Đâu là nguyên nhân của cuộc bạo loạn tại Cư-rơ-gư-xtan?

08:06, 20/06/2010

 Bạo động nghiêm trọng tại Cư-rơ-gư-xtan trong mấy ngày qua khiến 120 người thiệt mạng có thể không chỉ đơn thuần vì lý do xung đột sắc tộc mà còn là hệ lụy của cuộc đảo chính cách đây không lâu.

Mâu thuẫn sắc tộc hay nội chiến?

Bạo lực xuất phát từ những cuộc xung đột nhỏ giữa người Cư-rơ-gư-xtan và người gốc U-dơ-bê-ki-xtan thiểu số đêm 10-6, rồi leo thang thành các cuộc chiến ngoài đường phố. Đây được xem là vụ bạo lực tồi tệ nhất ở Cư-rơ-gư-xtan kể từ khi Tổng thống Ba-ki-ép (Bakiyev) bị lật đổ vào tháng 4 vừa qua. Người ta lo ngại vụ việc có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi nhiều phụ nữ và trẻ em gốc U-dơ-bê-ki-xtan chạy về phía biên giới giáp U-dơ-bê-ki-xtan gần đó. Chính phủ U-dơ-bê-ki-xtan đêm 13-6 đã mở cửa biên giới để đón khoảng 80.000 tị nạn gốc U-dơ-bê-ki-xtan chạy trốn khỏi các nhóm vũ trang quá khích. Theo các tổ chức nhân đạo, hiện 100.000 người gốc U-dơ-bê-ki-xtan đang tìm cách chạy sang U-dơ-bê-ki-xtan để thoát khỏi bạo lực.

Người gốc U-dơ-bê-ki-xtan thiểu số dồn về phía biên giới U-dơ-bê-ki-xtan để chạy trốn bạo loạn. Ảnh: AP

Cư-rơ-gư-xtan là quốc gia nằm ở vùng Trung Á, có diện tích 199.000km2 với dân số hơn 5,4 triệu người. Cư-rơ-gư-xtan tuyên bố độc lập khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Đất nước nông nghiệp có diện tích nhỏ và được bao bọc bởi các dãy núi này là nơi chung sống của nhiều cộng đồng sắc tộc.

Theo các nhà phân tích, các vụ tấn công bạo lực hiện nay đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là xung đột lợi ích giữa các nhóm. Người Cư-rơ-gư-xtan chiếm khoảng 70% trong 5,4 triệu dân Cư-rơ-gư-xtan, người gốc U-dơ-bê-ki-xtan thiểu số chiếm 14,5%, người gốc Nga 8,4%, còn lại là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm nào cũng đòi chia đất canh tác trong khi Cư-rơ-gư-xtan lại thiếu đất canh tác trầm trọng và không có một định chế mạnh nào phân xử.

Tổng thống Nga Mét-vê-đép (Medvedev) đã đề cập đến sự yếu kém của chính phủ tiền nhiệm (của cựu tổng thống bị lật đổ Ba-ki-ép) đã gây nên mâu thuẫn trong dân chúng. Mâu thuẫn giữa người Cư-rơ-gư-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan đã tồn tại từ lâu nhưng không được chính phủ tiền nhiệm giải quyết triệt để. Thành phố Ô-sơ, thủ phủ của miền Nam đồng thời là thành phố lớn thứ 2 của Cư-rơ-gư-xtan, đã từng chứng kiến nhiều vụ xung đột đẫm máu giữa 2 nhóm sắc tộc gốc U-dơ-bê-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan vào năm 1990 vì tranh chấp về đất đai nông nghiệp khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Trong khi đó, mâu thuẫn giữa chính phủ và phe đối lập Cư-rơ-gư-xtan bắt nguồn từ sự chênh lệch về thu nhập và trình độ phát triển giữa miền Bắc - ủng hộ tổng thống tạm quyền, và miền Nam nghèo khó hơn - ủng hộ phe đối lập. Vùng Gia-la-la-bát, quê hương của tổng thống bị lật đổ Ba-ki-ép, luôn được xem là thành trì vững chắc của ông này ở miền Nam, nơi cộng đồng người gốc U-dơ-bê-ki-xtan chiếm đa số và nghèo hơn rất nhiều so với các nhóm sắc tộc khác. Chính thành phố Gia-la-la-bát là một trong hai nơi mà những người ủng hộ Tổng thống Ba-ki-ép và những người ủng hộ chính phủ lâm thời xung đột nhau mạnh nhất.

Có sự “giật dây”?

