Nỗ lực loại bỏ bệnh lao kháng thuốc khỏi cộng đồng

08:03, 24/03/2012

Mỗi năm, tỉnh ta có trên 1.800 người mắc lao mới, trong đó, số bệnh nhân lao kháng thuốc có chiều hướng gia tăng và là vấn đề rất nan giải bởi lao kháng thuốc là nguồn lây lao nguy hiểm cho cộng đồng.

Các bác sỹ, điều dưỡng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.  Bài và ảnh: Minh Thuận
Các bác sỹ, điều dưỡng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh hướng dẫn điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.

Nguyên nhân gây nên lao kháng thuốc chủ yếu là do bệnh nhân mắc lao thông thường điều trị không dứt điểm, không tuân thủ quy trình điều trị hoặc do bị lây trực tiếp vi trùng lao từ người bị lao kháng thuốc. Điều đó sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng, bởi vi trùng lao kháng thuốc rất khỏe, phát tán từ bệnh nhân trong không khí, môi trường sinh hoạt lây lan ra cộng đồng. Trước tình trạng trên, từ tháng 8-2011 được sự quan tâm của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã triển khai quản lý điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc. Hiện tại, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đang quản lý và điều trị 14 bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh lao đa kháng thuốc. Bệnh viện đã thành lập một khu cách ly riêng; các bệnh nhân này được theo dõi chặt chẽ, kiểm soát lây nhiễm theo hướng dẫn của Chương trình chống Lao quốc gia, được xét nghiệm và nuôi cấy đờm mỗi tháng 1 lần để đánh giá tiến triển của bệnh. Sau khi điều trị ổn định, các bệnh nhân lao kháng thuốc sẽ được chuyển về tuyến huyện để điều trị và theo dõi. Quá trình điều trị lao kháng thuốc rất dài, các bệnh nhân lao kháng thuốc phải duy trì điều trị ít nhất 18 đến 24 tháng và phải sử dụng phối hợp từ 6 đến 7 loại thuốc. Do các loại thuốc này phải nhập khẩu nên nguồn thuốc điều trị bệnh lao kháng thuốc rất khó khăn; mặt khác do dùng thuốc có nhiều tác dụng phụ nên các y bác sỹ của bệnh viện luôn phải giám sát chặt chẽ để bệnh nhân uống thuốc đúng quy định. Cùng với việc điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã kết hợp cung cấp kiến thức về bệnh lao, lao kháng thuốc như: uống đủ liều, đều đặn, đủ thời gian, không bỏ điều trị, đồng thời tư vấn cách phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng. Khi gia đình có người bị nhiễm lao phổi thì nên cho bệnh nhân ngủ riêng, nơi ngủ phải thoáng khí, hạn chế cho trẻ dưới 5 tuổi gần gũi bệnh nhân. Những người trong gia đình nên đi khám thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm. Trong thời gian điều trị bệnh lao, người bệnh nên nghỉ ngơi từ 1-2 tháng đầu, có chế độ làm việc vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Người mắc bệnh lao phổi cần khạc nhổ vào bô, lọ có chất sát trùng và có nắp đậy; đồ dùng, chăn màn của người bệnh lao phải được thường xuyên phơi dưới ánh nắng mặt trời.

Hiện tại khó khăn trong việc điều trị lao kháng thuốc ở tỉnh ta là chưa có đủ điều kiện cũng như phương tiện để chẩn đoán lao kháng thuốc nên phải gửi mẫu đờm lên Bệnh viện Phổi Trung ương xét nghiệm. Trang thiết bị, cơ sở vật chất điều trị của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cũng chưa đáp ứng yêu cầu về điều trị lao kháng thuốc theo Chương trình chống lao quốc gia. Bên cạnh đó, phần lớn bệnh nhân lao điều kiện kinh tế rất khó khăn, không được bồi dưỡng để hỗ trợ phục hồi sức khỏe; thuốc điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc chủ yếu là thuốc nhập ngoại nên rất đắt; việc chi trả, bồi dưỡng cho cán bộ công nhân viên chưa có chế độ riêng.

Cùng với lao/HIV, lao kháng thuốc đang trở thành một thách thức lớn đối với công tác phòng, chống lao. Nhân Ngày Thế giới chống lao 24-3-2012, Chương trình Chống lao Quốc gia phát động Tháng hành động phòng chống lao với chủ đề “Vì Việt Nam không còn bệnh lao”. Những người làm công tác chống lao của tỉnh đang kêu gọi, vận động tăng cường cam kết chính trị - đầu tư nguồn lực của địa phương cho công tác phòng chống lao, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao, đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và cộng đồng tham gia vào hoạt động phòng chống bệnh lao. Để công tác phòng, chống lao tiếp tục được đẩy mạnh, cần có sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, sự hợp tác của các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng để chia sẻ trách nhiệm đầu tư nguồn lực cho kế hoạch phòng, chống lao của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn mạng lưới và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chống lao, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lao trong giai đoạn hiện nay./.

Bài và ảnh: Minh Thuận
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com