Nghi án vũ khí hóa học tại Xi-ri, Mỹ có một lần nữa nã tên lửa Tô-ma-hốc?

08:04, 11/04/2018

Đúng một năm về trước, ngày 7-4-2017, quân đội Mỹ đã nã 59 quả tên lửa hành trình Tô-ma-hốc vào căn cứ Xi-ri để trả đũa cho cái mà họ gọi là vụ tấn công hóa học ở Khan Say-khun. Lần này, liệu một quyết định tương tự có được đưa ra với cáo buộc “tấn công vũ khí hóa học tại Đu-ma”, điều mà cả Đa-mát và Mát-xcơ-va đã bác bỏ và coi là cái cớ để lật đổ chính quyền Tổng thống Át-xát.

Mối quan hệ Nga - phương Tây còn đang căng thẳng bởi vụ đầu độc cựu điệp viên Sơ-ca-ri-pan lại tiếp tục được làm nóng hơn nữa với nghi án tấn công vũ khí hóa học tại Thị trấn Đu-ma, thuộc Đông Gu-ta, Xi-ri.

Máy bay trong nhà chứa tại căn cứ không quân Shayat, Syria, bị phá hủy trong cuộc không kích tháng 4/2017 của Mỹ. Ảnh: AP
Máy bay trong nhà chứa tại căn cứ không quân Say-át, Xi-ri, bị phá hủy trong cuộc không kích tháng 4-2017 của Mỹ. Ảnh: AP

Nghi án làm bùng nổ tranh cãi

Thông tin từ một tổ chức phi Chính phủ có tên White Helmets được BBC dẫn cho biết, 70 người đã thiệt mạng và gần 1.000 người bị thương do vụ tấn công ở Đu-ma, các nạn nhân có những triệu chứng bị tấn công bởi vũ khí hóa học.

Báo cáo này đã lập tức gây nên những tranh cãi căng thẳng. Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đổ lỗi cho Nga và I-ran vì đã ủng hộ Chính phủ Xi-ri, lực lượng bị cáo buộc là chịu trách nhiệm vụ tấn công nói trên. Ông tuyên bố trên Twitter: “Sẽ phải trả giá đắt”.

Trong khi đó, Hãng thông tấn nhà nước Xi-ri (SANA) dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích những cáo buộc chính quyền Tổng thống Ba-sa An Át-xát sử dụng vũ khí học tại Đu-ma là một “kế hoạch dàn dựng từ trước” của phe đối lập. Bộ Ngoại giao Xi-ri khẳng định, đây là một âm mưu của “những kẻ khủng bố” tại Đu-ma nhằm đánh lạc hướng các chiến dịch chống khủng bố tại Xi-ri.  

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định những thông tin xoay quanh vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Xi-ri là hoàn toàn giả mạo, đồng thời cảnh báo mọi hoạt động quân sự tiến hành dựa trên “chứng cứ giả mạo hoặc bịa đặt” có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nga cho rằng mục đích của việc phát tán thông tin vô căn cứ này là nhằm bao che cho thế lực khủng bố và tìm cách biện hộ cho khả năng huy động lực lượng nước ngoài tới Xi-ri. Theo hãng thông tấn TASS, Nga cũng tố cáo White Helmets là tổ chức chuyên đưa tin tức giả mạo.

Nguy cơ Xi-ri hứng tên lửa hành trình

Đu-ma là một trong những thành lũy kháng cự cuối cùng của phe nổi dậy tại Đông Gu-ta, nơi đã bị không kích nặng nề những ngày gần đây trong nỗ lực của lực lượng chính phủ nhằm kiểm soát vùng ngoại ô phía đông Thủ đô Đa-mát.

Những thông tin chưa được xác thực về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Đu-ma, Xi-ri xuất hiện đúng thời điểm mà 1 năm trước, ngày 7-4-2017 quân đội Mỹ theo lệnh của Tổng thống Đô-nan Trăm đã nã hàng chục quả tên lửa hành trình Tô-ma-hốc xuống căn cứ không quân Say-rát của Xi-ri để trả đũa cho cái mà họ cáo buộc là “hành động tấn công bằng vũ khí hóa học tại Thị trấn Khan Say-khun”. Chính phủ Xi-ri và Nga khi đó đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc này.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu chính quyền Trăm có trừng phạt chính quyền Tổng thống Át-xát dựa trên những cáo buộc tấn công vũ khí hóa học mà Đa-mát và Mát-xcơ-va đã phản bác là “bịa đặt” và “vô căn cứ” hay không.

Theo trang TheDrive, giới phân tích cho rằng nếu Oa-sinh-tơn phát động một cuộc tấn công như vậy vào lúc này thì sẽ không dễ dàng như một năm trước. Phía Nga đã tuyên bố không chỉ ủng hộ Tổng thống Át-xát chống lại một cuộc tấn công tương tự, mà còn trả đũa các lợi ích Mỹ trong khu vực. Mát-xcơ-va cũng nâng cấp hệ thống phòng không của Xi-ri, cung cấp những thiết bị tiên tiến hơn.

Trên thực tế thì cuộc tấn công bằng tên lửa Tô-ma-hốc vào Xi-ri năm 2017 của Mỹ đã gây thiệt hại khá “tức cười”. Căn cứ Say-rát hoạt động trở lại chỉ vài tiếng sau khi bị nã hàng chục quả Tô-ma-hốc. Đa-mát tuyên bố cuộc tấn công bằng tên lửa Tô-ma-hốc vào căn cứ không quân Say-rát chỉ phá hủy 1 máy bay Su-22M, 5 máy bay Su-22M3 và 3 máy bay MiG-23. Trong khi đó, giá mỗi quả tên lửa Tô-ma-hốc lên tới khoảng 1,7 triệu USD, chỉ riêng 59 quả Tô-ma-hốc đã khiến quân đội Mỹ tốn kém trên 100 triệu USD, chưa kể nhiều chi phí đi kèm.

Thời điểm hiện tại, Chính phủ Xi-ri đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn ở miền tây Xi-ri, với sức mạnh được củng cố hơn. Vì vậy một chiến dịch không kích của lực lượng Mỹ sẽ đối mặt nhiều rủi ro hơn. Những máy bay của Mỹ, có thể là máy bay ném bom B-2 Spirits hay tiêm kích F-22 Raptor có thể gặp nhiều nguy hiểm hơn khi thực hiện sứ mạng.

Phòng không Xi-ri đã sẵn sàng

Trong lúc này, trước cáo buộc của Mỹ và phương Tây về việc quân đội Xi-ri sử dụng vũ khí hóa học ở Đu-ma và đe dọa tấn công bằng tên lửa hành trình Tô-ma-hốc, các lực lượng phòng không Nga ở Xi-ri đã được lệnh trực chiến đấu ở mức cao nhất, sẵn sàng đánh bại đòn tập kích nếu có.

Theo những nguồn tin địa phương Xi-ri ở các tỉnh Ta-tút và La-ta-ki-a, các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400, pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 và tiêm kích Su-30SM, Su-35 Nga đóng quân ở căn cứ hải quân Ta-tút và căn cứ không quân Khơ-mây-min lập tức chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu./.

Theo TTXVN



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com