Nhân rộng mô hình chăm sóc tật khúc xạ học đường

09:05, 11/05/2018

Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị) chưa được chỉnh kính là một nguyên nhân dẫn đến suy giảm thị lực, mù lòa và khuyết tật. Tật khúc xạ có thể phòng tránh được nếu như được điều trị kịp thời. Theo ước tính của Bệnh viện Mắt Trung ương, có khoảng trên 3 triệu trẻ em Việt Nam mắc tật khúc xạ, tuy nhiên phần lớn vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Tại tỉnh ta, trong số những trẻ mắc tật khúc xạ có tới 50-60% số em chưa được chỉnh kính hoặc chỉnh kính không đúng số ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển về thể chất.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu khám tật khúc xạ cho học sinh.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu khám tật khúc xạ cho học sinh.

Từ năm 2013 tỉnh ta đã được Tổ chức Hellen Keller International Việt Nam (HKI Việt Nam) chọn triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình Childsight - Chăm sóc Tật khúc xạ học đường”. Dự án được bắt đầu triển khai tại 19 trường THCS của huyện Vụ Bản, với 6.977 học sinh được khám sàng lọc thị lực miễn phí. Qua đó, đã phát hiện 1.242 em bị giảm thị lực, 1.097 em bị tật khúc xạ, 608 em được cấp kính mới và thay mắt kính, phát hiện 143 em có bệnh lý khác về mắt được giới thiệu khám chuyển tuyến. Năm 2014, trong khuôn khổ Dự án, Bệnh viện Mắt tỉnh đã triển khai khám tật khúc xạ cho học sinh của 18 trường THCS tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc và Thành phố Nam Định, với 3.678/11.384 học sinh được khám sàng lọc, trong đó 536 em được cấp kính mới. Năm học 2015, Dự án được triển khai tại các trường THCS trên địa bàn các huyện Trực Ninh, Hải Hậu với tổng số 13.462 em được khám sàng lọc thị lực; trong đó, huyện Trực Ninh có 811 em được xác định có tật khúc xạ; huyện Hải Hậu có 1.023 em bị tật khúc xạ. Năm 2016, Dự án tiếp tục được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng với tổng số 19.022 học sinh tại 50 trường THCS được khám sàng lọc thị lực, trong đó, tại huyện Nghĩa Hưng có 1.745/10.155 học sinh được xác định có tật khúc xạ, 775 học sinh sử dụng kính mới của dự án; tại huyện Hải Hậu, 1.515/8.867 học sinh xác định có tật khúc xạ, 582 em sử dụng kính mới của dự án. Năm 2017, Dự án được thực hiện tại 21 trường THCS trên địa bàn huyện Xuân Trường với 10.088 học sinh được khám sàng lọc, trong số đó có 2.694/10.088 xác định có tật khúc xạ, chiếm tỷ lệ 26,7%. Kết quả khám tật khúc xạ qua các năm cho thấy, ngoài việc phát hiện tật khúc xạ, trong số những học sinh đang đeo kính trước khi khám xác định tật khúc xạ, có nhiều em đeo kính không đúng số, không đúng loại tật khúc xạ mà mình mắc phải, thậm chí có em không mắc tật khúc xạ nhưng vẫn phải đeo kính cận thị. Ngoài ra số kính không đảm bảo về chất lượng tương đối nhiều như: không đảm bảo về khoảng cách đồng tử, tâm kính bị lệch bên cao bên thấp... Sau khi khám xác định, cắt kính đúng và khám lại, thị lực của các em được cải thiện tốt hơn. Trong quá trình khám còn phát hiện những em giảm thị lực có liên quan đến các bệnh về mắt như: lác, sụp mi, đục thủy tinh thể… đã được giới thiệu lên tuyến trên để điều trị...

Sau 5 năm triển khai Dự án, đã có 142 trường học trong tỉnh với tổng số hơn 60 nghìn học sinh được khám sàng lọc thị lực, qua đó phát hiện gần 13 nghìn em mắc tật khúc xạ, gần 3.000 em được cấp kính trợ giá hoặc miễn phí. Để thực hiện các hoạt động của Dự án, Bệnh viện Mắt tỉnh đã phối hợp với các trung tâm y tế huyện cử cán bộ đi đào tạo tại tuyến trên về khám tật khúc xạ và mài lắp kính để phục vụ việc chăm sóc mắt cho học sinh và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Các Trung tâm y tế huyện cũng tổ chức tuyên truyền qua Đài phát thanh huyện; truyền thông trực tiếp tới ban giám hiệu, giáo viên các nhà trường, học sinh và phụ huynh kiến thức về chăm sóc mắt và sức khỏe mắt, tầm quan trọng của việc đeo kính và đeo kính đúng số trong điều chỉnh tật khúc xạ. Trong khuôn khổ Dự án, các đơn vị chức năng còn cung cấp hàng nghìn tờ rơi, poster, pa-nô tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đeo kính và đeo kính đúng số để điều chỉnh tật khúc xạ, tuyên truyền kết hợp lồng ghép kiến thức về tật khúc xạ cho học sinh qua các buổi sinh hoạt chào cờ,  sinh hoạt Đội, các buổi học ngoại khóa, mở các khóa tập huấn cho giáo viên… Dự án cũng đầu tư một số trang thiết bị nhãn khoa cơ bản cho các trung tâm y tế và các trường học trên địa bàn được thụ hưởng dự án như: máy soi bóng đồng tử, máy đo khúc xạ tự động, bảng thị lực... Ngoài ra, tổ chức HKI Việt Nam qua sự tài trợ của một số quỹ quốc tế còn phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường thành lập Trung tâm kính mắt cộng đồng đặt tại trung tâm y tế với số kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Từ hiệu quả của Dự án “Nhân rộng mô hình Childsight - Chăm sóc Tật khúc xạ học đường”, thời gian tới, Tổ chức HKI Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh tiếp tục nhân rộng ở các huyện còn lại trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com