Hội họa Nam Định - Dấu ấn một thời

08:05, 08/05/2020

Sau ngày giải phóng miền Nam, đất nước như một cuộc trở dạ: Vừa khôi phục phát triển kinh tế, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh. Trong bối cảnh đó, những người làm công tác văn hóa nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước.

Tỉnh Hà Nam Ninh khi ấy có một đội ngũ họa sĩ được đào tạo bài bản và cũng có những họa sĩ bằng năng khiếu nhưng tay nghề khá lão luyện. Tuy cùng cơ quan nhưng ngoài đời mỗi người mỗi vẻ. Họa sĩ Phạm Quyền có nhiều thập niên uy tín về vẽ phóng lớn các loại tem cho Bưu điện tỉnh và bưu điện các huyện, thành phố sau này lập các lò luyện thi mỹ thuật và thực sự nhiều sinh viên đã thành danh tại các trường nghệ thuật quốc gia. Họa sĩ Thanh Vấn độc quyền việc tuyên truyền cho nhà máy tơ bằng các cụm cổ động. Họa sĩ Tân Hân “có duyên” với trang trí nội, ngoại thất các gian hàng y tế, dược phẩm. Đặc biệt họa sĩ Dương Đức Điện, người được mệnh danh là “Sư tử ngủ” có tay nghề uy tín với khách hàng và đồng nghiệp về đồ họa thì bao trọn toàn bộ và “xưng vương” một vùng rộng lớn của thành phố Nam Định. Ông là tác giả của các dàn pa-nô cao ngất ngưởng các đầu ô vào thành phố với các chất liệu: Ghép gốm, in phun khổ lớn và ông cùng các cộng sự kẻ khẩu hiệu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…” lên tháp nước trước quảng trường thành phố cao 30m thời chiến tranh. Đặc biệt là dàn dựng các nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ cho các huyện và nội thất phòng khánh tiết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Họa sĩ Phan Thăng, Trần Trung Kỳ, Lê Đức Biết, Lê Minh Châu với các lò luyện thi cho học sinh THPT có nguyện vọng thi vào các trường chuyên: Mỹ thuật Yết Kiêu, Kiến Trúc, Mỹ thuật công nghiệp…

Trên đường chiến dịch 2 (Tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Đức Biết).
Trên đường chiến dịch 2 (Tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Đức Biết).

Họa sĩ Bùi Ngọc Tư, Trọng Trường có mảng trời riêng là xây dựng trang trí nhà truyền thống các cơ quan, các huyện. Họa sĩ Vũ Minh độc quyền trang trí nội thất nhà truyền thống Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định và các cụm cổ động trong khuôn viên nhà máy, các tranh bảo hộ lao động…

Nhớ lại những năm tháng Hội chợ - Triển lãm được thi công tại Giảng Võ (Hà Nội) nhằm giới thiệu về tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh với các tỉnh bạn và ngoại thương các nước trong khu vực và thế giới. Ngày ấy, việc thi công Triển lãm - Hội chợ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin giao trực tiếp cho Trung tâm Thông tin triển lãm biên tập nội dung, lên ma-két tổng thể và thể hiện gian hàng Hà Nam Ninh. Những ngày thi công tại Hội chợ là những ngày đêm anh em họa sĩ Triển lãm tỉnh làm việc hết công suất vì chất lượng chuyên môn. Những chiếc huy chương vàng do Hội đồng nghệ thuật quốc gia và Ban tổ chức trao cho gian hàng Hà Nam Ninh về phần trang trí đã nói lên điều đó. Thành tích là của tập thể, song họa sĩ Phạm Quyền là “máy cái” chỉ đạo tổng thể và cụ thể từng chi tiết mảng miếng, bày hàng. Công việc của cơ quan đã hoàn thiện về gian hàng của tỉnh và theo lời mời của một số gian hàng tỉnh bạn nhờ tập thể họa sĩ và thợ mộc của cơ quan, ngoài giờ đáp ứng được hết, thật vẹn cả đôi đường, giữa mối quan hệ các tỉnh trong khu vực và toàn quốc.

Triển lãm Mỹ thuật Hà Nam Ninh được tổ chức lần đầu tại Hà Nội vào mùa hè 1977. Tiếp đó năm 1995 Triển lãm Mỹ thuật lần thứ hai tại Hà Nội, với sự góp mặt của các họa sĩ, thầy giáo, là người Hà Nam Ninh đang sống và làm việc tại Hà Nội. Khách và người mộ điệu loại hình này mừng cho Hà Nam Ninh khởi sắc. Tiếp đó là các cuộc triển lãm hội họa cá nhân của các họa sĩ Dương Đức Điện, Lê Đức Biết, Lê Minh Châu, Vũ Xuân Dương… được khai mạc tại Hà Nội, Nam Định, Thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là tham gia triển lãm mỹ thuật vùng đồng bằng sông Hồng từ những năm 1990 đến nay. Sự hiện diện của hội họa Nam Định thật sự là những dấu ấn trong tâm trí người xem, là điểm sáng trong lòng bè bạn đồng nghiệp trong khu vực và toàn quốc thông qua các giải thưởng cho các cá nhân họa sĩ Nam Định. Năm 1995, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh được thành lập theo quyết định của Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam; quy tụ hơn 10 họa sĩ được đào tạo từ đại học lên đến thạc sĩ và chi hội thực sự là chỗ dựa tinh thần cho bộ môn Mỹ thuật của tỉnh qua các thời kỳ.

Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, Mỹ thuật Nam Định đã khởi sắc như một màu hồng bất tận trong các hoạt động nghề nghiệp. Nhắc đến Mỹ thuật Nam Định, chúng ta tự hào với những tên tuổi các họa sĩ lớp trước như: Nguyệt Hồ, Dương Đình Khoa, Thế Hải, Trần Trung Kỳ, Bùi Ngọc Tư, Phạm Quyền, Dương Đức Điện, Phan Thăng, Thanh Vấn, Trọng Tường, Lê Đức Biết, Lê Minh Châu, Chu Lưu, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Ngọc Châu, Vũ Minh, Đào Công Huân, Phan Dư, Phúc Khôi, Đặng Nam… Và đóng góp sau đó của một lực lượng hùng hậu các họa sĩ được đào tạo bài bản như: Thạc sĩ Nguyễn Công Hiệp, thạc sĩ Vũ Xuân Dương, Lê Minh Sơn… và còn một lớp họa sĩ trẻ bút lực còn sung mãn như thạc sĩ Trần Văn Thăng, Bùi Anh Tuấn, Hoàng Văn Đồng, Đặng Khắc Thiềm, Minh Cường, Lê Anh, Doãn Ngọc Báu, Trần Duy Phát, Nguyễn Bách Tùng, Trần Văn Trọng, Vũ Tuấn Việt, Phạm Quang Vinh, Đỗ Thanh Liêm, Lương Văn Phương… Ngoài ra có sự đóng góp không nhỏ của các họa sĩ - nhà điêu khắc nữ là điểm nhấn của các cuộc triển lãm mỹ thuật ở tỉnh, khu vực và toàn quốc như: Họa sĩ Dương Quang Sắc, Vũ Thị Hường, Nguyễn Thị Nga, Trần Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Thủy.

Nam Định - mảnh đất “địa linh nhân kiệt” nơi nuôi dưỡng, ươm mầm, che chở và là bệ phóng cho những ước mơ để trở thành hiện thực của các họa sĩ nơi trưởng thành của các họa sĩ - chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng./.

Hoạ sĩ Lê Đức Biết
(Nguyên Giám đốc
Trung tâm Thông tin triển lãm tỉnh)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com