Viễn cảnh vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp

08:04, 26/04/2017
Tình huống mới hiện nay đang đưa một ứng cử viên “phi đảng phái” dẫn đầu vòng một và có nhiều khả năng có được chiến thắng ở vòng hai, tạo ra nhiều yếu tố khó tiên lượng.
 
Theo hãng tin Tân Hoa Xã, ngay sau khi có kết quả sơ bộ vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp, theo đó ứng cử viên trung dung Em-ma-nu-en Mắc-crông và Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia Ma-rin Lơ Pen lọt vào vòng hai, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Pa-ri Giăng Phrăng-xoa Đi Mê-li-ô đã có những đánh giá về vòng hai sẽ diễn ra vào ngày 5-7 tới khi cho rằng các dữ kiện trước mắt cho thấy, khả năng thắng cử vòng hai của nhà lãnh đạo phong trào Tiến bước là rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, chiến thắng sẽ không vang dội như những gì ông Giắc-kê Si-rắc giành được vào năm 2002. 
 
Tại cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào năm 2002, ứng cử viên khi đó của đảng Mặt trận quốc gia (FN) Giăng Ma-ri Lơ Pen, cha của đương kim “thủ lĩnh của phe cực hữu” Ma-rin Lơ Pen, cũng lọt vào đến vòng hai và đối đầu với Giắc-kê Si-rắc. Tuy nhiên, ông Lơ Pen đã chịu thất bại thảm bại khi chỉ nhận được chưa đến 18% số phiếu ủng hộ, trong khi ông Si-rắc giành được trên 82% số phiếu ủng hộ. 
 
Chuyên gia Đi Mê-li-ô cho biết ngay sau khi có kết quả sơ bộ, các “đối thủ” tại vòng một đã nhanh chóng tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ hơn cho ông Mắc-crông. 
Ứng viên Tổng thống Pháp Ma-rin Lơ Pen. Ảnh: Roi-tơ
Ứng viên Tổng thống Pháp Ma-rin Lơ Pen. Ảnh: Roi-tơ
Thật vậy, phần lớn các chính trị gia uy tín của cả phe cánh hữu và cánh tả, trong đó có hai ứng cử viên Bê-noa Ha-mơn và Phrăng-xoa Phi-ông, cùng với các nhà lãnh đạo châu Âu đã kêu gọi cử tri Pháp bỏ phiếu cho ông Mắc-crông và tạo thành một khối thống nhất chống lại ứng cử viên phe cực hữu, vốn là đại diện cho chủ nghĩa dân túy chống lại dự án châu Âu và quá trình toàn cầu hóa. 
 
Theo đánh giá của trang mạng euractiv.fr, tại vòng hai, cựu Bộ trưởng Kinh tế Em-ma-nu-en Mắc-crông sẽ trở thành ông chủ Điện Ê-li-dê với 62% số phiếu ủng hộ, điều này đồng nghĩa với việc bà Ma-rin Lơ Pen chỉ đạt 38% ủng hộ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Đi Mê-li-ô, “có một số yếu tố không lường trước được” sẽ có tác động đến kết quả cuộc bầu cử vòng hai, đó là “tình hình an ninh trong hai tuần tới” và “chất lượng cuộc tranh luận” lần đầu tiên giữa ứng cử viên phe cực hữu với ứng cử viên trung dung, bởi lẽ vào năm 2002, không có cuộc tranh luận này giữa Giắc-kê Si-rắc và bố của bà Ma-rin Lơ Pen. 
 
Cuộc tranh luận sắp tới được đánh giá rất quyết liệt về chủ đề dự án châu Âu, bởi hai ứng cử viên có quan điểm hoàn toàn đối lập. Ông Đi Mê-li-ô cho rằng “hệ số tác động do các yếu tố này tạo ra là yếu”. Kết quả của vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 sẽ chịu tác động chi phối bởi nhiều lý do chính như khó khăn tại Pháp, tìm kiếm những giải pháp mới…
 
Theo Đi Mê-li-ô, không nên đánh giá thấp các yếu tố đặc thù của cuộc bầu cử này, như hàng loạt vụ bê bối hay việc có quá nhiều “ứng cử viên nhỏ” đã “làm loãng” số phiếu ủng hộ của cử tri Pháp tại vòng một. 
 
Về thất bại lịch sử của hai đảng truyền thống của Pháp, đảng Những người Cộng hòa và đảng Xã hội ngay tại vòng một, Chủ tịch Trung tâm châu Á cho rằng, các đảng này phải đối mặt với thách thức về sự “kết dính” trong tương lai, do đó, cải tổ lại cơ cấu chính trị là điều không tránh được nếu không sẽ bị chia tách, đặc biệt đối với cánh hữu. Ông nhấn mạnh thách thức hiện hữu trước mắt chính là các cuộc bầu cử lập pháp sắp tới và khả năng gây ảnh hưởng đến các quyết sách của Chính phủ. 
 
Thông thường cuộc bầu cử tổng thống tạo ra động lực cho các cuộc bầu cử lập pháp diễn ra sau đó, nhưng tình huống mới hiện nay đang đưa một ứng cử viên “phi đảng phái” dẫn đầu vòng một và có nhiều khả năng có được chiến thắng ở vòng hai, tạo ra nhiều yếu tố khó tiên lượng về số lượng các nghị sĩ của các đảng truyền thống. 
 
Đánh giá về cuộc chạy đua tại vòng một, chuyên gia Đi Mê-li-ô cho rằng một trong những bất ngờ lớn nhất là việc nổi lên của ứng cử viên của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Giăng Luých Mê-lăng-dông. Ứng cử viên này ngoài tài hùng biện được đánh giá là tốt nhất trong số các ứng cử viên thì còn được hưởng lợi từ chính việc mất niềm tin của cử tri ủng hộ cánh tả đối với đảng Xã hội./.
 
Theo TTXVN


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com