Để phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân phải vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác. Đối với việc phòng chống bệnh sởi, chủ động đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng (từ 9-24 tháng tuổi) chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin sởi đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm phòng vắc-xin sởi theo kế hoạch. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi. Thường xuyên áp dụng các biện pháp dự phòng chung như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, đảm bảo các biện pháp về dinh dưỡng và các biện pháp dự phòng khác theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Đối với việc phòng bệnh viêm não Nhật Bản, ngoài việc tiêm vắc-xin phòng bệnh để tạo miễn dịch cho trẻ em, phải dùng hóa chất xua muỗi, màn chống muỗi, nhốt gia súc và làm chuồng gia súc cách xa nhà ở… Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện giám sát chặt chẽ việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện trong những ngày nắng nóng bất thường; chỉ đạo tuyến y tế cơ sở tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục củng cố, bố trí đủ, ổn định và nâng cao năng lực của các cán bộ y tế tham gia hệ thống giám sát dịch từ huyện đến thôn xóm; chuẩn bị sẵn trang thiết bị, vật tư, hoá chất cho công tác xử lý ổ dịch; phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế thôn, tổ dân phố, trường học,… trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch; phối hợp với ngành thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh dịch lây từ động vật sang người; dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Trong công tác thu dung điều trị bệnh nhân, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện và chỉ đạo các trạm y tế thực hiện tốt công tác chẩn đoán phân tuyến điều trị, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tập huấn phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc; phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đa khoa huyện trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm; tổ chức các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh dịch tại cộng đồng và tăng cường nhân lực cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Trung tâm Y tế huyện cũng tổ chức phổ biến, tập huấn cho thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp về công tác phòng chống dịch; tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên y tế cơ sở những kiến thức trong giám sát, phát hiện ca bệnh dịch; công tác khai báo, thông tin, báo cáo bệnh và trang bị kỹ năng truyền thông phòng chống dịch cho cộng đồng; thường xuyên cập nhật các quy định, quy trình về giám sát, xử lý dịch, phác đồ điều trị các bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập và triển khai tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế. Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế tham mưu cho UBND các xã, thị trấn tổ chức duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường để chủ động phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết; tổ chức các chiến dịch thu gom phế thải, phế liệu, diệt bọ gậy, phòng chống dịch sốt xuất huyết và vi-rút Zika trước, trong mùa dịch. Tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh lây truyền qua đường thực phẩm và thực hiện tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tích cực thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng đảm bảo các đối tượng được tiêm đủ mũi, đúng thời gian. Để đảm bảo hậu cần cho phòng chống dịch, Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, hoá chất, thuốc vắc-xin phòng dịch; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện bố trí đủ giường bệnh, dịch truyền, thuốc sẵn sàng cấp cứu, điều trị bệnh nhân hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch.

Ngoài những giải pháp trên, UBND huyện chỉ đạo các trạm thú y tăng cường kiểm tra, giám sát, chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia cầm và gia súc, kịp thời phát hiện các ổ dịch để dập dịch và xử lý triệt để không để lan rộng. Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã, thị trấn có kế hoạch cụ thể trong chương trình hành động để chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, khám chữa bệnh cho nhân dân; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp các trạm y tế tuyên truyền sâu rộng để chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường, thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com