Ở các phòng khám bệnh tư nhân: Dịch vụ nhanh đã đi đôi với chất lượng?

03:03, 22/03/2012

Thời tiết những ngày giao mùa thay đổi ảnh hưởng đến sức đề kháng của con người. Trong những ngày này không chỉ trẻ em mà cả người lớn đều rất dễ bị mắc các loại bệnh. Vì vậy, dạo qua các phòng khám tư trong thành phố hầu như lúc nào cũng thấy đông khách, đặc biệt là các phòng khám dành cho bệnh nhi. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao các phòng khám tư lại thu hút được đông bệnh nhân như vậy? Và liệu chất lượng dịch vụ tại các phòng khám tư nhân trong thành phố đã đủ để người bệnh yên tâm và hài lòng với chi phí bỏ ra khi đến khám và điều trị?

Giải mã nguyên nhân tại sao phòng khám tư đông khách

Hiện nay số trẻ đến khám và nhập viện do các  bệnh hô hấp, sốt siêu vi, sốt phát ban, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa… tăng. Trên địa bàn tỉnh, trẻ em bị mắc các chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp rất nhiều, chủ yếu là viêm họng, ho, sốt vì sức đề kháng của trẻ em vốn dĩ không tốt bằng người lớn. Có một thực tế là khi trẻ bị ốm, các bà mẹ lại rất ít khi đưa con vào viện mà thường đưa đi khám ở các phòng khám tư. Lý do được các bà mẹ trẻ đưa ra hết sức đơn giản: dịch vụ nhanh, được khám nhanh và mua thuốc nhanh, đồng nghĩa với con nhanh khỏi bệnh. Chị Nguyễn Ánh Nguyên nhà ở Lộc Vượng bế con gái 3 tuổi đến khám ở một phòng khám nằm trên đường HV cho biết: “Con gái tôi hai ngày đầu chỉ bị sốt nhẹ, có hắt hơi, sổ mũi nhưng vẫn ăn được, chơi được. Tôi tự đi mua thuốc điều trị cho con nhưng đến gần sáng hôm nay cháu sốt cao quá. Tôi tiếp tục mua thuốc cho cháu uống để đỡ sốt hơn, chờ đợi đến chiều để đi khám ở phòng khám này”. Hỏi chị, sao không đưa cháu vào bệnh viện? Chị bảo, chờ được vào viện thì lâu lắm, phải xếp sổ, làm thủ tục, chờ mãi mới đến lượt con mình, có khi nó còn ốm thêm. Bệnh viện bây giờ cũng đông trẻ em khám. Hơn nữa, phòng khám chỗ này cũng rất uy tín, bác sỹ cũng của bệnh viện, các công đoạn đều nhanh nên đến đây thì hơn. Cùng quan điểm với chị Nguyên, chị Lê Thị Anh nhà ở đường Mạc Thị Bưởi đang ôm đứa con trai nhỏ chừng hơn một tuổi nói: “Quan trọng là khi mình đi chữa bệnh, mọi thứ phải nhanh thì mới tốt. Trẻ con sức đề kháng của chúng yếu, nếu đến viện mà phải chờ thêm nữa thì không nói gì nó mệt hơn, chúng tôi cũng mệt. Ở đâu cũng phải tiền mua thuốc cả mà”.

Ngồi chờ để đến lượt khám tại một phòng khám nhi trong thành phố.
Ngồi chờ để đến lượt khám tại một phòng khám nhi trong thành phố.

Anh Hoàng Văn Tĩnh nhà ở tận huyện Nghĩa Hưng đang ngồi chờ mua thuốc ở một phòng khám trên đường TH cho biết: Tôi thấy trong người khó chịu mấy hôm nay, có tình trạng tiểu khó, tiểu buốt nhưng do công việc nhà bận bịu quá mãi mới thu xếp để đi khám được. Tôi nghĩ lên thành phố khám cho chắc ăn nhưng lên bệnh viện tỉnh thì thấy đông quá, chờ lâu thì trong người càng thêm khó chịu. Cái giống tiểu tiện đâu phải cứ chờ là được. Nghe cháu tôi bảo, hay là ra phòng khám tư ở ngoài khám, tôi cùng cháu vội vã đi ra đây. Chỉ việc ghi tên rồi chờ qua một hai lượt người đến trước là tôi được vào khám luôn. Khi tôi vào khám bác sỹ hỏi bệnh tình rất cẩn thận chu đáo, tư vấn thêm về cả chế độ ăn uống tập luyện. Giờ tôi mua được thuốc rồi, chỉ mất trong buổi sáng là về nhà được thôi.

