Bài toán di cư

08:09, 01/09/2020

Phái đoàn quan chức cấp cao của I-ta-li-a và Liên hiệp châu Âu (EU) đã có chuyến thăm Tuy-ni-di nhằm thảo luận các biện pháp phối hợp ngăn chặn làn sóng di cư từ Bắc Phi vào châu Âu. I-ta-li-a chật vật với hàng trăm người di cư cập bến tới bờ biển phía nam nước này mỗi ngày, trong khi Tuy-ni-di là một trong những cửa ngõ chính để người di cư bất hợp pháp vào châu Âu qua Địa Trung Hải.

Người di cư tới đảo Lam-pê-đu-xa của I-ta-li-a.  Ảnh: ROI-TƠ
Người di cư tới đảo Lam-pê-đu-xa của I-ta-li-a. Ảnh: ROI-TƠ

Tổng thống Tuy-ni-di K.Xai-ét đã tiếp Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Ngoại giao I-ta-li-a, cùng các Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng EU và các vấn đề nội bộ EU. Hai bên thể hiện mong muốn chung là tăng cường hợp tác, nhất là kinh tế và các vấn đề xã hội, qua đó giúp giảm tình trạng nhập cư trái phép và giải quyết các nguyên nhân sâu xa của vấn đề này. Tổng thống Tuy-ni-di nhấn mạnh sự cần thiết áp dụng cách tiếp cận toàn cầu, đồng thuận trong vấn đề nhập cư, chống đói nghèo và nạn thất nghiệp bằng cách hỗ trợ những nỗ lực phát triển tại các quốc gia mà người di cư rời đi, khuyến khích nhập cư hợp pháp. Trong khi đó, các quan chức I-ta-li-a và EU tái khẳng định cam kết trợ giúp về kinh tế, chính trị đối với Tuy-ni-di, quyết tâm hỗ trợ nỗ lực phát triển của quốc gia Bắc Phi bằng cách khuyến khích đầu tư và tạo việc làm. I-ta-li-a khẳng định sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho Tuy-ni-di; đồng thời đề nghị thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa hai nước nhằm tìm kiếm cách thức hợp tác song phương trong vấn đề này.

Số người di cư đến I-ta-li-a tăng gần 150% trong một năm qua do cuộc khủng hoảng kinh tế ở Tuy-ni-di khiến nhiều người dân ở nước này tìm cách vượt Địa Trung Hải bằng tàu để đến “đất nước hình chiếc ủng”. Hơn 80% số người di cư đến I-ta-li-a là từ Li-bi và Tuy-ni-di. Đa số người di cư dùng thuyền và xuồng cao-su vượt Địa Trung Hải đến I-ta-li-a, cho nên việc kiểm soát khó khăn. Nhiều người trong số này đã đặt chân lên đảo Lam-pê-đu-xa, miền nam I-ta-li-a. Trong khi đó, vùng Me-li-la và vùng Xơ-ta, hai thành phố tự trị của Tây Ban Nha nằm trên bờ biển Bắc Phi tạo nên các đường biên giới duy nhất giữa EU và châu Phi, cũng là những điểm nóng thường xuyên chứng kiến người di cư tìm cách từ châu Phi sang châu Âu. Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, trong bảy tháng đầu năm 2020, đã có 1.383 người tìm cách nhập cư trái phép đến Xơ-ta và Me-li-la.

Trong hành trình tìm đến “miền đất hứa”, người di cư hứng chịu nhiều rủi ro, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng. Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), hàng nghìn người di cư chết sau khi bị tiến công và lạm dụng nghiêm trọng trong quá trình vượt biên ở châu Phi. Ước tính mỗi tháng có 72 người chết trong hành trình đầy nguy hiểm này. Năm 2019, trong số hơn 100 nghìn người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải, có hơn 1.200 người đã phải bỏ mạng trên biển. Báo cáo mới nhất của LHQ cho thấy, các tuyến đường từ khu vực Tây Phi và Đông Phi đến Địa Trung Hải vô cùng nguy hiểm. Đa số người di cư khi thực hiện các hành trình như vậy đều phải chịu đựng những hành động tàn ác và vô nhân đạo của những kẻ buôn lậu và phiến quân. Gần một phần ba trong số những người bị chết khi vượt biên giới đường bộ tìm cách đi qua sa mạc Xa-ha-ra. Những người khác bỏ mạng khi đi qua khu vực xảy ra chiến sự ở Li-bi. Tuyến đường chết chóc khác là CH Trung Phi và Ma-li, những nơi đang chìm trong xung đột và bạo lực.

Người đứng đầu phái bộ Tổ chức di trú quốc tế (IOM) tại Li-bi nhận định, những vụ việc người di cư chết trên biển một phần do các chính sách ngày càng cứng rắn đối với những người phải rời bỏ quê hương tránh xung đột và nghèo đói, một phần là do thế giới cũng chưa có cách thức phù hợp để giải quyết làn sóng di cư. Ngăn chặn làn sóng người di cư từ bờ biển Bắc Phi vượt Địa Trung Hải sang châu Âu vẫn là “bài toán hóc búa” đối với cả hai châu lục./.

Theo Báo Nhân Dân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com