Đồng minh không đồng lòng

08:11, 27/11/2020

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xung quanh việc Ankara mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất khiến quan hệ quốc phòng giữa quốc gia cửa ngõ Á-Âu và Mỹ bị ảnh hưởng.

 Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bảo vệ thỏa thuận mua S-400 của Nga. Ảnh: TASS
Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bảo vệ thỏa thuận mua S-400 của Nga. Ảnh: TASS

Theo TASS, ngày 24-11, tại một cuộc điều trần của Ủy ban Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ về ngân sách cho năm tới, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh, lập trường của Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 do Nga sản xuất cũng như quyết định loại Ankara ra khỏi chương trình sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 đã làm tổn hại quan hệ quốc phòng giữa hai nước. “Bất chấp một số bất đồng về các vấn đề hòa bình và an ninh tại Syria và Libya, chúng ta đang cố gắng phối hợp với Mỹ - đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, một số yếu tố làm ảnh hưởng đến quan hệ của chúng ta với Mỹ vẫn chưa được giải quyết. Mỹ vẫn tiếp tục đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì thỏa thuận mua S-400”, ông Mevlut Cavusoglu khẳng định.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên đầu tiên của NATO mua tổ hợp tên lửa phòng không từ Nga. Hai bên đã đạt thỏa thuận mua bán các tổ hợp S-400 với tổng trị giá 2,5 tỷ USD vào năm 2017. S-400 là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung, được thiết kế nhằm tiêu diệt các phương tiện tấn công và trinh sát trên không, cũng như bất kỳ mục tiêu trên không khác trong điều kiện hỏa lực và thiết bị gây nhiễu điện tử của đối phương hoạt động mạnh. Các chuyên gia quân sự nhận định, S-400 có sự vượt trội hơn hẳn các mẫu vũ khí tương tự của phương Tây. 

Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ thường xuyên lời qua, tiếng lại với nhau xung quanh việc Ankara mua S-400 của Nga. Washington cho rằng S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tổ hợp tên lửa phòng không này đe dọa khả năng phòng thủ của liên minh. Trước việc Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bảo vệ thỏa thuận mua S-400 từ Nga, Mỹ đã ngừng bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và loại nước này khỏi chương trình hợp tác sản xuất F-35 của NATO từ năm 2019. Thậm chí, Washington đã nhiều lần cảnh báo về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu kích hoạt S-400 theo đạo luật CAATSA, vốn cho phép nước này đưa ra lệnh trừng phạt nhằm vào những quốc gia thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí quy mô lớn với Nga. 

Hồi tháng 10 vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ thử nghiệm S-400. Theo tuyên bố của Lầu Năm Góc, việc vận hành S-400 không phù hợp với những cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò là đồng minh của Mỹ và thành viên NATO. Phía Mỹ cũng cảnh báo, hành động của Ankara có nguy cơ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới mối quan hệ an ninh giữa hai nước. Dù vậy, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng không có lý do gì có thể khiến nước này nhượng bộ Mỹ trong vấn đề mua vũ khí của Nga. Theo ông Recep Tayyip Erdogan, nước này mua S-400 vì mục đích phòng vệ và có quyền làm như vậy với tư cách của một quốc gia độc lập.

Những tranh cãi chưa có hồi kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đẩy mối quan hệ đồng minh đối diện với nhiều sóng gió trong những năm gần đây. Lập trường cứng rắn của Ankara nếu Mỹ tung “cây gậy” trừng phạt nước này khiến giới quan sát lo ngại.

Tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” của hai quốc gia thành viên quan trọng trong NATO cũng khiến liên minh quân sự này rơi vào thế khó. Với vị trí nằm giữa châu Á và châu Âu, có lực lượng quân đội lớn thứ hai trong NATO (chỉ sau Mỹ), Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò vô cùng quan trọng đối với liên minh này. Vì thế, dù không bằng lòng với việc Ankara mua S-400 nhưng NATO vẫn cố gắng tìm cách tháo gỡ khúc mắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ bằng cách kêu gọi Ankara tìm phương án thay thế. Tuy nhiên, việc thuyết phục Ankara được đánh giá là không hề dễ dàng./.

LÂM ANH
Theo qdnd.vn

 


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com