Ga-da - Dải đất địa ngục trần gian

08:05, 18/05/2018

Dải đất Ga-da nhỏ bé ven Địa Trung Hải liên tục trở thành điểm nóng và là địa ngục trần gian với người dân ở đây suốt hàng chục năm qua.

Bản đồ khu vực Dải Ga-da. Ảnh: Vox
Bản đồ khu vực Dải Ga-da. Ảnh: Vox


Khu vực biên giới giữa Dải Ga-da và Ít-xra-en một lần nữa trở thành tâm điểm xung đột giữa người biểu tình Pa-lét-xtin và binh sĩ Ít-xra-en. Các cuộc biểu tình trong tuần qua đã lên đến đỉnh điểm sau nhiều tuần “nóng” lên tại biên giới. Để hiểu được điểm nóng này, ta cần lần lại lịch sử của Ga-da.

Một phần là do có vị trí ven biển đáng thèm muốn nên mảnh đất Ga-da từ nhiều thế kỷ luôn là mục tiêu tranh giành giữa các bên. Tuy nhiên, cuộc xung đột thời hiện đại bắt đầu từ năm 1948. 

Trước thời gian đó, khu vực Dải Ga-da, một dải đất rộng hơn 360km2 ven Địa Trung Hải, thuộc quyền cai trị của người Anh. Khu vực này từ nhiều thế kỷ là nơi sinh sống của người A-rập Hồi giáo chiếm đa số và người Thiên chúa giáo, Do Thái thiểu số. 

Tuy nhiên, khi người Do Thái ở châu Âu chạy trốn vì bị diệt chủng, cộng đồng Do Thái tăng mạnh ở đây. Các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ dưới thời Tổng thống Ha-ri Tơ-ru-man đã ủng hộ việc tìm một mảnh đất cho người Do Thái.

Năm 1947, Liên hợp quốc mới thành lập đã thông qua một kế hoạch phân chia khu vực thành một nhà nước của người A-rập và một nhà nước của người Do Thái. Người A-rập Pa-lét-xtin được Xi-ri, Li-băng, Gioóc-đa-ni và Ai Cập ủng hộ đã phản đối kế hoạch vì Liên hợp quốc trao cho người Pa-lét-xtin ít đất hơn cho dù họ đông gấp đôi người Do Thái. Tuy nhiên, lãnh đạo của khu vực sau này là Ít-xra-en đã nhất trí với kế hoạch phân chia và tự mình xúc tiến kế hoạch.

Ngày 14-5-1948, ngày người Anh rút khỏi khu vực, các tổ chức phục quốc Do Thái do ông Đa-vít Ben Gu-ri-ôn lãnh đạo tuyên bố Ít-xra-en là một nhà nước. Cuộc chiến tranh giữa người A-rập và Ít-xra-en nổ ra ngay ngày sau đó.

Lực lượng Ai Cập thành lập một căn cứ ở Thị trấn Ga-da và nỗ lực đẩy bật người Ít-xra-en trở lại. Tuy nhiên, tới mùa thu năm đó, khu vực mà họ kiểm soát quanh Ga-da chỉ dài 40km, rộng 8km. Khi Ai Cập và Ít-xra-en đình chiến vào tháng 2-1949, biên giới Dải Ga-da được vạch ra và khu vực này thuộc kiểm soát của Ai Cập.

Ai Cập kiểm soát

3/4 trong số một triệu người Pa-lét-xtin chạy trốn hoặc bị đẩy ra khỏi nhà trên mảnh đất trở thành lãnh thổ Ít-xra-en trong năm 1948. Họ gọi giai đoạn này là Nakba (Ngày Thảm họa).

Mặc dù Ai Cập kiểm soát Ga-da, nhưng người tị nạn Pa-lét-xtin ở Dải Ga-da không được chính phủ Ai Cập cho vào các khu vực khác ở Ai Cập. Mất nhà cửa và kế sinh nhai, khoảng 500 nghìn người Pa-lét-xtin phụ thuộc vào viện trợ Liên hợp quốc.

Ga-da vẫn do quân đội Ai Cập kiểm soát cho tới cuộc khủng hoảng kênh đào Xu-ê năm 1956 - khi Ai Cập quốc hữu hóa tuyến đường vận tải biển quan trọng này bất chấp Anh và Pháp phản đối. Ai Cập cấm tàu Ít-xra-en qua kênh đào Xu-ê. Đáp lại, Ít-xra-en xâm chiếm Ga-da, chiếm dải đất này suốt một năm và buộc phải trả lại Ai Cập trước sức ép của quốc tế.

Cuộc chiến tranh sáu ngày

Tháng 6-1967, trong bối cảnh căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, nhiều năm đụng độ nhỏ lẻ ở biên giới đã biến thành cuộc chiến tranh kéo dài sáu ngày.

Để bảo vệ mình, người Ít-xra-en đã xây dựng một lực lượng quân đội quy củ và hùng mạnh. Sáng 5-6-1967, đoán trước được động thái từ các nước láng giềng A-rập, Ít-xra-en đã tấn công phủ đầu bất ngờ, quét sạch phần lớn không quân Ai Cập, tiếp đó là không quân Gioóc-đa-ni và Xi-ri vào buổi chiều.

