Cuộc chiến "vàng đen"

08:07, 11/07/2018

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Li-bi (NOC) gần đây thông báo, hoạt động xuất khẩu dầu mỏ ở miền đông đã tạm dừng sau khi hai cảng xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt đóng cửa do bị một nhóm cực đoan tiến công. NOC ước tính thiệt hại mỗi ngày có thể lên tới 850 nghìn thùng dầu và thất thu 67,4 triệu USD nếu hai cảng dầu chính tiếp tục đóng cửa.

Lực lượng an ninh Li-bi bảo vệ cơ sở dầu mỏ. Ảnh Sme.com.my
Lực lượng an ninh Li-bi bảo vệ cơ sở dầu mỏ. Ảnh Sme.com.my

Sản lượng dầu mỏ của Li-bi đã phục hồi ở mức hơn một triệu thùng/ngày trong năm 2017 và hầu như ổn định, mặc dù hoạt động khai thác vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi các cơ sở dầu mỏ luôn có nguy cơ bị đóng cửa hoặc bị phong tỏa. Sản lượng khai thác của quốc gia Bắc Phi này hiện vẫn thấp hơn mức 1,6 triệu thùng/ngày của thời điểm trước cuộc nổi dậy năm 2011. Gần đây, hai cảng dầu lớn Ét Xi-đơ và Rát La-núp của Li-bi đã phải đóng cửa và sơ tán nhân viên sau khi nhóm Lữ đoàn Phòng vệ Ben-ga-di (BDB) đối địch với Tướng Háp-ta chỉ huy lực lượng Quân đội quốc gia Li-bi (LNA) ở miền đông, phối hợp với một nhóm vũ trang tiến công khu vực dầu mỏ trên và giao tranh với lực lượng quân đội bảo vệ khu vực này. Vụ tiến công đã khiến ít nhất một bể chứa tại cảng Rát La-núp bốc cháy, gây thiệt hại 200 nghìn thùng dầu/ngày và tất cả nhân viên tại đây đã phải sơ tán.

Thuộc quyền quản lý của Chính phủ Ðoàn kết dân tộc Li-bi (GNA), NOC khẳng định là đơn vị duy nhất tại Li-bi được Liên hợp quốc và quốc tế công nhận, chịu trách nhiệm thăm dò, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ. NOC cho biết, việc ngừng sản xuất và xuất khẩu dầu và khí tự nhiên tại khu vực lưỡi liềm dầu mỏ thời gian gần đây vì ảnh hưởng từ các hoạt động cản trở, phong tỏa của quân đội miền đông (LNA). Trong ngắn hạn cũng như dài hạn, các công ty liên kết với NOC (cả trong và ngoài nước) và nền kinh tế Li-bi sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn của các cuộc tiến công đánh vào ngành công nghiệp được coi là "xương sống" của đất nước. Lãnh đạo NOC đã kêu gọi LNA chấm dứt các hoạt động phong tỏa và tạo điều kiện để NOC hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế cũng như giảm thiệt hại đối với nền kinh tế quốc gia.

Nền kinh tế Li-bi dựa chủ yếu vào dầu mỏ. Sản lượng khai thác dầu mỏ của Li-bi từng đạt 1,6 triệu thùng/ngày thời điểm trước khi xảy ra bạo loạn. Cuộc nổi dậy mùa xuân năm 2011 đã khiến sản lượng dầu mỏ của Li-bi giảm xuống chỉ còn khoảng 20% mức này, trước khi hồi phục lên mức hơn một triệu thùng/ngày vào cuối năm 2017. Quân đội miền đông Li-bi gần đây đã đánh bại các nhóm khủng bố chiếm đóng khu vực lưỡi liềm dầu mỏ và giành quyền kiểm soát. Ðây được coi là vùng sản xuất dầu chính, quan trọng của Li-bi khi tập trung các cảng dầu lớn nhất của cả nước, nằm cách thủ đô Tơ-ri-pô-li khoảng 500 km về phía đông. LNA đã bàn giao quyền quản lý các giếng dầu quan trọng thuộc khu vực lưỡi liềm dầu mỏ cho một công ty của Chính phủ lâm thời ở miền đông thay vì NOC. Cuộc tranh giành kiểm soát nguồn "vàng đen" ở Li-bi vẫn diễn ra khốc liệt bởi quốc gia này hiện tồn tại hai chính phủ, một chính phủ đặt trụ sở ở thủ đô Tơ-ri-pô-li và một chính quyền ở miền đông. Chừng nào chưa có một giải pháp chính trị nhằm ổn định tình hình, quốc gia Bắc Phi này chưa thể phục hồi ngành công nghiệp dầu mỏ từng chiếm vị trí quan trọng ở châu lục.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com