Trách nhiệm với hành tinh

08:10, 01/10/2018

Hội nghị cấp cao "Một hành tinh" lần thứ hai, vừa diễn ra trong khuôn khổ kỳ họp Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 73, tại Niu Oóc (Mỹ), đã tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực bảo vệ hành tinh xanh. Nhấn mạnh trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Pháp E.Ma-crông nêu rõ, hội nghị không còn là nơi để thảo luận, mà để hành động.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 trụ sở ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 trụ sở ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong lần thứ hai được tổ chức nhân kỳ họp quan trọng hằng năm của Ðại hội đồng LHQ, Hội nghị cấp cao "Một hành tinh" năm 2018 do Tổng Thư ký LHQ, Tổng thống Pháp và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Ðặc phái viên đặc biệt của LHQ về hành động chống biến đổi khí hậu chủ trì, với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo cấp cao khoảng 30 quốc gia, cùng đông đảo đại diện các nước, các tổ chức quốc tế và giới chuyên gia. Sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo thế giới tại sự kiện năm nay phản ánh tính chất nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như cho thấy cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với các nỗ lực bảo vệ trái đất.

Hội nghị cấp cao "Một hành tinh" năm 2018 tiếp nối một loạt sự kiện quốc tế liên quan các nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Hội nghị lần thứ nhất, diễn ra tại Pa-ri (Pháp) cuối năm 2017, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Ð.Trăm quyết định Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, được xem như phản ứng mạnh mẽ đối với quyết định của Oa-sinh-tơn đi ngược nỗ lực chung. Mới đây nhất, có hàng nghìn thống đốc, thị trưởng, giám đốc điều hành và chuyên gia từ hơn 100 quốc gia đã tham gia Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu, diễn ra từ ngày 12 đến 14-9 vừa qua, tại thành phố Xan Phran-xi-xcô, bang Ca-li-pho-ni-a của Mỹ. Hội nghị "Một hành tinh" lần này tại Niu Oóc vì thế được kỳ vọng là bước tiếp nối quan trọng, góp phần thổi "luồng sinh khí mới" thúc đẩy việc thực thi các cam kết về cắt giảm khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường.

Trên thực tế, các hội nghị cấp cao, sự kiện quốc tế liên tiếp được tổ chức nhằm kiềm chế tình trạng trái đất ấm lên, song mục tiêu này vẫn đang đứng trước nguy cơ chệch hướng. Tại hội nghị ở Niu Oóc lần này, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét cảnh báo, nếu không hành động nhanh chóng và mạnh mẽ, không thể cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đến năm 2020 vẫn không thể đảo chiều xu thế phát thải hiện nay, thế giới sẽ không thể hoàn tất mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,50C vào năm 2020, như mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu.

Việc thông qua Thỏa thuận Pa-ri, với 180 quốc gia tham gia ký kết tại Hội nghị lần thứ 21, các bên tham gia Công ước khung của LHQ về chống biến đổi khí hậu (gọi tắt là COP 21) ở Pháp năm 2015, đến nay được xem là một thành công lớn của thế giới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của LHQ, động lực thực thi văn kiện lịch sử này gần đây đã xuất hiện dấu hiệu suy yếu. Trong đó, một phần nguyên nhân xuất phát từ quyết định rút lui của Mỹ, quốc gia đứng thứ hai thế giới về lượng khí thải nhà kính. Quốc gia khác là Ô-xtrây-li-a, vốn là một trong những nước có lượng khí thải tính theo đầu người vào bậc cao trên thế giới, cũng thúc đẩy loại bỏ các cam kết về cắt giảm khí thải khỏi dự luật quốc gia về năng lượng và môi trường. Hay, chịu trách nhiệm về khoảng 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, song các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vẫn chưa thể hiện rõ vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, 180 nước ký Thỏa thuận Pa-ri đến nay mới chỉ cắt giảm được khoảng một phần ba lượng khí CO2 cần thiết để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu. Các nước phát triển cũng mới đóng góp 10 tỷ USD cho quỹ toàn cầu nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó tình trạng trái đất ấm lên. Con số này chỉ bằng một phần ba tổng giá trị cam kết của các quốc gia phát triển theo Thỏa thuận Pa-ri, khiến mục tiêu đến năm 2020 đạt mức hỗ trợ 100 tỷ mỗi năm khó thành hiện thực.

LHQ cảnh báo, từ nay đến năm 2100, mức độ nghiêm trọng của nước biển dâng sẽ dựa chủ yếu vào khả năng và tốc độ giảm lượng khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tức là phụ thuộc quyết tâm chính trị và hành động cụ thể của các quốc gia, đi đầu là các nước phát triển và phát thải nhiều khí nhà kính. Hội nghị ở Niu Oóc lần này đã nhận được thêm các cam kết và sáng kiến, nhằm tiếp sức cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nổi bật là các cam kết đầu tư và tài trợ các dự án năng lượng sạch, giảm phát thải khí CO2...

Diễn ra trước thềm Hội nghị Công ước khung của LHQ về chống biến đổi khí hậu (COP 24) sẽ được tổ chức tại Ba Lan tháng 12 tới, Hội nghị cấp cao "Một hành tinh" lần thứ hai một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm của cộng đồng quốc tế với chính hành tinh và thế hệ tương lai. Thỏa thuận Pa-ri đã tạo bước khởi đầu, điều quan trọng là cộng đồng quốc tế chung tay biến các cam kết thành hành động, nhanh chóng và quyết liệt hơn.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com