Quân đội các nước A-rập rơi vào trạng thái bị tổn thương và trong vòng 5 ngày tiếp theo, Ít-xra-en mở rộng lãnh thổ nhanh chóng, chiếm Dải Ga-da và Bán đảo Si-nai từ Ai Cập, Cao nguyên Gô-lan từ Xi-ri cũng như Bờ Tây và Đông Giê-ru-sa-lem từ Gioóc-đa-ni. Lãnh thổ Ít-xra-en được mở rộng đáng kể.

Sau 2.000 năm lưu vong, toàn bộ khu vực linh liêng của đạo Do Thái giờ nằm trong tay người Do Thái. 

Một số chính trị gia Ít-xra-en cảnh báo rằng quy mô lãnh thổ của Ít-xra-en mới sẽ khiến nước này không thể tránh khỏi xung đột. Tuy nhiên, người Do Thái mộ đạo cho rằng không thể từ bỏ những khu vực linh thiêng. Ít-xra-en đóng quân ở Ga-da và bắt đầu xây khu tái định cư trên lãnh thổ mới chiếm đóng bất chấp luật pháp quốc tế cấm bên xâm chiếm đưa người dân tới lãnh thổ mình vừa chiếm để định cư.

Ở Ga-da, hơn 1 triệu người tị nạn rơi vào cảnh nằm dưới quyền cai trị của Ít-xra-en. Sau đó, phong trào dân tộc Pa-lét-xtin dần phát triển, Tổ chức Giải phóng Pa-lét-xtin (PLO) có ảnh hưởng mới.

Căng thẳng tiếp diễn

Năm 1993, PLO và Ít-xra-en ký Hiệp ước Hòa bình Ô-xlô. Ít-xra-en giao lại quyền kiểm soát một số phần Ga-da và Bờ Tây cho chính quyền bán tự trị Pa-lét-xtin đổi lại thỏa thuận kiềm chế bạo lực của các nhóm du kích Pa-lét-xtin như Ha-mát - nhóm được thành lập trong giai đoạn đụng độ bạo lực giữa người Pa-lét-xtin và binh sĩ Ít-xra-en năm 1987.

Tuy nhiên, chính quyền Pa-lét-xtin không thể ngăn chặn các vụ tấn công và Ít-xra-en từ chối dỡ bỏ các khu định cư còn lại.

Nhờ thiết lập các chương trình giáo dục và xã hội ở Ga-da, Ha-mát đã giành được sự ủng hộ và thắng cuộc bầu cử năm 2006.

Sau khi Ha-mát thắng cuộc bầu cử ở Ga-da và kiểm soát mảnh đất này cho tới nay, Ít-xra-en phong tỏa đường biển, đường không và đường bộ ở Dải Ga-da khiến kinh tế và cuộc sống ở đây thành thảm họa. Ước tính 80% trong số 1,3 triệu người tị nạn Pa-lét-xtin ở Ga-da phải sống nhờ vào viện trợ và hơn nửa triệu người sống trong trại tị nạn. 

Các vụ nã tên lửa và tấn công từ Ha-mát cùng các nhóm khác ở Ga-da đã bị Ít-xra-en đáp trả bằng các cuộc không kích và tấn công trên bộ. Bạo lực, xung đột xảy ra gần như hằng ngày.

Địa ngục trần gian

Hằng năm, cứ vài tuần trước ngày Nakba (ngày 15-5), căng thẳng lại bùng phát nhân dịp kỷ niệm. Bạo lực năm nay có thể là đẫm máu nhất trong lịch sử. Đụng độ giữa người Pa-lét-xtin và Lực lượng Phòng vệ Ít-xra-en đã khiến hơn 100 người ở Ga-da thiệt mạng trong 7 tuần qua, chỉ riêng ngày 14-5 đã là 60 người.

Hàng triệu người ở Ga-da sẵn sàng mạo hiểm, kể cả liều chết để vượt qua hàng rào và vào Ít-xra-en. Trong 11 năm bị Ít-xra-en và Ai Cập phong tỏa, cuộc sống của những người ở Ga-da là một cuộc đấu tranh đau đớn.

Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 40%. Với người trẻ, tỷ lệ này là hơn 60% và họ không có tương lai. Điện, thực phẩm đều khan hiếm nặng nề. Tỷ lệ nghèo đói ở đây là 39%. Ước tính 80% dân số ở Ga-da cần hỗ trợ xã hội về một mặt nào đó.

Ga-da hiện nay nghèo hơn nhiều so với những năm 1990. Nền kinh tế chỉ tăng trưởng 0,5% năm 2017. Thu nhập năm của một người giảm từ 2.659USD năm 1994 xuống 1.826USD năm 2018.

Hệ thống trường học ở Ga-da chịu áp lực nặng nề. 94% trường học phải chia thành 2 ca sáng và chiều. Cơ quan cứu trợ của Liên hợp quốc điều hành 250 trường học ở Ga-da. Xung đột năm 2014 đã phá hủy rất nhiều trường học ở đây.

Khu vực này liên tục bị cắt điện hằng ngày. Trung bình, người Ga-da chỉ có 6 giờ dùng điện mỗi ngày.

Dải Ga-da lấy nguồn điện chủ yếu từ Ít-xra-en và một nhà máy điện duy nhất ở Ga-da. Lượng điện chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com