Biến động chính trị của Thủ tướng Đức Méc-ken có ý nghĩa gì với châu Âu?

09:11, 28/11/2017

 

Ở thời điểm Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken đối mặt với nhiều khó khăn để thành lập chính phủ liên minh, trong lòng châu Âu cũng diễn ra biến động ở các quốc gia thành viên. Vậy sự kiện tại nước Đức có ý nghĩa như thế nào với liên minh châu Âu (EU) nói chung?

Anh đang trong lộ trình để rời EU (còn gọi là Brexit) với các nhiệm vụ to lớn được hãng thông tấn Roi-tơ (Anh) đánh giá dường như vượt ra khỏi khả năng của chính phủ đảng Bảo thủ nước này.

Cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào đầu năm 2018 tại I-ta-li-a đang chứng kiến hiện tượng đảng cánh hữu không ủng hộ người nhập cư và nghi ngờ về đồng euro, lại nhận được sự ủng hộ.

Cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của Ca-ta-lô-ni-a ngày 1-10 mà Chính phủ Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp đã đẩy quốc gia châu Âu này lún sâu vào khủng hoảng chính trị. Đến ngày 27-10, cơ quan lập pháp vùng tự trị Ca-ta-lô-ni-a bỏ phiếu tuyên bố độc lập. Sau sự kiện này, Chính phủ trung ương Tây Ban Nha quyết định quản lý trực tiếp Ca-ta-lô-ni-a. Theo Roi-tơ, động thái của Ma-đrít dường như chỉ “thêm dầu vào lửa” khiến Ca-ta-lô-ni-a càng có quyết tâm để được độc lập.

Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken trong một phiên họp tại Béc-lin ngày 21-11. Ảnh: Roi-tơ
Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken trong một phiên họp tại Béc-lin ngày 21-11. Ảnh: Roi-tơ

 

Ba Lan cũng gây chú ý khi chính phủ do đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền bị Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Đô-nan Túc-xcơ chỉ trích. Theo hãng Bloomberg (Mỹ), đây là lần đầu tiên một lãnh đạo EU mâu thuẫn với chính phủ quốc gia thành viên.

Đó mới là tình trạng ở những quốc gia lớn, về phần các thành viên EU có diện tích nhỏ và trung bình cũng có một số trường hợp được đánh giá là “hóc búa”.

Thủ tướng Hung-ga-ri Vích-to Ô-rơ-ban vào ngày 8-9 tuyên bố chính phủ của ông sẽ không thay đổi lập trường phản đối nhập cư. Điều này đã khiến Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken lên tiếng đề nghị nhanh chóng thi hành phán quyết của một tòa án cấp cao EU rằng các nước thành viên phải nhận và cùng chia sẻ những người nhập cư đến “lục địa già”.

Tại Áo, thảo luận về liên minh giữa đảng Nhân dân Áo (OVP) của Thủ tướng mới đắc cử Sê-bát-chiêng Cu-dơ và đảng Tự do đã có khởi đầu tốt trong tháng 10. Nếu điều này trở thành hiện thực, đảng theo hướng bảo thủ của Thủ tướng mới đắc cử Cu-dơ và đảng Tự do (FPO) có xu hướng cực hữu sẽ hình thành một liên minh không thân thiện với vấn đề nhập cư đồng thời thể hiện không tin tưởng EU và có mong muốn quyền lực được trao về cho các nước thành viên thuộc liên minh này.

Tại Cộng hoà Séc, đối thoại thành lập chính phủ liên minh không tìm được tiếng nói chung sau cuộc bầu cử vào tháng 10, do vậy lãnh đạo đảng ANO giành chiến thắng - ông An-đrây Ba-bít đã cảnh báo về việc hình thành chính phủ thiểu số. Theo Roi-tơ, bất cứ chính phủ thiểu số nào cũng có nguy cơ mang lại rối loạn chính trị và không đạt được thỏa thuận về ngân sách.

Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm dường như muốn châu Âu tự lo liệu cho mình thay vì quen với việc được gọi là đồng minh thân cận của Oa-sinh-tơn. Ông Giôn Lô-ít tại Đại học Ốt-xpho (Anh) nhận định rằng phần không hòa thuận giữa châu Âu với Nga liên quan tới các lệnh trừng phạt dường như chưa được xử lý.

Từ tình hình trên, nước Đức hiện giữ vị trí như “một cảng biển ôn hòa giữa cơn bão”, được dẫn dắt bởi bà Méc-ken - người phụ nữ được trong nước ca ngợi và quốc tế tôn trọng. Tuy nhiên, diễn biến trong tuần qua đã khiến tờ Bild phải đưa ra bài báo với tiêu đề “Bà Méc-ken còn nắm quyền được bao lâu?”.

Liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) của Thủ tướng Méc-ken đã giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội sau cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 9. Tuy nhiên, bà Méc-ken trong ngày 19-11 đã thất bại trong đàm phán thành lập chính phủ liên minh với đảng FDP và đảng Greens. Điều này gây nguy cơ kéo chính trị Đức rơi vào khủng hoảng. Nếu đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) từ chối thành lập liên minh, thì khả năng một cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức.

Viễn cảnh này nảy sinh lo ngại rằng đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy có thể gặt hái thêm sức mạnh. 

Ông Giôn Lô-ít cho rằng rối loạn tại Đức có thể không kéo dài bởi quốc gia này vẫn duy trì là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Ngoài ra, bà Méc-ken đã hứa hẹn với EU rằng Đức vẫn duy trì cam kết trung thành với liên minh. Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua đồng thời cũng nhắc nhở về sự tự nhìn nhận quanh vấn đề dạng thức nào là hợp lý đối với liên minh châu Âu trong thế kỷ 21./.

Theo baotintuc.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com