Hạ thương

08:05, 15/05/2020

Mới ngày nào hãy còn se sẽ rét, qua 2 đợt mưa rào, nắng bỗng vàng lên rực rỡ chính thức báo hiệu hè về. Mới 6h sáng, nắng đã rực lên bên cửa sổ, nhảy nhót trên cánh đồng rộng và chộn rộn đầy vườn cây nhà ngoại. Không còn vẻ chênh chao, thứ nắng hè cứ bắt đầu vào mùa là sẵn sàng bừng lên như lửa đỏ. Vành nón trắng không đủ che cho má thiếu nữ xuân thì hây hây dưới nắng.

Hè đến bắt nắng chói chang trên hàng phượng ven hồ chạy dọc công viên. Sáng hôm qua, bà cụ tranh thủ ngồi duỗi chân sau giờ đi bộ còn thấy lá phượng nửa xanh, nửa vàng rơi đầy vai áo. Giữa trời nắng chói chang, cây phượng già có vẻ cằn cỗi, thiếu sức sống. Nó đã ở đây suốt từ thời bà còn là thiếu nữ. Qua một đêm oi nồng, cả cây phượng trổ đỏ, bông gọi bông rực sáng cả góc công viên. Người đi đường ngỡ ngàng, không hiểu cây phượng già lấy đâu sức sống mà ra bông rực rỡ đến thế. Chú ve được mùa kêu vang trong tán phượng. Ban đầu còn dè dặt, thăm dò, trời càng nắng, phượng càng đỏ, tiếng ve càng náo nức, râm ran. Cả công viên, cả những con đường rộ trong tiếng ve.

Ảnh: Internet
Ảnh/ Internet

Hè gọi mùa chia ly của những học sinh cuối cấp, buồn đến nao lòng. Tháng năm, nhóm nữ sinh lục tục nào thuê áo dài, viết lưu bút, nhắn tin, luyến tiếc nghĩ đến việc giã từ thời học sinh. Đám con trai có vẻ bình thản hơn, chúng lập hội đá bóng, chăm chỉ đến trường, bày nhiều trò chơi vui nhộn để thu hút càng đông người chơi và đặc biệt là đám nữ sinh càng tốt. Giữa những ngày ôn thi bận rộn, thỉnh thoảng cậu bạn bàn trên lại e thẹn liếc nhìn xuống cuối lớp. Cậu nhờ bạn chuyển xuống bàn cuối tờ giấy ghi vài chữ viết vội mà ngực đập rộn rã. Giáp mặt, cô bé khẽ nói, tớ không hiểu cậu viết gì? Cậu bé mặt đỏ bừng mãi không giải thích được rõ ràng điều định nói. Cứ như vậy, họ đi hết những năm tháng tuổi trẻ với nhiều nhung nhớ, thậm chí day dứt. Tại sao điều đơn giản lại khó nói nhất? 

Mùa hè gọi những cơn mưa không cơn cớ. Trời đang nắng chói chang bỗng đâu mây đen kéo đến vần vũ rồi đổ mưa. Cơn mưa mùa hè nhanh đến, nhanh đi, hạt to và mạnh mẽ. Giữa ngày oi nồng, lúa non chờ mưa đến quay quắt, mẹ đỏ mắt mong mưa. Chưa mưa, mẹ líu ríu chân lội ra lội vào bần thần. Vài ngày nữa mà không mưa thì lúa chết mất thôi. Năm nay mà mất mùa thì chết đói không chừng… Đầu chiều khi cả nhà còn ngồi tránh nắng, hơi gió bỗng dưng ngàn ngạt. Bà ra đầu hè ngóng ra vườn, mắt phóng xa tít tắp. “Chốc sẽ có mưa đấy” - bà thủng thẳng. Ông cứ nhìn đám lá ngoài vườn đang nằm phơi bụng kìa, mặt lá sấp xuống, thể nào cũng mưa. Bà dứt lời chưa lâu, đàng đông mây kéo đầy trời. Thế rồi mưa, những hạt to đùng nổ lộp bộp trên mặt nước. Sân đầy nước trắng, cống to, cống nhỏ nước chảy thành dòng ào ào. Thằng Tý thích quá nhảy ào xuống sân chọn máng nước ông nội bắc sẵn từ đầu mùa tắm mưa. Thế rồi bỗng dưng nó biến mất, nhanh nhảu đi gọi bọn trẻ trong xóm. Từ đầu làng, lũ trẻ đi thành từng đám hò hét, chạy nhảy trong mưa. Tiếng cười đùa, tiếng xô đẩy, vật nhau náo loạn khắp xóm. Mưa nhảy nhót không ngừng, tưới đẫm mặt đất. Vạt lúa non của mẹ hò reo dưới ruộng, đầu bờ. Lũ cá rô được nước thi nhau quẫy đạp luồn lách dưới chân lúa.

Hè đến, thằng Tý nhớ quắt quay hàng kem mút mỗi lần qua cổng. Những năm đó, người mà lũ trẻ trong xóm chờ đợi nhất là bác hàng kem. Ngày hai lần sáng chiều bác vào ra trong xóm rao bán kem. Trên chiếc xe cũ kỹ có một cái thùng gỗ đựng những cây kem mát lạnh, ngọt lừ, gây nghiện cho bất cứ đứa trẻ nào được nếm. Bác đi đến đâu, đám trẻ vây quanh đến đó. Khi bác bận lấy kem, một đứa táo bạo “dám” cầm cái kèn của bác bóp thử. Nó giật mình, từ cái kèn, tiếng kem mút, kem mút phát ra lảnh lót, y như khi bác bán kem rao. Để được ăn những cây kem, lũ trẻ sẵn sàng vét đến đồng tiền lẻ cuối cùng. Mùa lạc, mùa ngô, đã bao ngày thằng Tý chạy nắng trên đồng “mót” lạc đổi kem. Đối với thằng Tý, có lẽ đến nay không món ăn nào trên thế giới này tuyệt ngon như lần đầu tiên, vào một mùa hè cháy nắng của tuổi thơ nó được thưởng thức. Đó chính xác là dư vị ngọt ngào nhất của mùa hè ký ức đọng mãi trong trái tim nó./.

Nguyễn Hoa Xuân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com