Hội nghị APPF-26: Quan hệ đối tác vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững

08:01, 16/01/2018

Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (Hội nghị APPF-26) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức sắp diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18 đến 21-1 tới. Nhân dịp này, đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Thông tin – Tuyên truyền Hội nghị APPF-26, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có bài viết về mục đích, ý nghĩa của Hội nghị APPF-26.

Hội nghị APPF-26 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18/1 tới
Hội nghị APPF-26 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18/1 tới

 

Cách đây 25 năm, ngày 15-3-1993, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) đã được thành lập với mục tiêu xây dựng lòng tin giữa nghị viện các nước trong khu vực thông qua việc tăng cường các cuộc đối thoại giữa các nghị sĩ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Ðến nay, APPF ngày càng trở thành một diễn đàn liên nghị viện quan trọng với sự tham gia của 27 nghị viện thành viên, trong đó có nhiều nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a… Ðặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay, cùng với Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), APPF ngày càng thể hiện vai trò là một cơ chế đối thoại, hợp tác quan trọng giữa các nước trong khu vực, thể hiện ở một số điểm chính như sau:

Thứ nhất, nghị viện là cơ quan đại diện thể hiện trực tiếp ý kiến của cử tri và từ đó có thể trao đổi, đối thoại với cơ chế hợp tác liên chính phủ để bảo đảm rằng ý kiến của công chúng được tính đến trong việc triển khai chính sách đối ngoại. Do vậy, cơ chế hợp tác trong APPF góp phần mở rộng đáng kể tính chính thức của chính sách đối ngoại của các nước; đóng vai trò là nơi thể hiện các nguyện vọng và quan điểm của cử tri về các vấn đề chính sách cụ thể.

Thứ hai, APPF là nơi để nghị sĩ các nước trong khu vực có thể gặp nhau, thảo luận, tìm kiếm những cách tiếp cận mới để xử lý những vấn đề đang được các quốc gia trong khu vực quan tâm hoặc có những điểm khác biệt mà chính phủ các nước khó có thể xử lý qua những kênh hợp tác khác. Thông qua cơ chế của APPF, các nước trong khu vực có thể tìm được các giải pháp hợp tác phù hợp.

Thứ ba, sự tham gia sâu hơn của nghị viện vào các vấn đề quốc tế được xem như là một phần tất yếu của toàn cầu hóa. Ngày càng nhiều vấn đề yêu cầu các nghị viện phải xem xét có nguồn gốc từ sự phát triển của các mối quan hệ quốc tế. Thực tế cho thấy, việc mở rộng và đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của chính phủ các nước trong các tổ chức quốc tế cũng đặt ra vấn đề cần tăng cường vai trò của các tổ chức liên nghị viện để vừa hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đối ngoại, vừa tăng cường hoạt động giám sát.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong hơn 20 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn. Tiếp nối ngay sau thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017, Quốc hội Việt Nam là chủ nhà của Hội nghị APPF-26. Việc Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-26 nhằm triển khai tích cực chủ trương, đường lối đối ngoại đã được Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng đề ra, đó là: "Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới". Việc đăng cai và tổ chức Hội nghị APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao của Nhà nước ta. Hội nghị cũng sẽ là dịp để tăng cường ngoại giao song phương giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước trong khu vực và trên thế giới. Ðây là lần thứ hai Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị APPF sau lần đầu là Hội nghị lần thứ 13 tại Hạ Long vào tháng 1-2005, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF, truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh Quốc hội đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm đối với bạn bè quốc tế.

Hội nghị APPF-26 lần này có sứ mệnh quan trọng trong việc định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một Tầm nhìn cho APPF, một tương lai chung cho tất cả mọi thành phần với sự đóng góp và sáng tạo của các nghị viện thành viên nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân. Với chủ đề chung của Hội nghị là "Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững", nghị sĩ các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ thảo luận các định hướng cho Diễn đàn trên những vấn đề then chốt sau:

Thứ nhất, thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Các nghị sĩ sẽ nêu những vấn đề quan trọng, nổi bật liên quan hòa bình, an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương, như tình hình bán đảo Triều Tiên, an ninh hàng hải, an ninh mạng…, trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, nhấn mạnh vai trò trọng tâm của ngoại giao nghị viện.

Thứ hai, Hội nghị sẽ nghe thông báo về kết quả của Hội nghị cấp cao APEC năm 2017, thảo luận các nội dung hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chia sẻ những quan điểm của nghị viện và đóng góp vào nỗ lực của khu vực hướng tới mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác nhằm tăng cường hành động chung để ứng phó biến đổi khí hậu, các nguồn lực cho phát triển bền vững và đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực.

Thứ tư, thảo luận những sáng kiến để nâng cao hiệu quả thực chất, vai trò của APPF đối với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới, tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khuôn khổ hội nghị, cuộc họp Nữ Nghị sĩ APPF tập trung vào chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung". Bình đẳng giới là mục tiêu số năm trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với mọi quốc gia, là một chuẩn mực để đánh giá về sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Cuối cùng, để kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển APPF, ghi dấu ấn một giai đoạn phát triển mới của APPF, Quốc hội Việt Nam đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội - Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương. Bản Tuyên bố sẽ bảo đảm tính kế thừa của APEC cũng như phù hợp với các Tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua để nhấn mạnh những cam kết của các nghị viện thành viên vì mục tiêu, lợi ích chung.

Trên cương vị chủ nhà của Hội nghị APPF-26, Quốc hội Việt Nam có trọng trách cùng các nghị viện thành viên phát huy tối đa vai trò của APPF trong việc xúc tác, gắn kết các bên và thiết lập vị thế là một đối tác có tiếng nói tại các diễn đàn hợp tác đa phương khác trong khu vực và trên thế giới. Với việc đăng cai tổ chức APPF-26, Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục khẳng định chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu cùng nghị viện các nước thành viên APPF vun đắp cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương ổn định, năng động, gắn kết vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com