Nguy cơ cuộc chiến thương mại mới

07:04, 05/04/2018

Căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc đang leo thang có nguy cơ gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho cả hai phía. Tuy nhiên, không chỉ người tiêu dùng và kinh tế Mỹ, Trung Quốc bị thiệt hại, kinh tế toàn cầu cũng sẽ trở thành “nạn nhân” của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Căng thẳng thương mại Trung Quốc - Mỹ đã bùng phát từ mấy tuần gần đây sau khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm trong tháng 3 đã ký một sắc lệnh áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, trong đó có các sản phẩm của Trung Quốc. Tiếp đó, Mỹ đã “đổ thêm dầu vào lửa” khi quyết định bổ sung áp thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng trị giá khoảng 60 tỷ USD.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải hôm 3-4 tuyên bố, Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả tương ứng về tỷ lệ và quy mô, nếu Oa-sinh-tơn áp thêm các mức thuế mới đối với hàng hóa của Trung Quốc liên quan tới một cuộc điều tra thương mại. "Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại", để đáp trả việc Mỹ tăng thuế, Trung Quốc cho biết sẽ ngừng ưu đãi thuế cho 128 sản phẩm của Mỹ từ ngày 2-4. Cụ thể, Trung Quốc áp mức thuế 15% đối với 120 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ gồm trái cây và các sản phẩm liên quan và mức 25% đối với tám mặt hàng gồm thịt lợn và các sản phẩm liên quan. Trung Quốc cho rằng, việc ngừng ưu đãi thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ là nhằm bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc còn cảnh báo sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ tổng giá trị 3 tỷ USD.

Dư luận Mỹ đang quan ngại các biện pháp tăng thuế nhằm thực hiện chính sách “nước Mỹ trên hết” như trên sẽ trở thành “gậy ông đập lưng ông”, gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng và kinh tế Mỹ. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bắc A-ri-dô-na (NAU) vừa công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng thuế nhôm, thép sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ. Theo đó, việc tăng thuế có thể làm tăng phí kinh doanh cho nền kinh tế Mỹ bởi các doanh nghiệp phải trả giá cao hơn để mua thép, nhôm và các nguyên liệu đầu vào khác. Dù mục tiêu của việc Oa-sinh-tơn áp thuế là bảo vệ các cộng đồng và ngành công nghiệp Mỹ, song điều này dường như phản tác dụng khi các đối tác thương mại của Mỹ áp thuế trả đũa, có thể gây phương hại chính tới cộng đồng và ngành công nghiệp của nước này. Trong nền kinh tế Mỹ, sẽ có “kẻ được, người mất” từ chính sách thuế của ông Đ.Trăm. Chẳng hạn, tăng thuế thép giúp bảo vệ việc làm trong ngành khai thác than đá và thép, nhưng nếu các nhà sản xuất thép châu Á như Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với nông sản Mỹ, ngành nông nghiệp Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng nề.

Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ không nên nghĩ rằng các ngành kinh tế của nước này sẽ “bình an vô sự” khi thực hiện tăng thuế nhằm vào Trung Quốc và các đối tác khác. Chẳng hạn, thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm của Mỹ mà Trung Quốc vừa công bố đã ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi của bang Ai-ô-oa, bang sản xuất thịt lợn lớn nhất nước Mỹ với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2017 đạt khoảng 1,1 tỷ USD. Bên cạnh đó, khu vực miền tây, hành lang Mi-xi-xi-pi, bờ tây nước Mỹ, những nơi xuất khẩu nhiều nông sản, hàng công nghiệp và chế tạo sang Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu (EU), có thể sẽ là “bên thua cuộc” trong bối cảnh Trung Quốc và EU đang công khai thảo luận áp thuế trả đũa Mỹ...

Hãng tin Roi-tơ cho rằng, Trung Quốc còn một “vũ khí hạng nặng” khác để trả đũa Mỹ là lĩnh vực tài chính, bởi nước này đang nắm giữ tới 1.170 tỷ USD trái phiếu Mỹ. Giới phân tích cho rằng, nếu Trung - Mỹ rơi vào cuộc chiến thương mại thì với những vũ khí lợi hại như trên, rất có thể Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong đàm phán chứ không phải Mỹ.

Ở thời điểm hiện tại, nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng, mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, song sự đối đầu chưa sớm dẫn tới một cuộc chiến thương mại, do các hành động đáp trả lẫn nhau mới chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, bản chất của căng thẳng thương mại Trung - Mỹ bắt nguồn từ sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ, nền kinh tế số một thế giới với Trung Quốc - nước đang thách thức vị thế siêu cường của Mỹ. Cuộc cạnh tranh này được cho sẽ còn kéo dài và có thể không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Nếu hai nước không kiểm soát tốt tình hình, một cuộc chiến thương mại giữa hai bên hoàn toàn có thể xảy ra và kinh tế toàn cầu cũng chịu cảnh "cháy thành vạ lây".

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com