Chị Phạm Hà nhà ở Khu đô thị Hòa Vượng cho biết: Tôi có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ ba tháng một lần. Tôi làm nghề buôn bán nên cũng bận rộn suốt. Nếu phải đến bệnh viện để chờ làm được hết các thủ tục rồi đợi đến lượt mình thì tôi thấy tiếc thời gian lắm. Vì vậy tôi chọn một phòng khám tư có tiếng trong thành phố và hay đến đây khám. Không mất quá nhiều thời gian mà các bác sỹ thì lại “quen được bệnh” của mình. Một công đôi việc.

Đã thực sự “tiện” và “lợi” khi đi khám

Đối với các phòng khám nhi, thực tế không phải phòng khám nào cơ sở vật chất phục vụ cho việc khám, chữa bệnh cũng tốt. Dạo qua một loạt các phòng khám nằm trên địa bàn thành phố đều thấy rõ điều đó. Phòng khám X ở đường HV chỉ đơn giản là một phòng nhỏ của một ngôi nhà cấp bốn. Mặt tiền của ngôi nhà đang được sửa  chữa với lổn nhổn gạch đá và cát. Muốn đi vào trong phòng khám, các bà mẹ trẻ phải tự tìm cách để xe và vừa khám… vừa trông lấy xe. Phòng khám chỉ tầm khoảng hai chục mét vuông nhưng hầu như không còn chỗ trống cho các bà mẹ và con họ ngồi. Ai may mắn đến trước thì còn tìm được cái ghế nhựa để ngồi. Còn không thì vừa đứng, vừa dỗ con, vừa ngó nghiêng xem có mẹ con nhà nào “giẫm vào chân” mình không. Đang ngồi trên ghế, nhấp nhổm xem đến lượt con mình chưa, đứng lên là có người khác “mượn” mất chỗ. Trong phòng chật chội, ngột ngạt, thiếu không khí. Các bà mẹ nghiêng nghiêng ngó ngó xem đến lượt con mình khám rồi lại bế trẻ ra ngoài để hít thở “không khí ngoài đường”.

Phòng khám nhi trên đường LTK cũng không khả quan hơn. Lịch khám từ thứ 2 đến thứ 6 là từ 5h sáng - 9h tối, ngày nghỉ từ 8h sáng - 5h chiều. Trong phòng khám ngoài một chiếc bàn gỗ, hai cái ghế (một dành cho bác sĩ khám chính, một dành cho người ghi tên, bán thuốc theo đơn của bác sĩ), trên mặt bàn ngoài vỏn vẹn vài hộp thuốc lớn nhỏ, một tai nghe, một đèn pin, thì chỉ còn rất nhiều… ghế nhựa. Từ lúc chúng tôi đến khoảng ba mươi phút, bác sỹ thăm khám cho tầm khoảng 6 bệnh nhân. Đa phần chẩn đoán là những bệnh thường gặp của trẻ em khi thời tiết chuyển mùa.

Ở các phòng khám tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh chung, đi đôi với trang thiết bị y tế hiện đại là đội ngũ y bác sỹ tận tình trong các khâu “tư vấn” khách hàng. Và vì sự nhiệt tình này mà đôi khi những “thượng đế” phải tự “móc hầu bao” trả cho nhiều khoản chi phí không cần thiết. Một tuần trước khi anh Nguyễn Văn Hùng đường Trần Đăng Ninh thấy trong người không khỏe, ăn không ngon, có cảm giác khó tiêu, da mặt tự nhiên vàng bủng anh vội vàng đi khám tại một phòng khám khá lớn nằm trên đường HHT. Khi đến đây, anh được bác sỹ chẩn đoán là bị gan. Tiếp đó bác sỹ tư vấn nên xét nghiệm thêm một số các bệnh lý khác. Kết quả, cùng một buổi sáng, anh Hùng đã làm liên tiếp mấy xét nghiệm trong đó có những xét nghiệm… chả liên quan gì đến bệnh gan. Mỗi lần đi xét nghiệm ở một phòng khác nhau thì hóa đơn thanh toán cho các phòng đồng thời cũng tăng lên đáng kể.

Chị Hà Hoài Thu, phường Cửa Bắc cũng kể một câu chuyện chị mới đi khám tại một phòng khám sản khoa trên đường TĐN hôm qua. Chị bảo chị đi siêu âm định kỳ xem thế nào. Ban đầu chị được bác sỹ hướng dẫn đi siêu âm trước. Sau khi đi siêu âm xong bác sỹ lại tư vấn cho chị nên đi thử nước tiểu xem có bị nhiễm độc thai nghén không. Thử nước tiểu xong, chị lại được tư vấn tiếp nên đi xét nghiệm khí hư xem có nhiễm vi khuẩn, nấm không… Ba lần như vậy, riêng tiền xét nghiệm chị đã mất đứt gần 100 nghìn đồng, chưa kể tiền mua thuốc.

