Thủ tướng Hy Lạp vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

08:01, 18/01/2019

Ngày 16-1, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội nước này, trong bối cảnh Chính phủ liên hiệp đổ vỡ liên quan thỏa thuận của Hy Lạp với nước láng giềng Macedonia.

Ảnh/ TTXVN
Ảnh/ TTXVN

Theo kết quả bỏ phiếu, 151 nghị sĩ trong tổng số 300 nghị sĩ Quốc hội ủng hộ chính phủ của ông Tsipras, 148 phiếu chống và 1 nghị sĩ vắng mặt. 

Phát biểu với phóng viên sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh Quốc hội đã bỏ phiếu cho sự ổn định và nỗ lực khôi phục uy tín của Hy Lạp trên trường quốc tế. 

Ngày 13-1 vừa qua, Thủ tướng Tsipras đã kêu gọi tiến hành cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos, Chủ tịch đảng "Những người Hy Lạp độc lập" và cũng là đối tác trong liên minh cầm quyền, từ chức do bất đồng về thỏa thuận với Macedonia về việc đổi tên nước. Trước đó, hồi tháng 10-2018, Ngoại trưởng Nikos Kotzias cũng đã rời nhiệm sở sau cuộc tranh cãi trong nội các về thỏa thuận này.

Thỏa thuận đạt được hồi tháng 6-2018 giữa Chính phủ Hy Lạp và Macedonia nhằm giải quyết tranh cãi liên quan đến tên nước kéo dài suốt 27 năm qua. Theo đó, Macedonia đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Thỏa thuận làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ ở Hy Lạp vì nước này cũng có một tỉnh miền Bắc mang tên Macedonia. Nhiều người Hy Lạp muốn nước láng giềng phía Bắc bỏ tên gọi Macedonia vì cho rằng tên gọi này hàm ý nhận chủ quyền đối với tỉnh cùng tên của Hy Lạp. Tranh cãi liên quan vấn đề tên gọi này cũng là rào cản chính khiến Macedonia không thể đạt tiến triển trong việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm trên mở đường cho Thủ tướng Tsipras tìm kiếm sự đồng thuận trong Quốc hội Hy Lạp về thỏa thuận đổi tên nước với Macedonia. Tuy nhiên, chưa có gì đảm bảo tương lai Chính phủ của Thủ tướng Tsipras cũng như khả năng ông Tsipras hoàn thành nhiệm kỳ 4 năm vào tháng 9 tới sau những xáo trộn của liên minh cầm quyền.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ yêu cầu Tổng thống hoãn đọc thông điệp liên bang

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 16-1 đã yêu cầu Tổng thống Donald Trump hoãn đọc thông điệp liên bang theo dự kiến vào ngày 29-1, bởi vì các cơ quan liên bang đảm bảo an ninh cho sự kiện này chưa được cấp ngân sách hoạt động do tình trạng đóng cửa một phần chính phủ đang tiếp diễn.

Trong một bức thư gửi tới Tổng thống Trump, bà Pelosi nhấn mạnh đến những mối quan ngại về an ninh. Theo bà, nếu chính phủ không mở cửa trở lại trong tuần này, hai bên sẽ cùng nỗ lực để xác định một ngày thích hợp khác sau khi chính phủ mở cửa trở lại để đọc thông điệp liên bang hoặc để cho Tổng thống Trump cân nhắc chuyển thông điệp liên bang bằng văn bản tới Quốc hội trong ngày 29-1 tới đây.

Kể từ thời điểm chính phủ đóng cửa bắt đầu từ ngày 22-12-2018, Nhà Trắng và ban lãnh đạo của phe Dân chủ đã tiến hành một số vòng đàm phàn về vấn đề an ninh biên giới và việc cấp kinh phí xây dựng bức tường nói trên, tuy nhiên tất cả đều không dẫn đến kết quả khả quan nào. Đợt đóng cửa chính phủ lần này đã ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800 nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương. Nhà Trắng ước tính rằng, cứ hai tuần đóng cửa chính phủ, Mỹ sẽ bị thiệt hại 0,1% GDP mỗi quý./.

Theo TTXVN

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com