Nhiều người Cư-rơ-gư-xtan ở miền Nam vẫn còn ủng hộ ông Ba-ki-ép trong khi người gốc U-dơ-bê-ki-xtan ở miền Nam lại nhanh chóng ngả sang chính phủ lâm thời được thành lập sau khi ông Ba-ki-ép bị lật đổ. Một cách rất “tình cờ”, thành phố Ô-sơ chính là quê hương của ông Ba-ki-ép và là nơi tập trung rất nhiều người còn ủng hộ ông. Vị tổng thống lưu vong, hiện được cho là đang ở Bê-la-rút, từng cố thủ tại khu vực Ô-sơ – Gia-la-la-bát một thời gian sau khi phải tháo chạy khỏi thủ đô Bi-skếch. Chính phủ của bà R. Ô-tun-bai-ê-va (R. Otunbayeva) đã cố gắng giữ quyền kiểm soát mong manh đối với miền Nam. Tuy nhiên, dường như nỗ lực đó là quá sức khi vụ bạo động ngày càng leo thang. Hôm 12-6, bà Ô-tun-bai-ê-va đã phải tuyên bố mất quyền kiểm soát đối với thành phố Ô-sơ.

Vì lẽ đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân thật sự của cuộc bạo loạn hiện nay là do bàn tay “đạo diễn” của cựu Tổng thống Ba-ki-ép. Chính phủ lâm thời đã chỉ đích danh chính những người ủng hộ và gia đình ông Ba-ki-ép “giật dây” phía sau vụ bạo loạn. Trong khi đó, người dân Cư-rơ-gư-xtan ở Ô-sơ và Gia-la-la-bát cáo buộc người gốc U-dơ-bê-ki-xtan đã châm ngòi bạo lực khi tấn công sinh viên và phụ nữ Cư-rơ-gư-xtan. Sau đó, họ mới từ các làng lân cận tràn vào hai thành phố để phản công. Tuy nhiên, M. Giên-bê-cốp (M. Zheinbekov), Thị trưởng lâm thời thành phố Gia-la-la-bát, khẳng định những hung thủ thật sự là những kẻ ủng hộ tổng thống bị lật đổ Ba-ki-ép. Theo ông Giên-bê-cốp, bọn chúng đã tấn công cả người Cư-rơ-gư-xtan và người U-dơ-bê-ki-xtan để kích động bạo lực sắc tộc. Ông Ba-ki-ép đã phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng chính quyền lâm thời đã không bảo vệ được người dân.

Ô-sơ (Osh) và Gia-la-la-bát (Jalalabat), hai “điểm nóng” xung đột sắc tộc ở miền Nam Cư-rơ-gư-xtan).

Sự ổn định của Cư-rơ-gư-xtan rất quan trọng đối với cả Nga và Mỹ vì cả hai đều có căn cứ quân sự tại quốc gia Trung Á này. Nga dù từ chối can thiệp quân sự nhưng vẫn cử lính đến Cư-rơ-gư-xtan để bảo đảm an toàn cho các cơ sở quân sự và quân nhân Nga. Trong khi đó, Mỹ dường như đã sốt ruột. Trang web Chính sách đối ngoại (Foreign policy) Mỹ đăng thông tin nói rằng người đứng đầu Chính phủ lâm thời Cư-rơ-gư-xtan Ô-tun-bai-ê-va, trước khi yêu cầu Nga cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến trợ giúp Bi-skếch, đã đề nghị Mỹ (một cách không chính thức) viện trợ quân sự để giải quyết các cuộc xung đột sắc tộc ở nước Trung Á này. Người ta cho rằng Mỹ đang đánh tiếng để có thể đường hoàng can thiệp vào quốc gia Trung Á. Tuy nhiên, Chính phủ lâm thời Cư-rơ-gư-xtan đã ra bác bỏ tin này.

Hiện các nhà phân tích đang lo ngại về khả năng Cư-rơ-gư-xtan sẽ rơi vào nội chiến nếu mâu thuẫn không sớm được giải quyết. Trước mắt là hậu quả từ khủng hoảng này có thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc trưng cầu dân ý để thông qua hiến pháp mới, dự định sẽ tổ chức vào ngày 27-6 tới. Đây là bước quan trọng để chính phủ lâm thời trở nên danh chính ngôn thuận và lãnh đạo tạm thời Ô-tun-bai-ê-va chính thức trở thành Tổng thống Cư-rơ-gư-xtan. Bà Ô-tun-bai-ê-va đang đứng trước một thách thức không nhỏ, và nếu giải quyết không khéo, một kịch bản cũ sẽ được lặp lại.

Ngọc Hà (theo QĐND)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com