Hạ viện Anh thông qua dự luật Thuế quan

07:07, 18/07/2018

Tối 16-7, Thủ tướng Anh Tê-rê-sa Mây khẳng định bà không nhượng bộ trước những yêu cầu của giới chính trị gia ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn được gọi là Brexit, sau khi bà đã chấp nhận một loạt điều chỉnh đối với một dự luật quan trọng. 

Sau quá trình tranh luận kéo dài tới 7 giờ, dự luật Thuế quan của chính phủ Anh, với 4 sự điều chỉnh, đã được Hạ viện nước này thông qua với tỷ lệ 318 phiếu thuận và 285 phiếu chống. Trong số các điều chỉnh, đáng chú ý có điều khoản Anh sẽ không thu thuế cho EU sau Brexit trừ phi có sự dàn xếp đối ứng. Dự kiến dự luật này sẽ được chuyển lên Thượng viện Anh để thông qua trước khi chính thức trở thành luật. 

Tuy nhiên, việc Hạ viện thông qua dự luật Thuế quan lại là đòn giáng mới với Thủ tướng Mây, khi ông Gu-tô Bép - một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Anh, đã từ chức để phản đối việc chính phủ chấp thuận những sửa đổi đối với dự luật này do các nghị sĩ ủng hộ Brexit đưa ra. Trước đó cùng ngày, một thư ký quốc hội của bà Mây cũng đã từ chức. 

Truyền thông Anh cùng ngày đưa tin các đối thủ của Thủ tướng Mây trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền đang thu thập chữ ký để yêu cầu tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà. Một số nguồn tin cho hay con số chữ ký thu thập được đã gần đạt mốc 48 đủ để yêu cầu tiến hành cuộc bỏ phiếu.

I-ran tuyên bố không chấp nhận “xuống nước” để đàm phán với Mỹ

Ngày 16-7, I-ran tuyên bố nếu Tổng thống Mỹ Ðô-nan Trăm muốn đàm phán sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà I-ran ký với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Mỹ cùng với Ðức) hồi năm 2015, nhà lãnh đạo Mỹ cần phải gọi điện trước. 

Ðây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran, ông Ba-ram Ga-sê-mi đưa ra cùng ngày nhằm đáp trả việc Tổng thống Trăm hồi tuần trước đã tuyên bố rằng Oa-sinh-tơn đang tăng cường các biện pháp trừng phạt I-ran và cho rằng “vào một thời điểm nào đó họ sẽ gọi cho tôi và nói “nào chúng ta cùng ký kết thỏa thuận” và chúng tôi sẽ xúc tiến một thỏa thuận”. 

Ông Ga-sê-mi tuyên bố: “Có thể một ngày nào đó ông ấy (Tổng thống Trăm) sẽ gọi tới Tê-hê-ran và đề nghị đàm phán. Ðây là trường hợp có nhiều khả năng xảy ra hơn”. 

Theo ông Ga-sê-mi, nếu ông Trăm gọi điện, không rõ liệu có ai sẽ trả lời, khi giới lãnh đạo hàng đầu của nước này bác bỏ việc đàm phán với Mỹ. 

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng I-ran Mô-ha-mét Gia-va Gia-ríp tuyên bố rằng Tê-hê-ran đã gửi đơn khiếu nại tới Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về việc Mỹ áp đặt những lệnh trừng phạt đơn phương, phi pháp nhằm vào I-ran. 

Tuy nhiên, ông Gia-ríp không nêu rõ thông tin chi tiết về động thái này của Tê-hê-ran. Hiện ICJ chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.

Hai miền Triều Tiên được phép khôi phục đường dây liên lạc quân sự

Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc đã đồng ý đề nghị của Hàn Quốc về việc khôi phục các đường dây liên lạc quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Một quan chức ngoại giao Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 16-7 xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết ủy ban gồm 15 thành viên nói trên sẽ cho phép sử dụng các vật liệu và thiết bị đặc biệt, như đường dây cáp quang, xe buýt, xe tải, dầu lửa, dầu động cơ và chất lưu... cho việc khôi phục các đường dây liên lạc.

Hiện Triều Tiên đang phải chịu một loạt trừng phạt quốc tế liên quan đến các cuộc thử hạt nhân và tên lửa, vì vậy hoạt động xuất nhập khẩu của nước này bị hạn chế nghiêm ngặt. Mọi quyết định miễn trừ trừng phạt đều phải được ủy ban trên của Liên hợp quốc đồng ý dựa trên từng trường hợp cụ thể.

Tuần trước, Ðại sứ Hàn Quốc tại Liên hợp quốc Chô Tê Un đã gửi thư tới người đứng đầu ủy ban trên đề xuất khôi phục đường dây liên lạc quân sự với Triều Tiên, kèm theo danh sách gồm hơn 50 đầu sản phẩm.

Trước đó, trong cuộc đàm phán quân sự liên Triều ngày 14-6, hai miền đã nhất trí “khôi phục đầy đủ các đường dây liên lạc quân sự” nhằm “duy trì hòa bình và ổn định, đồng thời giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và xa hơn thế”./.

Theo baotintuc.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com