Sóng gió trên chính trường nước Anh

09:11, 28/11/2017

Chính trường nước Anh đang chứng kiến sự chia rẽ nội bộ sâu sắc, ngay vào lúc tiến trình đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, bước vào giai đoạn quan trọng.

Trưởng đoàn đàm phán Anh và EU trong buổi họp báo chung sau vòng đàm phán thứ sáu về Brexit. Ảnh GETTYIMAGES
Trưởng đoàn đàm phán Anh và EU trong buổi họp báo chung sau vòng đàm phán thứ sáu về Brexit. Ảnh GETTYIMAGES

Trong vòng một tuần, hai bộ trưởng của Anh xin từ chức do dính líu các vụ bê bối. Ðiều này đã khiến uy tín của Thủ tướng Anh T.Mây sụt giảm nghiêm trọng. Những chia rẽ sâu sắc đã xuất hiện trong đảng Bảo thủ cầm quyền. Các cuộc tranh luận gay gắt về Dự luật Brexit của Chính phủ Anh liên tục diễn ra giữa các phe của đảng Bảo thủ. Khoảng 20 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã liên kết với các nghị sĩ Công đảng để yêu cầu Chính phủ Anh nhượng bộ trong vấn đề đàm phán Brexit, đồng thời bày tỏ phản đối dữ dội việc Chính phủ của bà T.Mây ấn định thời điểm đưa nước Anh rời EU là vào 23 giờ tối 29-3-2019. Các nghị sĩ này cho rằng, việc Chính phủ ấn định thời điểm về Brexit sẽ cản trở khả năng đạt được một thỏa thuận có lợi cho nước Anh trong trường hợp Anh và EU cần thêm thời gian để đàm phán.

Những biến động trên chính trường đã đẩy nước Anh vào thế yếu trong cuộc đàm phán khó khăn với EU. Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Ð.Ðây-vi cho biết, Anh đã chuẩn bị sẵn kịch bản trong trường hợp cuộc đàm phán giữa Anh và EU thất bại. Thậm chí, nhiều cựu quan chức Anh gần đây lên tiếng ủng hộ việc nước này đổi ý, ở lại EU hoặc Anh tổ chức cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về tư cách thành viên trong EU. Các nhà phân tích đều tỏ ra không mấy lạc quan về triển vọng đàm phán của nước Anh, bởi họ cho rằng, Chính phủ của nữ Thủ tướng T.Mây đang bị kẹt giữa một bên là EU cứng rắn, không khoan nhượng trên bàn đàm phán và một bên là đảng Bảo thủ còn đang loay hoay, mơ hồ về đường hướng Brexit.

Thời gian qua, quốc đảo sương mù đã nhiều lần tỏ ra nhượng bộ trên bàn đàm phán Brexit với EU. Các bộ trưởng cấp cao của Anh mới đây nhất trí tăng số tiền nước này trả cho EU liên quan vấn đề Brexit, song chỉ trong trường hợp hai bên đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Mặc dù chưa công bố số tiền cụ thể, song đây cũng là động thái cho thấy thiện chí của Luân Ðôn trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán đang bế tắc, trì trệ. Trước đó, Thủ tướng Anh T.Mây từng nhấn mạnh, mặc dù Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3-2019 nhưng vẫn tuân theo các quy định luật pháp của EU, tiếp tục để các công dân EU tự do đến Anh tìm việc và sinh sống. Ngoài ra, Anh cam kết đóng góp 20 tỷ ơ-rô bù đắp cho lỗ hổng ngân sách EU trong năm 2019 do Anh rời EU.

Sau khi ván cờ của nữ Thủ tướng T.Mây bị lật ngược trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm hồi tháng 6 vừa qua, áp lực đã đè nặng lên vai bà T.Mây bởi nội bộ đảng cầm quyền không thể thống nhất đường hướng đàm phán Brexit. Cho đến nay, dù đã trải qua sáu vòng đàm phán, Anh và EU vẫn không thể tìm ra cách tháo gỡ những nút thắt quan trọng liên quan ba vấn đề hóc búa, gồm “hóa đơn ly hôn” mà Anh phải trả, quyền của công dân EU sống tại Anh, đường biên giới giữa Bắc Ai-len và Ai-len.

Theo giới chuyên gia, trong hoàn cảnh khó khăn hiện tại, việc khơi thông thế bế tắc và nhanh chóng đưa tiến trình đàm phán Brexit bước sang giai đoạn mới là “quân át chủ bài” để nữ Thủ tướng T.Mây cứu vãn uy tín của mình. Mặc dù Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh Ð.Ðây-vi khẳng định, vị trí Thủ tướng của bà T.Mây chắc chắn được giữ vững ít nhất cho đến lúc cuộc đàm phán về Brexit kết thúc, nhưng con đường bà T.Mây đang đi vẫn không bớt khó khăn, nhất là khi ngày càng có nhiều ý kiến mong muốn Anh quay về với ngôi nhà chung EU.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com