Giải pháp giảm thiểu tật khúc xạ cho học sinh tiểu học

07:03, 15/03/2012
Khám mắt cho học sinh tại Trường Tiểu học Mỹ Xá (TP Nam Định).
Khám mắt cho học sinh tại Trường Tiểu học Mỹ Xá (TP Nam Định).

Thành phố Nam Định hiện có 21 trường tiểu học với gần 15.000 học sinh. Những năm qua, số học sinh tiểu học bị mắc tật khúc xạ ngày càng gia tăng. Với sự tài trợ của tổ chức phi chính phủ Helen Keller về nâng cao năng lực phòng chống mù lòa, từ năm học 2010-2011, Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định đã tiến hành điều tra tật khúc xạ ở học sinh của 3 trường tiểu học: Phạm Hồng Thái, Hồ Tùng Mậu và Mỹ Xá. Qua điều tra ngẫu nhiên tổng số 1.051 học sinh thì có 230 em, chiếm tỷ lệ 21,88% bị mắc tật khúc xạ. Trong đó, tỷ lệ cận thị chiếm 58,6%, loạn thị 36,1%, viễn thị 5,3%. Tỷ lệ học sinh thị lực trung bình và thấp chiếm gần 47%, trong đó chỉ có gần 42% học sinh mắc tật khúc xạ được đeo kính, song cũng chỉ có 2/3 số học sinh đeo kính đủ tiêu chuẩn. Bác sỹ Đinh Thị Kim Anh, Phó trưởng Khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định cho biết: Học sinh bị mắc tật khúc xạ sẽ không nhìn rõ bảng, phải căng mắt suốt tiết học, phải cúi mặt gần sách, dễ bị nhầm chữ, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng học tập. Nếu không điều trị kịp thời, tật khúc xạ có thể dẫn tới biến chứng nặng nề cho mắt như lác, nhược thị, bong võng mạc. Nguyên nhân gây ra tật khúc xạ khá đa dạng, từ yếu tố di truyền đến hệ thống cơ sở vật chất các trường học, ý thức chăm lo của phụ huynh học sinh. Trong đó, điều kiện học tập là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến thị lực của các em. Theo quy định đối với học sinh tiểu học, khoảng cách bàn đầu tiên đến bảng là 2-3m, từ bàn cuối đến bảng dưới 7m, cường độ chiếu sáng 100-300 độ lux… Tuy nhiên, trên thực tế không phải trường nào cũng đáp ứng được tiêu chuẩn này. Trong tổng số 15 lớp có học sinh được điều tra thì có 4 lớp khoảng cách bàn đầu đến bảng không đạt yêu cầu, chỉ có 1,42m; 3 lớp khoảng cách bàn cuối đến bảng xa trên 7,5m; 8 lớp học có cường độ chiếu sáng tự nhiên không đạt tiêu chuẩn (dưới 90 độ lux), hệ thống điện đều mắc đèn neon nhưng chỉ là bóng đơn. Trường Tiểu học Hồ Tùng Mậu có 30 lớp học, diện tích bình quân 3,55m2/học sinh. Hiện nay, nhà trường vẫn còn một số lớp chưa có bảng chống lóa, chưa có đèn chiếu sáng đạt tiêu chuẩn; bàn ghế không đúng kích thước, chưa phù hợp với học sinh. Trường Tiểu học Mỹ Xá, các lớp học đều rộng, có cường độ chiếu sáng tự nhiên tốt (>100 độ lux) nhưng hệ thống ánh sáng nhân tạo chưa đạt tiêu chuẩn, còn mắc đèn neon đơn chiếc. Một trong những nguyên nhân khác gây tật khúc xạ còn ở việc học sinh phải học tập quá tải. Là trường “điểm” của thành phố, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái thường xuyên quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất. Đến nay, các lớp học đều đã có bảng chống lóa, hệ thống đèn chống cận, bàn ghế đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, áp lực học tập lớn cộng với việc nhiều phụ huynh chưa có kiến thức chăm lo bảo vệ thị lực cho con mình nên việc bố trí bàn học ở nhà chưa đủ ánh sáng, khoảng cách giữa bàn, ghế không đúng quy định nên nhiều em bị cận thị. Qua khám 374 học sinh, có tới 117 em bị tật khúc xạ, chiếm tỷ lệ 31,8%. Nhiều phụ huynh còn buông lỏng quản lý, để các em xem ti vi, chơi điện tử quá nhiều khiến mắt ngày càng kém. Công tác khám, phát hiện tật khúc xạ cho học sinh tiểu học ở nhiều cơ sở  khám mắt thực hiện chưa đúng quy trình, dẫn đến chẩn đoán, điều trị sai. Có trường hợp học sinh bị cận thị nhưng đeo kinh viễn thị; học sinh mắt bình thường nhưng lại đeo kính cận thị dẫn tới hiện tượng bị đau, chảy nước mắt.

Để giảm thiểu tình trạng tật khúc xạ ở học sinh tiểu học, ngành GD và ĐT cần đẩy mạnh tuyên truyền về nguyên nhân, hậu quả của tật khúc xạ và cách phòng, chống cho giáo viên, học sinh. Các trường cần nâng cao cơ sở vật chất như diện tích trường học; đảm bảo đủ điều kiện học tập như ánh sáng, bảng chống loá, kích thước bàn, ghế phù hợp độ tuổi và tầm vóc của học sinh. Bên cạnh đó, mỗi năm các trường tổ chức 1-2 lần khám sức khỏe và tật khúc xạ cho học sinh bởi các em đang trong độ tuổi phát triển; tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức nhất là kiến thức về tật khúc xạ cho cán bộ y tế trường học. Học sinh đã mắc tật khúc xạ phải được khám định kỳ 6 tháng 1 lần tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chỉnh kính đúng và tư vấn kịp thời./.

Bài và ảnh: Đức Thiện



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com