Có “điểm 10 cho chất lượng” của các phòng khám tư?

Hầu như tất cả các phòng khám tư cho bệnh nhi đều chỉ bắt đầu mở cửa vào 5h chiều do từ 5h trở đi các bác sỹ mới hết giờ làm ở bệnh viện. Nhưng để được các bác sỹ thăm khám cho con mình, những ông bố, bà mẹ vẫn phải ôm con đi đến phòng khám từ lúc 4h. Theo chân bố con anh Hoàng Văn Thông, nhà ở Hàng Tiện, tôi đến phòng khám của một bác sỹ trên đường HVT từ lúc 4h30 đã thấy trước cửa phòng khám đông nghẹt các cặp mẹ con, bố con đứng chờ sẵn. Len được qua mấy cặp mẹ con, anh thở phào nói, cháu ghi tên số 10, thế là “thắng lợi” rồi, hôm nay cháu khám lại nên chắc cũng sẽ nhanh hơn. Hôm nọ đến hơi muộn, xếp tận thứ 33 lại phải chuyển qua tận tối mới khám đấy. Cũng may nhà ở gần, cho cháu về nhà nghỉ ngơi rồi tối vào khám sau chứ không chờ cũng “chết”. Vào viện thì mùa này trẻ em đến khám cũng đông nghìn nghịt còn mệt hơn”. Tuy nhiên không phải cứ khi trẻ được đưa đến khám bác sỹ là được chẩn đoán đúng bệnh. Thực tế cho thấy, hầu hết cơ sở vật chất tại các phòng khám nhi trong thành phố đều còn hết sức đơn giản. Để chẩn đoán, điều trị một số bệnh phức tạp cho trẻ em cần phải có sự hỗ trợ của rất nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, ê kíp y bác sỹ… Điều này, hẳn nhiên là nhiều phòng khám chưa đáp ứng được. Thế nên mới có trường hợp như của bé Hà, cháu bà Nguyễn Thị Liễu ở Hàng Cấp. Bé Hà hai tuổi bị ho húng hắng suốt một tuần liền không đỡ. Nhìn thấy mặt cháu cứ đỏ ửng lên mỗi lần ho, bà Liễu sốt ruột đưa cháu đi khám. Sau ba ngày đầu uống thuốc của bác sỹ, bé Hà vẫn cứ dúm lại ho, bà Liễu cho cháu đến khám và “thử thuốc” của một bác sỹ tại phòng khám khác. Ba ngày tiếp theo bé Hà cũng chẳng thấy dấu hiệu khá hơn. Bà Liễu sốt ruột quá bế bé Hà vào viện. Mấy ngày tiếp theo bà Liễu liên tục cho bé uống thuốc của viện. Cũng không biết ở đâu thì khám tốt hơn hay bây giờ mới ngấm thuốc nên bé Hà đã cắt được cơn ho. Bà Liễu nói: Tại những phòng khám dành cho bệnh nhân lớn tuổi hơn cũng khó tránh khỏi trường hợp tương tự. Hầu như các phòng khám này đều được đầu tư lớn về trang thiết bị y tế nên tình trạng “vận dụng tối đa công suất của máy móc” là điều khó tránh khỏi. Vì vậy khi bệnh nhân đến khám, thường được bác sỹ tư vấn cho xét nghiệm, khám rất nhiều “kiểu bệnh”. Bệnh nhân phải chi tiền cho nhiều những xét nghiệm cùng lúc này là đương nhiên. Tuy vậy, không phải cứ khám là được yên tâm về chất lượng. Mua thuốc từ các phòng khám về uống mà bệnh vẫn không giảm. Không hiếm những trường hợp phải vào khám lại trong bệnh viện. Và theo như lời anh Hùng thì, nếu đã phải mất tiền thì nên chịu khó mất thêm chút công sức, tốt nhất là ra bệnh viện đầu ngành ở Trung ương thì hơn. Anh Hùng bảo, thu xếp công việc xong tôi sẽ ra Hà Nội để khám tổng thể chứ cứ đi khám rồi uống thuốc nhì nhằng của phòng khám dưới này thấy chẳng yên tâm chút nào. Bệnh thì chẳng khỏi mà tiền thì vẫn mất. Anh Hùng quả quyết./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com