Brussels vẫn trong tình trạng báo động sau một năm khủng bố

05:03, 23/03/2017

Đúng một năm sau khi chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đánh bom liều chết tại thủ đô Brussels, giới chức Bỉ cho biết, vẫn còn nhiều điều chưa rõ về người đã chỉ đạo vụ tấn công, ngay cả khi những kẻ tham gia vụ việc đã bị bắt giữ hoặc tiêu diệt.

Ngày 22-3-2016, cuộc đánh bom đẫm máu đã xảy ra tại sân bay Zaventem và một ga tàu điện ngầm ở Brussels, cướp đi tính mạng của hơn 30 người và làm hàng trăm người khác bị thương. Trước đó bốn tháng, thủ đô Paris (Pháp) phải hứng chịu loạt đánh bom và xả súng kinh hoàng làm 130 người thiệt mạng. Đáng chú ý, các vụ tấn công này đều được thực hiện bởi các nhóm bí mật của thanh niên Hồi giáo, trong đó một số đối tượng đã trở về từ chiến trường Syria.

Mít-tinh tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ đánh bom tại Brussels (Bỉ), ngày 17-4. (Ảnh: Reuters)
Mít-tinh tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ đánh bom tại Brussels (Bỉ), ngày 17-4. (Ảnh: Reuters)

Một năm qua, Bỉ đã duy trì tình trạng báo động cao trong khi giới chức nước này nỗ lực đẩy lùi các mối đe dọa trong nước và bên ngoài. “Chúng tôi sẽ chỉ yên tâm khi tình hình tại Syria và Iraq được giải quyết”, một quan chức cấp cao của Bỉ cho biết khi nói về cuộc điều tra vụ tấn công Brussels. Theo Trung tâm Chống khủng bố quốc tế có trụ sở tại TP Hague (Hà Lan), hai quốc gia Trung Đông này đã thu hút hơn 400 công dân Bỉ đứng vào hàng ngũ các chiến binh Hồi giáo.

Đến nay, giới chức Bỉ vẫn chưa chắc chắn nhân vật nào của IS nào đã lên kế hoạch và tổ chức tiến hành các cuộc tấn công khủng bố dù 59 đối tượng đã bị bắt giữ. Thủ tướng Bỉ Charles Michel cho biết, cuộc điều tra chưa hoàn tất và vẫn còn chút hoài nghi về hệ tư tưởng đã truyền cảm hứng cho vụ giết người. “Các cuộc tấn công được IS truyền cảm hứng, tổ chức này được truyền cảm hứng bởi hệ tư tưởng chuyên chế nhằm phá hủy các giá trị của châu Âu… Chúng ta cần đấu tranh với hệ tư tưởng này với quyết tâm cao nhất”, ông Michel khẳng định.

Đối với các cơ quan an ninh của Bỉ, dường như vẫn còn rất khó khăn để thâm nhập các cộng đồng chặt chẽ như khu vực người Hồi giáo tại TP Molenbeek, nơi nghi phạm hàng đầu trong vụ tấn công Paris Salah Abdeslam lẩn trốn gần bốn tháng. Bốn ngày sau khi Abdeslam bị bắt, các đồng phạm của hắn đã tìm cách làm rung chuyển Brussels.

Bất chấp các nỗ lực phát hiện và ngăn cản ảnh hưởng của tư tưởng Hồi giáo bạo lực, một số thanh niên từng phạm tội nhỏ vẫn có nguy cơ bị tổn thương bởi tư tưởng này. Chính vì vậy, hoạt động giám sát các phần tử thánh chiến tiềm năng đã được tăng cường trong năm qua.

Giới chức Bỉ cho biết, trong một năm qua, năm công dân Bỉ bị phát hiện đang tìm cách rời khỏi Syria, trong đó chỉ có một người thành công. Theo một đánh giá chính thức, khoảng 160 công dân Bỉ vẫn ở lại Syria, 80 đứa trẻ là con của họ được sinh ra tại đây và điều ngày kéo theo lo ngại về nguy cơ mới. “Những đứa trẻ này có thể là sự nguy hiểm của ngày mai. Các em phải chứng kiến sự tàn bạo và bị tẩy não, trong đó một số em đã được huấn luyện quân sự. Chúng ta phải làm việc với những đứa trẻ này về việc trở về Bỉ”, giới chức Bỉ quan ngại.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com