Nâng tầm một hiệp ước

08:01, 22/01/2019

Nhằm đáp ứng nhu cầu điều chỉnh quan hệ song phương trong bối cảnh “lục địa già” đang phải đối mặt nhiều thách thức, Pháp và Ðức đã nhất trí mở rộng Hiệp ước Ê-li-dê ký năm 1963. Thỏa thuận mới giữa Pa-ri và Béc-lin được đánh giá là sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước và khẳng định tính gắn kết của hai đầu tàu trong việc dẫn dắt Liên hiệp châu Âu (EU).

Thủ tướng Ðức A.Méc-ken gặp Tổng thống Pháp E.Ma-crông, nhân dịp 55 năm Ngày ký Hiệp ước Ê-li-dê. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Ðức A.Méc-ken gặp Tổng thống Pháp E.Ma-crông, nhân dịp 55 năm Ngày ký Hiệp ước Ê-li-dê. Ảnh: Reuters

Ngày 22-1-1963, tại Ðiện Ê-li-dê ở Pa-ri, Hiệp ước Ê-li-dê được Pháp và Ðức ký kết nhằm thể hiện nguyện vọng hòa giải và thiết lập mối quan hệ hợp tác bền vững giữa hai nước. Hiệp ước trải rộng trong các lĩnh vực hợp tác song phương từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, với mục đích cuối cùng là thiết lập mối quan hệ hữu nghị ổn định, thân thiết giữa Pháp và Ðức nói riêng, đồng thời vun đắp và phát triển một châu Âu thống nhất, hòa bình nói chung. Hiệp ước Ê-li-dê kể từ khi ra đời đã trở thành một trong những nền tảng quan trọng trong chính sách đối ngoại giữa hai nước, trở thành động lực cho sự hợp nhất châu Âu. Hiệp ước được ký kết với ba trụ cột gồm: tạo cơ chế tham vấn giữa các lãnh đạo, giới chức hai nước; thảo luận các lĩnh vực quan trọng về chính sách đối ngoại, quốc phòng, các vấn đề của châu Âu; hợp tác giáo dục. Trong cuộc gặp hồi đầu năm 2018 nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày ký Hiệp ước Ê-li-dê, Tổng thống Pháp E.Ma-crông và Thủ tướng Ðức A.Méc-ken đã muốn có một thỏa thuận điều chỉnh để đáp ứng những nhu cầu, thách thức mới đặt ra.

Thỏa thuận mở rộng Hiệp ước Ê-li-dê đã được chính phủ hai nước thông qua và được Thủ tướng A.Méc-ken và Tổng thống E.Ma-crông ký kết tại thành phố A-khen của Ðức vào ngày 22-1. Thỏa thuận nêu trên được đánh giá là sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Pháp và Ðức trong các mặt ngoại giao, quốc phòng, an ninh và phát triển, đồng thời củng cố năng lực hành động độc lập của châu Âu.

Thỏa thuận mở rộng Hiệp ước Ê-li-dê nhấn mạnh việc thúc đẩy hội tụ về mặt kinh tế, hướng tới xây dựng một khu vực kinh tế Pháp - Ðức với các quy định và luật pháp kinh tế chung. Hai bên cũng sẽ thành lập một nhóm chuyên gia để đưa ra các khuyến nghị kinh tế cho chính phủ. Bên cạnh đó, lực lượng tình báo, cảnh sát hai nước sẽ tăng cường hợp tác, nỗ lực chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. Hai nước cũng hợp tác trong các lĩnh vực khác như văn hóa, y tế và giao thông. Ngoài ra, một trong những ưu tiên trong quan hệ ngoại giao giữa Pa-ri và Béc-lin khi hiệp ước được mở rộng là việc ủng hộ Ðức trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo tuyên bố của Văn phòng Tổng thống E.Ma-crông, việc mở rộng Hiệp ước Ê-li-dê sẽ giúp hai cường quốc EU ứng phó các thách thức của thế kỷ 21. Cũng theo tuyên bố nêu trên, Pháp và Ðức tăng cường hợp tác sẽ giúp thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của hai nước trong khuôn khổ một EU dân chủ, đoàn kết và tự chủ hơn. Theo thỏa thuận mở rộng hiệp ước, Ðức và Pháp sẽ nỗ lực củng cố EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), đồng thời chống lại những tư duy làm “xói mòn” EU của các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy ở châu Âu.

Để đối phó hàng loạt thách thức như vấn đề người di cư, Anh rời EU hay chủ nghĩa dân túy đang lên ngôi, sự hợp tác chặt chẽ giữa Pháp và Ðức khẳng định nỗ lực củng cố EU hướng đến mục tiêu thịnh vượng và phát triển hơn. Trong bối cảnh, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) sắp diễn ra vào tháng 5 tới, việc tăng cường hợp tác giữa Pháp và Ðức được nhiều nhà quan sát cho rằng đây là bước đi quan trọng và cần thiết trong việc định hướng cải tổ các thể chế của EU nhằm đẩy mạnh đoàn kết và hợp tác nội khối, nâng cao vai trò và nâng tầm ảnh hưởng của EU trên trường quốc tế.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com